Xã hội

Huyện Lâm Hà (Lâm Đồng): Đẩy lùi đói nghèo nhờ đa dạng hóa nông nghiệp

Đình Du 30/09/2024 - 21:56

(TN&MT) – Việc triển khai hiệu quả sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã góp phần giúp người dân huyện Lâm Hà cải thiện cuộc sống, nhiều hộ dân đã đẩy lùi đói nghèo, vươn lên làm giàu.

anh-1.jpg
Nghề trồng dâu nuôi tằm giúp người dân có cuộc sống ổn định

Đa dạng hóa mô hình sinh kế

Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bằng nhiều giải pháp tổng hợp, giai đoạn 2021- 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Lâm Đồng nói chung, huyện Lâm Hà nói riêng đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng làm tiền đề vững chắc cho công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh. Thời gian qua, huyện Lâm Hà đã lồng ghép các chương trình, đề án và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả.

Điển hình, thôn 4, xã Phước Cát 2 là thôn 100% người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), phần lớn là người đồng bào S’tiêng và Mạ. Năm 2022, từ nguồn quỹ “vì người nghèo” tỉnh Lâm Đồng, đồng bào nơi đây được hỗ trợ triển khai mô hình nuôi lợn đen nhằm tìm ra hướng đi mới để phát triển kinh tế.

Theo ông Trương Văn Xã – Phó chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, năm 2022, xã được phân bổ 500 triệu đồng từ quỹ “vì người nghèo” Lâm Đồng cho 33 hộ, mỗi hộ 15 triệu đồng để triển khai mô hình nuôi heo đen. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên ngành, người dân đã triển khai thực hiện tốt mô hình nên tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 từ 25 hộ đã giảm xuống còn 15 hộ trong năm 2023.

Tương tự, ông Trương Quý Dương - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Prteing 2 xã Phú Sơn cho biết: “Kinh tế người dân ngày càng được ổn định hơn từ khi chuyển đổi mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Thời gian đầu nhiều hộ dân vùng đồng bào DTTS ngại nuôi tằm vì không biết cách trồng dâu và sợ khi tiếp xúc với con tằm. Nhưng khi được cán bộ xã hướng dẫn và tham gia một số lớp tập huấn của huyện tổ chức, người dân thấy được việc nuôi tằm lấy kén cho thu nhập cao nên họ đã chuyển đổi”.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm không cần vốn nhiều nhưng thu nhập mang lại hiệu quả cao. Thu nhập trồng dâu nuôi tằm bình quân mỗi hộ gia đình ở thôn Prteing 2 khoảng 6 đến 8 triệu đồng/tháng.

Gia đình chị K’Hiền ở Phú Sơn trước đây chủ yếu sống nhờ vào cà phê. Nhận thấy việc trồng dâu, nuôi tằm phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so với trồng cà phê, chị đã mạnh dạn bỏ hơn 4 sào cà phê chuyển sang trồng dâu. “Tham gia các lớp tập huấn và được hướng dẫn tận tình, tôi mạnh dạn chuyển đổi hơn. Riêng gia đình tôi, nuôi tằm 3 tháng cho 2 lứa kén với giá kén dao động từ 130-220 nghìn đồng/kg. Chủ yếu, sau khi có kén tằm, tôi sẽ mang đến các thương lái ở một số xã lân cận để bán. Với giá kén tằm hiện nay, gia đình thu về khoảng 13 đến 15 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ chi phí”, chị K’Hiền nói.

anh-2.jpg
Huyện Lâm Hà hỗ trợ kinh phí cho người nghèo

Vươn lên thoát nghèo

Ngoài ra, huyện Lâm Hà đã triển khai đề án sinh kế hỗ trợ cho 185 hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo thực hiện mô hình trồng dâu, nuôi tằm tại 7 xã, thị trấn có đồng bào DTTS tại địa phương.

Tháng 8/2022, 185 hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng dâu, nuôi tằm đều đạt kết quả tốt, các hộ đã tiến hành trồng thêm dâu và nuôi thêm tằm cơ bản đều đạt sản lượng kén từ trung bình trở lên. Từ nguồn vốn hỗ trợ sinh kế năm 2022, 2023, đến nay đã có 41 hộ thoát nghèo, 26 hộ thoát cận nghèo, diện tích trồng dâu, nuôi tằm tăng 27,9 ha so với diện tích đăng ký hỗ trợ trồng năm 2022.

Năm 2023, tổng số nguồn vốn phân bổ cho 5 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 5,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với các ngân hàng đã hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo vay vốn, giải quyết việc làm cho hộ nghèo vay vốn để có kế sinh nhai.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều chung toàn huyện giảm 3,84%, còn 2.318 hộ, chiếm tỷ lệ 6,11%, hộ nghèo đa chiều giảm 1,41%, còn 869 hộ, chiếm tỷ lệ 2,29% (trong đó hộ nghèo đa chiều DTTS giảm 4,16%, còn 488 hộ, chiếm tỷ lệ 6,24%); số hộ cận nghèo giảm 2,43%, còn 1.449 hộ, chiếm tỷ lệ 3,82% (trong đó hộ cận nghèo đa chiều DTTS giảm 3,40%, còn 776 hộ, chiếm tỷ lệ 9,92%).

Hiện nay ngoài tiếp tục công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao năng lực giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, huy động các nguồn lực, thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao, UBND huyện Lâm Hà tập trung gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, địa phương chú trọng đồng bộ cơ sở hạ tầng ở các xã, trong đó chủ yếu đầu tư vào đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, nhà ở, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người nghèo, đẩy mạnh công tác tín dụng, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, xây dựng những mô hình điểm, hướng dẫn việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cho người nghèo, người cận nghèo làm ăn có hiệu quả.

Trong năm 2024, trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Lâm Hà phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung giảm 1%, riêng hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 1-1,5%, mức giảm tỷ lệ hộ cận nghèo chung từ 1-1,5%, riêng hộ cận nghèo đồng bào DTTS giảm 2%, duy trì và giải quyết việc làm cho 3.500 lao động.

Với phương châm “vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng loạt những biện pháp từ tuyên truyền vận động đến huy động tối đa các nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người nghèo, triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo chung, ưu tiên dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ đất sản xuất, cho vốn vay ưu đãi… sẽ là những đòn bẩy để cuộc sống người dân huyện Lâm Hà ngày càng phát triển, chung tay đẩy lùi tình trạng đói nghèo.

Đình Du