Biến đổi khí hậu

Đà Nẵng: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Anh Dũng 30/09/2024 - 16:42

Xác định ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, của toàn Đảng, toàn dân. Chính vì vậy, trong thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH; các Sở, ban, ngành; quận huyện, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch có liên quan đến ứng phó với BĐKH để đạt các mục tiêu đề ra.

h1.jpg
Đà Nẵng chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT

Đà Nẵng chủ động ứng phó với BĐKH

Ngày 18/9/2024, Thành uỷ Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 241-KH/TU về triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT).

Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về chủ động ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và BVMT theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, cácbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái; hướng đến đạt được mục tiêu bền vững và trung hòa cácbon.

Đồng thời, phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp; coi thích ứng với BĐKH và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là thách thức và cũng là cơ hội để phát triển bền vững, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế.

Tiếp tục kiện toàn, củng cố bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực thi có hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đối năng lượng; tập trung nguồn lực giải quyết các nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm các hệ sinh thái.

Thường xuyên cập nhật kịch bản, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với BĐKH. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo.

Cùng với đó, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, thích ứng với BĐKH, nước biển dâng trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là áp dụng các mô hình thông minh có khả năng thích ứng, chống chịu với thiên tai và tác động tiêu cực của BĐKH; đấy mạnh các biện pháp phòng, chống xâm thực, xói lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn…

Xây dụng hệ thông thông tin, chuyển đối số trong điều hòà, phân phối tài nguyên nước; Tập trung nguồn lực để giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách về môi trường; Bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên.

Xây dựng và lồng ghép các định hướng về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT tại địa phương, đơn vị trong quá trình xây dựng Báo cáo chính trị, dự thảo Nghị quyết trình Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

h2.jpg
Thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã quan tâm đầu tư các dự án thu gom thoát nước, xử lý nước thải và ra quân xử lý rác thải môi trường biển để góp phần BVMT và thích ứng với BĐKH

Triển khai nhiều chương trình, dự án ứng phó với BĐKH

Thời gian qua, Đà Nẵng đã lồng ghép mục tiêu ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương; cụ thể: Lồng ghép các nội dung liên quan với BĐKH trong Kế hoạch triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường”; đẩy mạnh lồng ghép ứng phó BĐKH trong công tác lập kế hoạch của các cấp, ngành; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo; thúc đẩy phát triển thị trường các-bon; ứng phó sự cố môi trường, thảm họa động đất, sóng thần...

Bên cạnh đó, tiếp cận lồng ghép BĐKH vào Quy hoạch phát triển KT-XH. Kết quả thí điểm đã đề xuất danh mục các đề xuất ưu tiên về ứng phó với BĐKH cho 4 ngành (Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Công thương, Giao thông vận tải và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Đà Nẵng cũng đã tiến hành triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án, kế hoạch liên quan đến xây dựng, cải tạo đê sông, đê biển, phòng chống lụt bão, cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi; Triển khai các dự án trồng rừng ven biển trong chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh; thực hiện các dự án về cơ sở hạ tầng như giao thông, trường học, trạm y tế, nhà máy nước sạch,... nhất là cơ sở hạ tầng vùng ven biển khi xây dựng dự án đều đã có tính đến tác động của BĐKH.

Thành phố đã triển khai 24 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố liên quan đến các hoạt động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khả năng chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đối với tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 10/8/ 2021 thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Đẩy mạnh thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư, giới thiệu, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ kinh nghiệm, công nghệ và tài chính từ trong và ngoài nước nhằm thực hiện đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống quan trắc, giám sát môi trường, cảnh báo sớm thiên tai, phòng chống rác thải nhựa đại dương,… Thành phố đã hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH với các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp và các tổ chức quốc tế: UNICEF, USAID, UN-Habitat…

Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ngày 18/9/2024, Đà Nẵng đề xuất ADB tài trợ cho thành phố các dự án về ứng phó với BĐKH, quản lý giảm thiểu rủi ro thiên tai. Trước mắt, Đà Nẵng và ADB tiếp tục cụ thể hóa bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên vào ngày 26/1/2024 về mục tiêu phát triển KT-XH bền vững, toàn diện của Đà Nẵng và thực hiện hiệu quả quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thông qua các chương trình, dự án do ADB hỗ trợ.

Anh Dũng