Xã hội

Yên Bái: Thay đổi diện mạo vùng cao nhờ chương trình giảm nghèo bền vững

Thanh Ngà (thực hiện) 30/09/2024 - 21:55

(TN&MT) - Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã sử dụng có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, góp phần thay dổi diện mạo, đời sống vật chất và tinh thần của bà con vùng cao dần được nâng lên. Xung quanh nội dung này, PV Báo TN&MT đã trao đổi với ông Đỗ Quang Vịnh – Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái.

z5880270114930_3df69bb94bee874a8146287fca4ed0fc.jpg
Ông Đỗ Quang Vịnh – Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái.

PV: Xin ông cho biết, tỉnh Yên Bái đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh như thế nào?

Ông Đỗ Quang Vịnh: Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm chú trọng.

Các nguồn vốn của Chương trình đã được địa phương phân bổ căn cứ Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh giao kế hoạch vốn thực hiện chương trình cho các địa phương.

Chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho bà con vùng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo… Đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

PV: Xin ông cho biết rõ hơn kết quả đạt được cho đến nay?

Ông Đỗ Quang Vịnh: Đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số: Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số so với tổng số hộ dân tộc thiểu số giảm từ 30,3% vào cuối năm 2021 xuống còn 16,4% vào cuối năm 2023. Đối với hai huyện nghèo (Trạm Tấu và Mù Cang Chải) tỷ lệ hộ nghèo bình quân hai huyện giảm từ 59% cuối năm 2021 xuống còn 42,2% vào cuối năm 2023, bình quân mỗi năm giảm 8,4%. Trong đó, huyện Trạm Tấu giảm bình quân 6,95%/năm, đạt 106,9% kế hoạch của tỉnh; huyện Mù Cang Chải giảm bình quân 9,17%/năm, đạt 119,5% kế hoạch của tỉnh. Đến hết ngày 31/12/2023 có 28.810 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

z5880275564747_a770613301cdc833c65d6d7c5e286707.jpg
Nhiều chính sách giúp bà con vùng cao phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Từ đầu năm 2021 đến hết năm 2023 toàn tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.176 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đạt. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp 828 hộ có nhà ở mới.

Toàn tỉnh hiện có 4 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 106/150 xã, trong đó có 17 xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III); 37 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

PV: Những kết quả đó đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những hộ nghèo và cận nghèo như thế nào? Thưa ông!

Ông Đỗ Quang Vịnh: Có thể nói, đây là chương trình, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế, giảm nghèo xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Yên Bái đã chủ động bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Tỉnh ủy để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ các Chương trình mục tiêu quốc gia được giao. Đồng thời, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức triển khai, thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo kịp thời và đã đạt được những kết quả tích cực.

Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Cùng với đó, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư; giáo dục, y tế được quan tâm; bản sắc văn hóa được giữ gìn bảo tồn và phát huy. Mặt khác, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định đã tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc trong tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên xóa đói, giảm nghèo làm giàu chính đáng.

PV: Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh có kế hoạch như thế nào để triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi? Thưa ông!

Ông Đỗ Quang Vịnh: Trong thời gian tới, tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, bao quát, thống nhất, toàn diện các nội dung, nhiệm vụ của chương trình để hoàn thành mục tiêu đề ra. Nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình trên địa bàn; tổ chức rà soát, đánh giá mức độ đạt mục tiêu, chỉ tiêu theo quy định và kịp thời có kế hoạch, giải pháp thực hiện đảm bảo theo mục tiêu đã đề ra.

Đồng thời, tiếp tục tổng hợp các đề xuất kiến nghị với các cấp, các ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” trong công tác giảm nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Ngà (thực hiện)