Biến đổi khí hậu

Nâng chất lượng dự báo để ứng phó hiệu quả trước thiên tai

Thanh Tùng 30/09/2024 - 10:17

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam, nơi có vị trí địa lý, đặc điểm về khí hậu và địa hình khá phức tạp, Quảng Bình là một trong các địa phương phải gánh chịu các loại hình thiên tai với tần suất và mức độ lớn nhất cả nước. Chính bởi vậy, công tác dự báo kịp thời diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó được chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Nâng cao chất lượng dự báo

Trong những năm qua, Đài KTTV tỉnh Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng công tác dự báo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, giải pháp hàng đầu là tập trung vào chuyển đổi số, chú trọng hiện đại hóa, tự động hóa các hệ thống quan trắc, truyền tin và ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian dự báo, tăng độ tin cậy của bản tin.

anh.jpg
Nữ cán bộ tại Trạm Khí tượng Đồng Hới đang kiểm tra thông số về tình hình thời tiết. Ảnh: Xuân Vương

Theo Giám đốc Đài KTTV Quảng Bình Ngô Hải Dương, nếu trước đây, khi khoa học chưa phát triển, việc thu thập thông tin và số liệu KTTV gặp nhiều khó khăn. Các thông tin phục vụ công tác dự báo chủ yếu qua radio, số liệu thu qua máy icom và ghi chép vào sổ nhật ký. Hệ thống trạm KTTV trên địa bàn thưa thớt, quan trắc chủ yếu bằng thủ công. Thì giờ đây, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc tiếp nhận thông tin rất thuận lợi. Mạng lưới trạm KTTV được lắp đặt nhiều hơn, trang thiết bị cũng được đầu tư hiện đại giúp cho Đài KTTV Quảng Bình làm dự báo nhanh, hiệu quả, chính xác hơn.

Kết quả chuyển đổi số đã giúp các bản tin được thực hiện bằng công nghệ thông tin chứ không làm trên giấy như trước đây. “Đơn vị và các trạm trực thuộc đã thực hiện trên máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa các bản tin, số liệu quan trắc KTTV… theo quy định. Để làm được việc này, hàng năm, Đài phải xây dựng các phương án dự báo, cảnh báo rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh và các vùng mà Đài quản lý. Khi xây dựng phương án đó thì đơn vị cũng bám sát thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng nên 1 phương án phù hợp nhất, bảo đảm yếu tố nhanh, gọn”, ông Ngô Hải Dương cho biết.

Theo ông Ngô Hải Dương, hiện toàn tỉnh Quảng Bình có mạng lưới hơn 50 đài, trạm KTTV phục vụ cho công tác dự báo thời tiết. Số liệu từ các trạm truyền tự động qua mạng điện thoại di động theo thời gian thực 10 phút/lần và lưu trữ ở máy chủ nên việc trích xuất số liệu dễ dàng, khai thác phục vụ công tác dự báo cũng rất thuận lợi. Bản tin dự báo thời tiết sau khi được Đài KTTV Quảng Bình xuất bản sẽ được cung cấp đến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng qua nền tảng số, như: Email, website, zalo, facebook và các phương tiện truyền thông khác. Các trạm tự động hiện tại đều truyền dữ liệu về thời tiết qua sim, sóng điện thoại về đài 10 phút/lần. Tại Đài KTTV Quảng Bình sẽ có 1 máy chủ thu thập số liệu, sử dụng các phần mềm chuyên dụng để vẽ, phân tích, tổng hợp nhằm đưa ra các dự báo, cảnh báo kịp thời cho người dân.

Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại

Theo Đài KTTV Quảng Bình, hiện bộ phận trực tiếp làm công tác cảnh báo, dự báo phục vụ và truyền tin thiên tai, kiêm quản lý mạng lưới trạm của Đài có 7 cán bộ viên chức. Bộ phận trực tiếp quan trắc khí tượng thủy hải văn trên địa bàn toàn tỉnh có 20 cán bộ viên chức. Để đảm bảo công tác dự báo tốt nhất trong mùa mưa bão 2024, Đài KTTV Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất công trình nhà cửa, trang thiết bị và kiểm tra lại các phần mềm chuyên dùng, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ kỹ thuật dự báo và vật tư văn phòng phẩm phục vụ chuyên môn.

Nói về quá trình trao đổi, phối hợp thông tin dự báo giữa Đài KTTV với cơ quan PCTT của tỉnh, ông Ngô Hải Dương cho biết, Đài tiến hành cài đặt phần mềm truyền và nhận số liệu KTTV trên máy tính, laptop, smartphone từ server của Đài tỉnh cho các cơ quan ban ngành, cá nhân theo quy định và các huyện, thị trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Ngoài ra, để thông tin số liệu KTTV và các bản tin dự báo, cảnh báo đến với người dân, lãnh đạo địa phương kịp thời, nhất là trong những hình thái thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh thì sẽ dùng mạng xã hội như zalo, facebook hoặc nhắn tin, điện thoại trực tiếp đến lãnh đạo tỉnh vào bất kể thời gian nào để có sự chỉ đạo nhanh chóng kịp thời.

Đánh giá về vai trò của thông tin dự báo KTTV đối với công tác ứng phó thiên tai tại địa phương, ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS tỉnh Quảng Bình cho rằng, thông tin dự báo KTTV có vai trò rất quan trọng đối với công tác ứng phó thiên tai tại địa phương. Thông tin dự báo nhanh, chính xác, kịp thời sẽ giúp cho chính quyền địa phương chủ động trong công tác chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó. Từ đó, giúp giảm thiểu thiệt hại ít nhất về người, tài sản. Ngược lại, thông tin dự báo không kịp thời sẽ gây ra bị động, không kịp thời ứng phó gây tổn thất rất lớn. Đặc biệt, thông tin dự báo KTTV không chính xác sẽ gây tâm lý chủ quan cho người dân, không tin vào sự chỉ đạo của chính quyền trong công tác ứng phó thiên tai.

Theo ông Trần Xuân Tiến, khi nhận được thông tin dự báo thiên tai từ cơ quan KTTV, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS của tỉnh sẽ ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành triển khai ứng phó với thiên tai kịp thời, nhanh chóng tới các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp trước, trong và sau thiên tai. Ví dụ như cơn bão số 4 (bão Yagi) vừa qua, theo bản tin của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, sáng ngày 17/10/2024, vùng áp thấp trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành ATNĐ. Dự báo, đến 10h00 ngày 18/10, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình. Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS tỉnh Quảng Bình đã ngay lập tức Ban hành công điện số 13/CĐ ngày 17/9 về việc ứng phó với ATNĐ gần Biển Đông.

Trong những năm qua, sự chủ động và phối hợp hiệu quả giữa cơ quan dự báo và cơ quan PCTT của tỉnh đã giúp giảm thiểu nhiều thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra cho nhân dân trên địa bàn.

Thanh Tùng