Xã hội

Khởi nghiệp thành công với nhiều mô hình vươn lên làm giàu hiệu quả

Thuỵ Khanh 30/09/2024 - 22:05

(TN&MT) - Thời gian qua, Phụ nữ tỉnh Nam Định đã nhân rộng nhiều mô hình điểm hỗ trợ nhau vươn lên thoát nghèo và ngày càng xuất hiện nhiều điển hình phụ nữ khởi nghiệp thành công, giảm nghèo bền vững.

Trong đó, có thể kể đến gương điển hình về phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu là chị Nguyễn Thị Thảo - Thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản) với sự phát triển của xưởng may Tuấn Phát. Vốn biết nghề may, chị Thảo mong muốn có thể mở được xưởng, tạo thêm việc làm cho chị em phụ nữ địa phương. Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ban đầu chị chỉ đủ vốn để mở một cửa hàng nhỏ, chủ yếu may các loại quần áo hàng ngày cho khách quen.

img_0364.jpeg
Phát triển mô hình Xưởng may tại huyện Vụ Bản cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ tháng

May mắn thay, thông qua Hội LHPN tỉnh, chị biết đến chương trình cho vay vốn kinh doanh, từ đó, chị đã mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ ngân hàng, đầu tư mua 5 máy may công nghiệp, mở rộng mặt bằng nhà xưởng. Cùng với đó, chị cũng lặn lội khắp nơi tìm các mối hàng để giới thiệu, chào bán sản phẩm. Dần dần, bằng chất lượng sản phẩm của mình, chị đã có những khách hàng đặt may với số lượng lớn, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Nhận thấy nghề may công nghiệp có tiềm năng phát triển tốt, chị tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp lớn, đẩy mạnh sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, hàng tháng cơ sở may Tuấn Phát của gia đình chị Thảo xuất ra thị trường vài chục nghìn sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho 21 lao động với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, trừ chi phí, chị thu lãi trên 200 triệu đồng.

Học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế, chị Đỗ Thị Hải, xã Đồng Thịnh (huyện Nghĩa Hưng) biết đến mô hình nuôi giun quế làm thức ăn chăn nuôi. Theo đó, chị nhận thấy việc nuôi giun quế có nhiều ưu điểm như: Vốn đầu tư ít, cách thức nuôi đơn giản, thức ăn cho giun dễ kiếm, các phụ phẩm từ giun quế, nuôi giun quế đều có thể bán cho thu nhập, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường… chị Hải đã quyết định lấy 30kg giống giun về nuôi thử nghiệm.

Với các giá trị kinh tế mà mô hình mang lại sau thời gian nuôi từ 2016 cho đến nay, chị Hải quyết định mở rộng mô hình với diện tích 20m2, nuôi trên 1.000kg giun quế và trở thành một trong những đầu mối lớn cung cấp giun quế, các phụ phẩm phân giun cho các hộ có nhu cầu mua phân để bón cho rau màu, cây cảnh, cây ăn quả, thức ăn cho cá… trong tỉnh.

Hàng năm, trừ chi phí, chị Đỗ Thị Hải thu về hàng trăm triệu đồng, bên cạnh đó, chị cũng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho nhiều chị em trên địa bàn và sẵn sàng tặng con giống cho các hộ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Có thể thấy, từ 2 gương phụ nữ điển hình khởi nghiệp thành công, Hội LHPN tỉnh Nam Định cũng đã triển khai, tổ chức nhiều hoạt động, chương trình đa dạng nhằm phát hiện, kết nối nguồn lực hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của phụ nữ; động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có ý tưởng, công trình nghiên cứu đem lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng; tư vấn, hỗ trợ các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi để hỗ trợ xây dựng thành lập tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp.

img_0366.jpeg
Nhiều mô hình phát triển nông nghiệp được nhân rộng giúp người dân thoát nghèo

Ngoài ra, để giúp các sản phẩm khởi nghiệp của chị em nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại, các cấp Hội còn phối hợp với ngành chức năng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kiến thức cho hàng nghìn lượt hội viên; phối hợp tư vấn, đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho hội viên phụ nữ và thành viên HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp; tạo điều kiện cho chị em tham gia các hội chợ, hội thảo liên kết giới thiệu, quảng bá sản phẩm…

Cùng với các hoạt động kết nối nguồn lực, các cấp Hội LHPN còn hỗ trợ chị em tiếp cận nguồn vốn từ các kênh ngân hàng, tổ chức tín dụng, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn Quỹ quay vòng làm công trình vệ sinh hộ gia đình, Tổ chức Tài chính Vi mô TNHH một thành viên (TYM), vốn an ninh thực phẩm hộ gia đình, các nhóm tiết kiệm tại các chi, tổ phụ nữ... Đến đầu tháng 5/2024, tổng dư nợ các nguồn vốn vay do tổ chức Hội quản lý, điều hành đạt 3.400 tỷ đồng, cho 235.741 hộ vay tại 3.528 tổ tiết kiệm và vay vốn… Từ các nguồn vốn vay, kết nối nguồn lực của tổ chức Hội, nhiều hội viên phụ nữ đã được các cấp Hội hỗ trợ để thực hiện các mô hình, dự án khởi nghiệp hiệu quả.

Qua sự hỗ trợ hiệu quả của Hội LHPN các cấp, cùng sự nỗ lực, hăng say lao động, tinh thần vượt lên thoát nghèo, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều mô hình khởi nghiệp thành công, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên, từng bước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững của tỉnh.

Thuỵ Khanh