Xã hội

Giao Thuỷ - Nam Định: Từng bước chuyển mình trong công tác giảm nghèo bền vững

Thuỵ Khanh 30/09/2024 - 22:05

(TN&MT) - Thực hiện hiệu quả các giải pháp trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện Giao Thuỷ (Nam Định) đã từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập của người dân, tránh tái nghèo và nâng cao chất lượng đời sống…

Trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc (MTQG) về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã đề ra các nhiệm vụ giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều (gồm cả hộ nghèo và cận nghèo) phấn đấu đến năm 2025, giảm còn 0,6%; 100% hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, được vay vốn tín dụng ưu đãi từ các hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho các đối tượng trong diện; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ mới thoát nghèo.

img_0362.jpeg
Phát triển mô hình giảm nghèo trong đó có mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm tại Giao Thuỷ

Cụ thể, năm 2023, huyện Giao Thủy đã phân bổ nguồn kinh phí 4,085 tỷ đồng; năm 2024, phân bổ 1,557 tỷ đồng cho các đơn vị, địa phương triển khai các dự án, mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất. Từ năm 2023 đến nay, các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc và Bạch Long đã thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Trong khuôn khổ dự án, xã Giao Thiện thực hiện 4 mô hình giảm nghèo: Nuôi lợn thịt thương phẩm, chăn nuôi vỗ béo trâu thịt, chăn nuôi vỗ béo bò thịt, nuôi gà thương phẩm với tổng kinh phí thực hiện trên 750 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 428 triệu đồng (đã giải ngân 389 triệu đồng).

Xã Giao An, Giao Lạc và Bạch Long thực hiện mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt (mỗi xã 6 con); các đàn gia súc, gia cầm được các hộ chăn nuôi đúng cách, sinh trưởng tốt. Triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tại các xã: Giao Lạc (nuôi bò thịt), Giao Hà (nuôi gà thịt), Giao Phong (trồng khoai tây thương phẩm). Tổ chức mô hình nuôi bò thịt, tháng 12/2023 xã Giao Lạc thực hiện hỗ trợ 7 hộ cận nghèo mỗi hộ một con bò giống và vắc-xin phòng bệnh, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; đến nay bò nuôi khỏe mạnh, phát triển tốt, dự kiến cuối năm 2024 sẽ được xuất bán.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện Giao Thủy, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt được triển khai phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của từng địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm mới, tăng nguồn thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Các ngành, các địa phương cũng theo đó, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: Tạo điều kiện để người nghèo và hộ nghèo tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi; chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo; ưu tiên dạy nghề lao động nông thôn cho người nghèo, cận nghèo trong độ tuổi lao động nhằm giải quyết việc làm, tạo việc làm mới; hỗ trợ về y tế; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo theo quy định.

Với việc triển khai các biện pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo của huyện đã đạt được kết quả quan trọng. Các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 của huyện là 1,09%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,06% (hộ nghèo giảm 0,16%, hộ cận nghèo giảm 0,63% so với cuối năm 2022), đạt kế hoạch.

Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều, phổ biến chủ trương, chính sách về giảm nghèo với nhiều hình thức: Treo pano, băng rôn trên các trục đường chính của huyện, các xã, thị trấn; truyền thông trên Đài phát thanh của huyện và hệ thống loa truyền thanh các xã, thị trấn; truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; tổ chức hưởng ứng các cuộc thi viết về giảm nghèo bền vững… Qua đó đã tạo được sự đồng thuận của xã hội trong việc trợ giúp các hộ nghèo, để các hộ tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng.

Cùng với đó, huyện cũng chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cho đội ngũ cán bộ cơ sở của huyện.

Theo đó, hàng năm, các xã, thị trấn đều khảo sát, phân tích thực trạng, nguyên nhân nghèo của hộ nghèo tại địa phương và các lĩnh vực có ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo, đề ra những giải pháp để thực hiện tốt chương trình, dự án, kế hoạch giảm nghèo. Đẩy mạnh các chương trình, dự án giảm nghèo tập trung đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển mô hình giảm nghèo; tạo điều kiện để người yếu thế, dễ bị tổn thương có hoàn cảnh khó khăn tham gia thực hiện mô hình, dự án giảm nghèo.

img_0363.jpeg
Huyện Giao Thuỷ triển khai nhiều phương án phát triển giáo dục nghề nghiệp cho các hộ nghèo

Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm: Phương tiện sản xuất, giống cây trồng và vật nuôi kết hợp với việc tuyên truyền định hướng, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con áp dụng…; cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm, giảm nghèo về thông tin…

Qua những kết quả đã đạt được, có thể thấy việc triển khai Chương trình MTQG được huyện Giao Thuỷ thực hiện hiệu quả và đồng bộ. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững.

Linh hoạt lồng ghép mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương; quan tâm làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Thuỵ Khanh