Tư vấn pháp luật

Cháu có được hưởng thừa kế thế vị của bác ruột không?

Báo TN&MT 30/09/2024 - 16:46

(TN&MT) - Hỏi: Ông bà nội tôi sinh được 3 người con là: Nguyễn Thị Ch. (chị gái bố tôi), Nguyễn Tiến Tr. (bố tôi) và Nguyễn Thị Nh. (em gái bố tôi). Ông bà nội tôi đã mất năm 1996, còn bố tôi mất năm 2008. Bác Nguyễn Thị Ch. (không có chồng con) mất năm 2010, di sản để là 250 m2 đất.

Sau khi bác Ch. mất, mẹ tôi (đã mất năm 2015) quản lý, sử dụng thửa đất trên. Sau đó, cô tôi Nguyễn Thị Nh. khởi kiện yêu cầu mẹ tôi và tôi phải trả lại thửa đất 250 m2 nêu trên. Vậy xin hỏi, việc cô tôi Nguyễn Thị Nh. khởi kiện như vậy là đúng hay sai và tôi có được hưởng phần di sản thừa kế của bác Ch. để lại không?

Nguyễn Tiến Thỏa (Phúc Thọ, Hà Nội)

Vấn đề bạn hỏi, Văn phòng Luật sư tư vấn như sau: Theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế thế vị cụ thể tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống;

Nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Như vậy, thừa kế thế vị chỉ phát sinh ở hàng thừa kế thứ nhất, người được “thế vị” có quan hệ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và người “thế vị” ở vị trí đời sau (cháu/chắt).

Người thừa kế thế vị phải đảm bảo nguyên tắc chung về thừa kế là còn sống vào thời điểm người để lại di sản thừa kế chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết; Thừa kế thế vị chỉ phát sinh trên cơ sở thừa kế theo pháp luật, không phát sinh từ căn cứ di chúc.

Xét theo tình huống cụ thể của gia đình bạn, nhận thấy bạn là cháu ruột của bà Nguyễn Thị Ch. (người để lại di sản), theo quy định tại điểm C, Khoản 1 Điều 651 Bộ Luật dân sự năm 2015 “Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.

Theo quy định của pháp luật, đối tượng ở hàng thừa kế thứ ba sẽ không có quy định về thừa kế thế vị. Vì bà Ch. (người để lại di sản) chết không để lại di chúc, di sản của bà Ch. theo đó sẽ được chia theo pháp luật đối với các thừa kế của bà Ch.

Xem xét về hàng thừa kế của bà Ch., bà không có chồng con và cha mẹ bà đã chết trước nên về hàng thừa kế thứ nhất theo quy định về hàng thừa kế tại điểm a, Khoản 1, Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”.

Xét theo hàng thừa kế thứ hai quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 651 Bộ luật dân sự gồm “Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;”, bà Ch. có hai người em là ông Tr. (bố bạn) và bà Nh. (cô bạn). Do đó, đây là hai người thừa kế hợp pháp của bà Ch., tuy nhiên ông Tr. (bố bạn) đã mất trước bà Ch. nên phần tài sản của bà Ch. được chia theo pháp luật cho bà Nguyễn Thị Nh.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, bạn không thuộc diện được hưởng thừa kế thế vị tài sản của bà Nguyễn Thị Ch.

Báo TN&MT