Sơn La: Phòng ngừa ô nhiễm môi trường niên vụ nông sản 2024-2025
(TN&MT) – Chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường, nguồn nước, trước, trong và sau niên vụ chế biến nông sản hàng năm, tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh giám sát từ cơ sở
Là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê lớn, năm 2024, Mai Sơn có trên 7.300ha cà phê cho thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt trên 100.000 tấn cà phê quả tươi. Toàn huyện có 132 cơ sở quy mô hộ gia đình thuộc 7 xã đăng ký thu mua, sơ chế cà phê niên vụ năm nay.
Triển khai công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước, UBND huyện đã tổ chức 1 Hội nghị triển khai công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sơ chế, chế biến cà phê niên vụ 2024-2025; triển khai ký cam kết giữa các hộ sơ chế với Chủ tịch UBND xã về bảo vệ môi trường, nguồn nước.
Yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách các hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sơ chế nông sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở.
Còn tại huyện Thuận Châu, UBND huyện đã giao Tổ công tác của huyện tiếp tục kiểm tra, giám sát việc dừng các hoạt động thu mua, chế biến cà phê tươi tại Xưởng chế biến cà phê bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế bắt đầu từ niên vụ 2024-2025.
Tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình hoạt động, chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sơ chế cà phê niên vụ 2024-2025 trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi các kiến nghị, phản ánh về ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến nông sản trên các trang mạng xã hội, kịp thời xác minh, xử lý thông tin.
Đồng thời, tổ chức ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, tài nguyên nước giữa chủ cơ sở với Trưởng phòng TN&MT huyện. Giao UBND các xã, thị trấn đôn đốc, yêu cầu các cơ sở phải lắp đặt camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải, truyền dữ liệu về Phòng TN&MT để theo dõi, giám sát.
Không để phát sinh điểm nóng
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, niên vụ chế biến nông sản tại Sơn La thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Toàn tỉnh hiện có 8 nhà máy chế biến quy mô tập trung đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, gồm: 5 nhà máy cà phê; 2 nhà máy tinh bột sắn; 1 nhà máy mía đường. Trong đó, 5 nhà máy cà phê có công suất khoảng 102.000 tấn/năm, đáp ứng hơn 30% sản lượng cà phê toàn tỉnh.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mai Sơn còn một số cơ sở chế biến cà phê nhỏ lẻ đáp ứng các yêu cầu với công suất trung bình khoảng 300-500 tấn/năm. Phần lớn sản lượng cà phê quả tươi còn lại được sơ chế tại các hộ gia đình (chủ yếu tại huyện Mai Sơn, Sốp Cộp, Thuận Châu), sau đó bán lại cà phê nhân cho các doanh nghiệp thu mua lớn.
Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến nông sản, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước, kiên quyết không để tái diễn tình trạng ô nhiễm.
Đã phân cấp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo hướng Sở TN&MT quản lý các cơ sở chế biến quy mô tập trung; UBND cấp huyện, xã quản lý các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình. Tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND xã với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; cam kết giữa chủ các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ trong bảo vệ môi trường, nguồn nước với Chủ tịch UBND cấp xã.
Thành lập, kiện toàn Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với 8 cơ sở chế biến quy mô tập trung. Tổ công tác đã chia thành 3 đoàn giám sát, thường xuyên đánh giá hiện trạng các công trình xử lý chất thải, nước thải, việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, đảm bảo các cơ sở hoạt động đúng quy định. Hoạt động giám sát được thực hiện định kỳ và đột xuất từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 5 năm sau đó.
Đặc biệt, đã đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục - camera giám sát truyền trực tiếp qua App điện thoại về các thiết bị di động thông minh để cập nhật, không phân biệt không gian và thời gian giám sát, sẵn sàng kiểm tra, lấy mẫu đối chứng để kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: Kết quả giám sát 2 niên vụ gần đây đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung đã có ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình kiểm tra, giám sát.
Đã thu gom xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất theo đúng quy trình, lắp đặt hệ thống đồng hồ kiểm soát lưu lượng, hệ thống camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải, cài đặt, kết nối camera giám sát với các cơ quan quản lý nhà nước. Với 3 cơ sở sắn, mía đường, đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc chất thải tự động, liên tục truyền dữ liệu về Sở TN&MT.
Về các cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện, đặc biệt là Mai Sơn, Thuận Châu, Thành phố quyết liệt tổ chức kiểm tra giám sát, không để phát sinh các cơ sở tự phát quy mô nhỏ, không có công trình xử lý chất thải, biện pháp bảo vệ môi trường hoạt động, nhất là khoảng thời gian từ 18h đến 5h sáng hôm sau. Về lâu dài, đã định hướng cho các huyện phương án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý môi trường tập trung để nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước trong niên vụ nông sản vẫn đối diện nhiều thách thức. Thế mạnh của tỉnh là sản xuất chế biến nông sản; nhu cầu sơ chế, chế biến nông sản là tất yếu, song, số lượng cơ sở chế biến đầy đủ thủ tục, hệ thống thu gom xử lý chất thải đạt chuẩn còn ít, không thu mua được hết sản lượng nông sản toàn tỉnh.
Phần lớn nông sản vẫn đang chế biến tại các cơ sở nhỏ, hộ gia đình, không có hệ thống thu gom xử lý chất thải đạt quy chuẩn. Dẫn đến, hàng năm, còn diễn ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước trên địa bàn một số xã huyện Mai Sơn.
Niên vụ 2024-2025 đã cận kề. Sở TN&MT đã xây dựng kế hoạch, trình UBND tỉnh tiếp tục duy trì, triển khai kiểm tra, giám sát trước, trong và sau niên vụ với các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung. Hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chế biến tập trung thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước.
Tiếp tục xây dựng nội dung, đổi mới hình thức tuyên truyền về bảo vệ môi trường, lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường đến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, nhất là các cơ sở chế biến nông sản.
Duy trì kiểm tra, giám sát trực tiếp và trực tuyến; không để phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nguồn nước; giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị, phản ánh của nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí về ô nhiễm môi trường, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.