Xã hội

Vùng biên ven sông Mã hôm nay...

Nguyễn Nga 30/09/2024 - 21:54

(TN&MT) - Gần 40 năm trở về trước, để đến với huyện vùng biên Sông Mã, phải vượt qua hơn 20 con suối lớn nhỏ, những cung đường đèo dốc gập ghềnh. Chặng đường gần 100km nhưng di chuyển ít nhất nửa ngày trời, có khi là cả ngày nếu mùa mưa tới. Sông Mã lúc bấy giờ, là vùng biên giới nghèo khó, xa xôi cách trở, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Sơn La.

Phủ xanh đôi bờ sông Mã

Trở lại quê hương Sông Mã hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sức trẻ, sự đổi thay mạnh mẽ của phố huyện. Con đường từng là nỗi ám ảnh khi xưa trong lời kể của các bà, các mẹ, nay được apsphal phẳng lỳ, chỉ mất gần 2 tiếng đồng hồ nối giữa trung tâm huyện và thành phố Sơn La. Hai bên đường, những ngôi nhà xây mới khang trang lấp ló sau những vườn cây ăn trái xum xuê, trĩu quả.

Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân huyện, chúng tôi tìm đến Chiềng Khoong, nơi được coi là thủ phủ cây ăn quả của Sông Mã. Thời điểm này, vựa nhãn Sông Mã đã hoàn thành thu hoạch, dọc tuyến đường vào các bản làng, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh những người nông dân đang tập trung chăm sóc, phục hồi cây trồng, tránh tình trạng “năm ăn quả, năm trả cành”.

z5878769723709_6654b19e351944c2fd013e90ea60c740.jpg
Anh Lường Văn Mười là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".

Đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây ăn quả là anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong.

Người đàn ông được bà con gọi vui với cái tên “triệu phú nông dân”, giản dị trong chiếc áo phông trắng đang thoăn thoắt tỉa cành, chăm sóc cây trồng. Anh bảo, quen với việc rồi, cứ ngồi yên một chỗ là cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Nên ngày nào, anh cũng phải đi một vòng quanh khu vườn của mình, tự tay chăm sóc, bón phân, cắt tỉa cây trái.

Vừa làm, anh vừa tâm sự: Tôi là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Chiềng Khoong. Trước đây, bà con trong vùng còn đói khổ lắm, cả năm chỉ trông chờ vào ít cây lương thực ngắn ngày. Nhưng nếu thời tiết, thị trường không thuận thì bữa đói, bữa no, được mùa thì mất giá. Có năm, giá rẻ như cho, bà con chẳng buồn thu hoạch. Cái đói, cái nghèo vì thế cứ dai dẳng.

Cũng bởi thế, năm học lớp 9, anh Mười đành rời bỏ chiếc ghế nhà trường để đi làm, phụ giúp gia đình. Cuộc sống đưa đẩy, anh đã trải qua nhiều ngành nghề như lái xe taxi, kinh doanh hàng ăn uống. “Nhưng chắc nghề chọn người mất rồi, ngành nào cũng không phù hợp” – anh cười.

z5878770461036_5ad330c0df9d40771795b1a2c89d27b4.jpg
Anh Lường Văn Mười (áo trắng) kiểm tra hệ thống tưới tự động.

Nhưng có lẽ, lý do lớn nhất là tình yêu với mảnh đất quê hương luôn được anh ấp ủ trong trái tim. Anh Mười luôn trăn trở làm thế nào để khai thác được tiềm năng đất đai của địa phương để phát triển kinh tế trên quê hương, vừa có thể cải thiện cuộc sống không chỉ cho bản thân mà còn cho cả bà con thôn xóm.

Và rồi, cơ hội ấy đã đến! Năm 2017, sau khi đi học tập mô hình phát triển kinh tế ở nhiều nơi, được Hội Nông dân huyện vận động tuyên truyền, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn, chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng ngô của gia đình sang trồng cây ăn quả.

Ban đầu, anh chỉ dám trồng thử 1,3ha giống nhãn chín muộn Khoái Châu, Hưng Yên, vừa trồng vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Cũng may, trời không phụ lòng người, cây nhãn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, sinh trưởng, phát triển tốt. Khi có hiệu quả, anh đã mở rộng diện tích vườn nhãn lên 5ha. Năm nay, vườn nhãn đã mang lại cho anh ước khoảng 50 tấn nhãn quả.

Giữ đúng ý nguyện ban đầu, anh cùng 7 hộ dân của bản Huổi Bó đã góp vốn, góp đất sản xuất để thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười trồng cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGap. Hợp tác xã hiện đã có 14 thành viên, gần 50ha cây ăn quả, trong đó, 30ha đạt tiêu chuẩn VietGap, tạo thu nhập ổn định cho các hộ gia đình tại địa phương.

Trước đây, huyện Sông Mã có 26 xã, 1 thị trấn. Năm 2003, Sông Mã được chia tách thành 2 huyện: Sông Mã và Sốp Cộp thuộc tỉnh Sơn La.

Hiện, huyện Sông Mã có 18 xã, 1 thị trấn với 331 bản, tổ dân phố, 6 dân tộc anh em cùng chung sống. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 13,66%.

z5878762024671_dc3c7c4accb2f104a9bff2efd0b6426f.jpg
Cây ăn quả, đặc biệt là nhãn đã góp phần phủ xanh đất dốc trên huyện vùng biên Sông Mã.

Chuyển mình bứt phá

Năm 1961, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về điều chỉnh một phần nhân lực miền xuôi lên xây dựng kinh tế ở miền núi, Sông Mã đã đón những người dân đầu tiên từ huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên lên phát triển kinh tế.

Những năm tiếp theo, Sông Mã tiếp tục đón đồng bào Hưng Yên, Hà Tây lên thành lập các hợp tác xã và các đội nông trường ở các xã dọc dòng sông Mã. Cây nhãn chính là một trong những tài sản được người dân Hưng Yên mang lên trồng trên mảnh đất Sông Mã. Lúc đầu, cây nhãn được trồng chủ yếu ở 3 xã: Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong.

Trải qua mấy chục năm trồng rồi chặt, số phận cây nhãn cũng long đong, lân đận. Mãi đến đầu những năm 2000, nhiều hộ dân chủ động chuyển đổi diện tích nhãn ta sang các giống mới như Miền Thiết, nhãn chín sớm T06..., vùng nhãn đã dần thay đổi.

Đặc biệt, từ khi thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Sơn La về phát triển cây ăn quả thay thế cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc, Sông Mã đã giảm mạnh diện tích trồng ngô, cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc sang các loại cây khác cho năng suất, kinh tế cao hơn. Đến nay, Sông Mã đã trở thành một trong những vựa nhãn lớn nhất cả nước với trên 7.500ha, chiếm trên 70% diện tích cây ăn quả của huyện, trong đó, hơn 6.800ha đang cho thu hoạch, sản lượng trung bình đạt 70.000 tấn quả/năm.

a1.jpg
Các Tiktoker livestream bán sản phẩm nhãn Sông Mã.

Để có được kết quả này nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của các cấp lãnh đạo trong việc nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tập trung rà soát, quy hoạch, phát triển vùng trồng nhãn theo hướng sản xuất hàng hóa. Hướng dẫn, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có chất lượng cao vào sản xuất.

Sau nhiều cuộc tập dượt, họp thôn, họp bản, các cấp chính quyền cũng nhận ra cần tập trung phát triển các Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã trồng cây ăn quả, hình thành các chuỗi sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng và quản lý chặt chẽ vùng nhãn xuất khẩu, vùng nhãn VietGap nới có thể tạo ra vùng chuyên canh, lấy đó làm động lực cho bà con phát triển sản xuất. Đồng thời, lãnh đạo huyện, xã cũng phải "xắn tay" và tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm, đa dạng các hoạt động quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ...

Về miền biên viễn hôm nay, du khách sẽ được thưởng thức hương vị nhãn lồng Sông Mã với hương vị đặc trưng riêng có vị của núi rừng Tây Bắc. Quả nhãn to, căng mọng, có màu vàng nâu, cùi dày, giòn, hạt nhỏ. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm, mùi thơm dịu hấp dẫn.

z5878753621356_ae728028c183d165dc96cad41857bb4b.jpg
Ngoài nhãn tươi, Sông Mã còn có gần 3.000 lò sấy long nhãn.

Không chỉ "đầu tư" phát triển nhãn tươi, người dân Sông Mã còn sấy khô thành long nhãn, một vị thuốc đông y rất có lợi cho sức khỏe. Toàn huyện hiện đang duy trì gần 3.000 lò sấy long nhãn, trong đó, hơn 2.200 lò sấy thủ công, 732 lò sấy hơi nhiệt sạch.

Giữa tháng 7 là chính vụ thu hoạch nhãn, khắp các bản làng là không khí vui tươi, nhộn nhịp với những chuyến xe ngược xuôi đổ về đưa hương nhãn Sông Mã tỏa đi muôn nơi. Sản phẩm nhãn Sông Mã đã "cập bến" thị trường Trung Quốc, Vương quốc Anh, EU..., đưa cây nhãn thành một trong những cây trồng chủ lực giúp bà con xóa đi đói nghèo, và làm giàu cho nhiều hộ gia đình.

Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký "Nhãn hiệu chứng nhận Nhãn Sông Mã". Đây là mốc đánh dấu quan trọng trong hành trình thực hiện khát vọng vươn tầm của huyện Sông Mã, góp phần đưa thương hiệu nhãn Sông Mã ngày càng được nhiều người biết đến và "bay" xa hơn tới các thị trường quốc tế.

Giờ đây, trên những triền đồi bạc màu vì ngô sắn ngày nào, cây nhãn cùng những loại cây ăn quả khác đã dần phủ xanh đôi bờ sông Mã. Với bà con nơi đây, nhãn không chỉ đơn thuần là một loại cây ăn quả, mà đã trở thành người bạn đồng hành, là biểu tượng cho tinh thần tự lực, tự cường, sự đoàn kết. Và hơn hết là ý chí vươn lên, khát vọng làm giàu của những người nông dân trên vùng biên viễn xa xôi này.

Nguyễn Nga