Xã hội

Hòa Bình: Phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững

Lan Chi 30/09/2024 - 22:01

(TN&MT) - Những năm qua, cuộc sống của người Mường tỉnh Hòa Bình ngày càng được cải thiện, bà con ngày càng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Có được kết quả này là nhờ các mô hình làm du lịch cộng đồng đã tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh miền núi cửa ngõ của vùng Tây Bắc này.

Những mô hình du lịch cộng đồng nổi bật

Điển hình trong số những mô hình trên phải kể đến mô hình du lịch cộng đồng của xóm Đá Bia, huyện Đà Bắc. Với sự trợ giúp của Tổ chức phi chính phủ Action on Poverty (AOP) của Australia tại Việt Nam cùng chính quyền huyện Đà Bắc, người dân xóm Đá Bia đã xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng. Trong đó, có những nhà nghỉ cộng đồng như: Ngọc Nhềm, Đinh Thu, Quang Thọ, Lakeview và Văn Hiếu; cùng với không gian sinh hoạt gắn với đời sống văn hóa "cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui" của đồng bào Mường Ao Tá, Đà Bắc.

Được biết, xóm Đá Bia là một ốc đảo nhỏ trên địa phận xã Tiền Phong. Trước đây, người dân trong xóm làm kinh tế manh mún gắn liền với sông nước, đời sống khó khăn. Từ khi làm mô hình du lịch cộng đồng, bà con được hỗ trợ, cải tạo xây dựng lại nhà sàn, đồng thời giữ nguyên kiến trúc cùng nét văn hóa riêng biệt của dân tộc Mường nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú cùng các dịch vụ tham quan trải nghiệm của du khách. Các hộ kinh doanh homestay tại Đá Bia đoàn kết, chia sẻ cùng phát triển, ổn định cuộc sống.

z4704767517134_6348bed426ef8c9c8da36f50db2cbf2b.jpg
Du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững cho người dân

Cũng ở huyện Đà Bắc, người dân xóm Ké, xã Hiền Lương đã xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng. Các homestay như Hữu Thảo, Sánh Thuần, Sắc Luyến… phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách tham quan thưởng lãm vịnh Hiền Lương. Đồng thời, trên vùng hồ Hòa Bình, du khách còn trải nghiệm các dịch vụ khác như bơi bè mảng, chèo thuyền kayak, tham quan vãn cảnh đền Chúa Thác Bờ, câu cá trên các lồng bè giữa hồ…

Tận dụng thế mạnh của địa phương vừa có cảnh quan lòng hồ thủy điện Hòa Bình, vừa có núi non hùng vĩ với những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ, năm 2014 gia đình ông Đinh Như Huê, ở xóm Ké, xã Hiền Lương bắt đầu mở dịch vụ homestay để đón khách du lịch. Được hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi, gia đình ông đã chỉnh trang, sửa chữa lại nhà cửa, xây thêm 3 phòng nghỉ để phục vụ du khách. Dần dần phát triển thêm khách đến vào thứ Bảy, Chủ nhật, trung bình mỗi tháng thu nhập của gia đình anh từ dịch vụ homestay vào khoảng 30-40 triệu đồng, cao hơn so với làm ngô khoai sắn.

Đáng chú ý, từ khi du lịch phát triển, công tác bảo vệ, phát triển rừng tại xã Hiền Lương từng bước đi vào nề nếp. Diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh tăng nhanh, góp phần tích cực vào phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Tại huyện Đà Bắc, bản Sưng, xã Cao Sơn là một bản du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa người Dao Tiền. Xóm Sưng có 75 hộ gia đình với 100% là đồng bào dân tộc Dao Tiền có các homestay như Xuân Lan, Nhất Quý, Thành Chung, phục vụ nhu cầu lưu trú cho du khách. Nơi đây vẫn còn nguyên những giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Tiền đang được người dân và chính quyền huyện Đà Bắc giữ gìn, đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, tại Hòa Bình còn có các điểm du lịch cộng đồng khác được du khách yêu thích như: Bản Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc nằm bên vịnh Ngòi Hoa thơ mộng; xóm Tiện, xã Thung Nai, huyện Cao Phong; xóm Tháu xã Thái Bình; xóm Bích Trụ, xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình hay Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) là nơi hình thành và phát triển loại hình du lịch cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam từ những năm 1990.

Phát triển du lịch bền vững thúc đẩy nền kinh tế

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình, phần lớn du khách đến Hòa Bình đều lựa chọn trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng. Đây là loại hình du lịch dễ tiệm cận với du khách bởi sự gần gũi, dân dã, khách du lịch được tham quan trải nghiệm không gian kiến trúc văn hóa đặc trưng và cuộc sống sinh hoạt của người bản địa. Loại hình du lịch cộng đồng đã lan rộng và triển khai thành công ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh Hòa Bình, nhất là các bản vùng cao, nơi đồng bào dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao và Mông sinh sống.

Nhờ được thúc đẩy mạnh mẽ, các bản du lịch cộng đồng ở Hòa Bình đã và đang hấp dẫn đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Nổi bật nhất phải kể đến Khu du lịch Mai Châu. Trước khi Covid-19 bùng phát, năm 2019, tổng doanh thu từ du lịch cộng đồng tại đây đạt trên 400 tỷ đồng, chiếm khoảng 16% tổng doanh thu của ngành du lịch Hòa Bình.

Trên cơ sở quy hoạch các khu, điểm du lịch cộng đồng, tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo các địa phương và những người dân trực tiếp làm du lịch tham gia vào kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng. Chính quyền địa phương đầu tư hạ tầng, như xây dựng đường kết nối các bản làng với nhau; phát triển hệ thống bưu chính - viễn thông; bảo tồn các làng nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa…

Đến nay, Hòa Bình đã xây dựng được mạng lưới các bản du lịch cộng đồng ở một số huyện trọng điểm như Mai Châu, Đà Bắc, Khu du lịch Hồ Hòa Bình… Toàn tỉnh có trên 20 làng du lịch có hoạt động du lịch cộng đồng với trên 150 nhà nghỉ cộng đồng.

0530_3._hoa_binh_2.jpg
Với vị trí thuận lợi và tài nguyên du lịch thiên nhiên đa dạng, Hòa Bình có tiềm năng rất lớn trong phát triển loại hình du lịch cộng đồng

Nhờ định hướng và làm tốt phát triển du lịch theo hướng bền vững, trong 6 tháng đầu năm nay, Hòa Bình ước đón 2,6 triệu lượt khách du lịch (tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 260.000 lượt, khách nội địa khoảng 2,34 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch gần 2.700 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng gần 30%.

Có thể thấy, mỗi điểm du lịch cộng đồng tại tỉnh Hòa Bình đều dựa trên nền tảng nguồn tài nguyên phong phú, kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, góp phần tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân, từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Lan Chi