Tài nguyên

Mộc Châu (Sơn La): Chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường

Nguyễn Nga 30/09/2024 - 18:48

(TN&MT) – Thực hiện Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, những năm qua, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực. Bước đầu, đã đạt một số kết quả tích cực.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Theo lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Mộc Châu, thời gian qua, Phòng TN&MT đã tham mưu cho UBND huyện triển khai lồng ghép các nội dung bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

img_5802.jpg
UBND huyện Mộc Châu họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với đất đai có nguồn gốc nông lâm trường.

Xây dựng, triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về BĐKH và giải pháp ứng phó; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về thích ứng BĐKH, lồng ghép vào các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ về môi trường, nước, khí tượng….

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các công trình, dự án, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chú trọng các quy định về ứng phó BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính. Ưu tiên hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư sản xuất thuộc các lĩnh vực nhằm bảo vệ môi trường như: Sản xuất gạch không nung, điện mặt trời… Nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng diện tích trồng cây ăn quả, phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Trong công tác quản lý tài nguyên, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Triển khai ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

img_5822.jpg
Quan tâm, đẩy mạnh CCHC lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Lĩnh vực đất đai, đã chỉ đạo 15/15 xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về pháp luật đất đai. Hoàn thành nhiệm vụ thống kê đất đai hàng năm, đang triển khai kiểm kê đất đai năm 2024. Trình Sở TN&MT thẩm định phương án sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường với diện tích đã bàn giao về UBND huyện quản lý.

Rà soát đưa các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý để đưa vào sử dụng theo quy định, tránh tranh chấp, lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất. Rà soát, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất công ích (đất 5%) của địa phương; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý những trường hợp cho thuê, mượn trái phép, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng…

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã ban hành 40 quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả về đất đai; xử phạt 30 trường hợp vi phạm với tổng tiền phạt trên 410 triệu đồng, buộc các hộ gia đình khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm.

anh-mc.jpg
Mộc Châu kiên quyết tháo dỡ các công trình vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng.

Lĩnh vực tài nguyên nước, kiểm tra, rà soát, lập danh mục lưu trữ thông tin về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, thực hiện đăng ký khai thác nước dưới đất và lập sổ theo dõi theo quy định. Hoàn thành cắm 192 mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn, bàn giao các mốc cho UBND xã quản lý.

Lĩnh vực khoáng sản, tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành tới các bản, tiểu khu. Đặc biệt là địa bàn thường xuyên có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Chủ động khảo sát, quy hoạch những khu vực có cát sạn nhưng không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung quy hoạch, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng của nhân dân, bình ổn giá thành vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện. Duy trì đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các khu vực có khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

Nâng hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường

Trong công tác bảo vệ môi trường, Mộc Châu đã xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định. Tập trung rà soát, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đăng ký môi trường, cấp phép môi trường theo quy định.

Giao UBND các xã, thị trấn tổ chức ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước giữa các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi với Chủ tịch UBND xã; trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước từ cơ sở không đảm bảo yêu cầu về môi trường, chủ cơ sở và Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND cấp huyện.

Cùng với đó, thường xuyên phát động các hoạt động ra quân hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…

mc-3.jpg
Tuổi trẻ Mộc Châu ra quân hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024.

Với phương châm “sạch từ nhà ra ngõ”, 15/15 xã, thị trấn đã duy trì ra quân trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom rác thải khu vực lòng hồ, ao, sông, suối, nạo vét kênh mương...; 15/15 xã, thị trấn đã tổ chức thu gom bao gói, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, bàn giao cho chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh xử lý tiêu huỷ theo quy định.

Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đạt 94%; tỷ lệ rác thải khu vực nông thôn được thu gom, xử lý đạt 86,5%/88% (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 – 2025).

Thời gian tới, huyện Mộc Châu sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường đến các cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Đẩy mạnh giám sát, đánh giá các hoạt động ứng phó BĐKH tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tích cực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo về BĐKH, quản lý tài nguyên, môi trường.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Rà soát, kiện toàn bộ máy, tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường từ cấp huyện đến cấp xã, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Nguyễn Nga