Xã hội

Yên Bái: Tạo sinh kế bền vững giúp người dân thoát nghèo

Thanh Ngà (thực hiện) 30/09/2024 - 21:56

(TN&MT) - Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (gọi tắt là FFF) do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thông qua chương trình đã tạo sự thay đổi rõ rệt về tư duy, nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, đa dạng hoá các sản phẩm dưới tán rừng, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế. Xung quanh vấn đề này PV Báo TN&MT đã trao đổi với ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái.

z5880301514654_e9875d70699654de929c367233de7818.jpg
Ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái.

PV: Thưa ông! Xin ông cho biết kết quả triển khai Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian qua?

Ông Giàng A Câu: Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại được triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái (giai đoạn I) từ năm 2014-2017. Trong giai đoạn này, chương trình đã thúc đẩy, nâng cao năng lực cho người dân trong sản xuất rừng và trang trại và phát triển theo chuỗi giá trị hiệu quả gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Đã hỗ trợ thành lập được HTX Quế hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên; HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình phát triển diện tích rừng có chứng chỉ FSC.

Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại, giai đoạn II triển khai từ năm 2019 đến nay với mục tiêu nâng cao năng lực cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, đời sống người dân sống dựa vào rừng.

Đến nay, FFF giai đoạn 2 tiếp tục phát triển diện tích rừng có chứng chỉ FSC, phát triển vùng trồng quế hữu cơ trên địa bàn huyện Trấn Yên. Cùng với đó, các xã tham gia FFF đã phát triển thêm các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu cho sản phẩm.

PV: Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả từ rừng, nâng cao đời sống cho người dân giúp bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu? Vậy xin ông có thể nói rõ hơn lợi ích các mô hình giúp bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu?

Ông Giàng A Câu: Thông qua các hoạt động FFF triển khai, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Chi cục kiểm lâm tỉnh và các đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng 2 mô hình giao khoán quản lý bảo vệ rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng dân cư với diện tích trên 200ha; hỗ trợ cộng đồng dân cư thôn Tân Phong và Đông Ké - xã Tân Nguyên, H. Yên Bình trồng 1.120 cây trám ghép dưới tán rừng nghèo kiệt trong diện tích rừng nhận giao khoán bảo vệ.

z5880304236922_add384fd33fed0adb3463bbfbf1ed634.jpg
Tạo sinh kế bền vững giúp người dân thoát nghèo.

Đến nay, diện tích cây trám được hỗ trợ phát triển tốt, giúp làm giàu cho rừng. Ngoài ra, khu vực rừng giao cho cộng đồng quản lý người dân được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Cùng với đó, Hội đã phối hợp với Viện Nghiên cứu của lâm sinh, BQL Chương trình FFF Trung ương Hội hỗ trợ xây dựng 26 ha rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao (cây dổi, vù hương, tếch) gắn với bảo vệ môi trường. Hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển hoá rừng gỗ lớn, các mô hình đa dạng hoá sản phẩm dưới tán rừng (trồng dược liệu, nuôi ong, gà, dê…) nhằm hỗ trợ hội viên nông dân nâng cao thu nhập từ rừng và các sản phẩm dưới tán rừng.

PV: Trong quá trình triển khai chương trình đã gặp khó khăn như thế nào? Thưa ông!

Ông Giàng A Câu: Đối với các mô hình trồng rừng thường đòi hỏi chu kỳ dài, vốn đầu tư lớn đặc biệt là các mô hình rừng gỗ lớn, rừng có giá trị cao. Tuy nhiên, nguồn vốn nội lực các hộ nông dân còn khó khăn hoặc các tổ chức tài trợ còn hạn chế.

Nhiều nông dân và chủ trang trại thiếu kiến thức và kỹ thuật cần thiết để quản lý rừng và trang trại, tạo sinh kế dưới tán rừng hiệu quả. Điều này dẫn đến năng suất thấp và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích chưa cao. Các mô hình hỗ trợ rừng và trang trại thường hoạt động độc lập, thiếu sự liên kết và hợp tác giữa các bên liên quan (nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương). Hơn nữa, giá cả nông sản và lâm sản biến động mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các mô hình hỗ trợ rừng và trang trại (giá cây quế, giá gỗ giảm mạnh).

PV: Thưa ông! Trong thời gian tới để khắc phục những khó khăn và phát huy được hiệu quả các mô hình tại địa phương Hội có kế hoạch như thế nào?

Ông Giàng A Câu: Hội sẽ phối hợp với địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Cùng với đó, tuyên truyền, giới thiệu về hiệu quả của Chương trình FFF, các mô hình do FFF hỗ trợ tại địa phương. Gắn thực hiện Chương trình FFF với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hội Nông dân tỉnh Yên Bái sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ các mô hình trồng rừng và trang trại.

Bên cạnh đó, phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức đào tạo và tập huấn để nâng cao kiến thức và kỹ thuật cho nông dân và chủ trang trại về quản lý rừng, chăn nuôi và trồng trọt; đa dạng hoá sản phẩm dưới tán rừng trường nhằm nâng cao thu nhập và ổn định thị trường cho bà con nông dân.

Hội sẽ tạo điều kiện để các hộ hội viên nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường; tham gia các hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông lâm sản….Tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh và các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển rừng và trang trại mang tính bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình phát triển lâu dài.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Ngà (thực hiện)