Sức khỏe

Tại sao giới trẻ lại bị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng “lôi kéo”?

Thuỵ Khanh 27/09/2024 - 19:14

(TN&MT) - Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối đe dọa đối với lối sống và sức khỏe người dân. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (TLĐT, TLNN) có xu hướng gia tăng trong giới trẻ. Do đó, cần phải có những biện pháp mạnh mẽ đối với loại thuốc lá mới này.

Những con số đáng ngại

Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN). Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: Dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp,... với thời gian sử dụng lần đầu tiên là 81 người; đã từng dùng một thời gian là 1.143 người.

1-2823-1667976373.jpeg
Các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá không khói... làm gia tăng tỷ lệ nhập viện độ tuổi thanh, thiếu niên

Đặc biệt, con số sử dụng TLĐT trong học sinh từ 13 - 15 tuổi càng gia tăng một cách đáng kể. Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng TLĐT của độ tuổi này tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023). Trong đó, cao nhất ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2% và nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.

Trong một nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Y tế công cộng, được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies vừa công bố cho thấy, giai đoạn tháng 10 - 12/2023, trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam, đã có 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của TLĐT và TLNN; 14% đã từng thử sử dụng TLĐT và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với TLNN là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng.

Có thể thấy, mức độ sử dụng TLĐT và TLNN trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống.

8ff6c653aab50ceb55a4.jpg
GS.TS Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng Trường đại học Y tế Công cộng

Theo thông tin nhóm nghiên cứu thu thập, GS.TS Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng Trường đại học Y tế Công cộng cho rằng, đây là xu hướng đáng lo ngại, vì nó có thể đảo ngược những nỗ lực kiểm soát việc sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên đã được triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua. Mức độ sử dụng TLĐT và TLNN trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống.

Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khẳng định: Không có bằng chứng nào chứng minh rằng TLĐT, TLNN ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường. TLĐT, TLNN đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không phê duyệt sản phẩm TLNN, IQOS (I quit ordinary smoking – tôi từ bỏ thuốc lá truyền thống) là “giảm hại”.

FDA chỉ phê duyệt IQOS là sản phẩm điều chỉnh nguy cơ, và bác bỏ tuyên bố rằng việc sử dụng sản phẩm này ít gây hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá khác.

Bị "lôi kéo" bởi các chiêu trò của công ty thuốc lá

Các tập đoàn thuốc lá, thay vì khuyên mọi người bỏ thuốc thì họ thường xuyên đưa ra thông điệp để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hoặc dùng loại thuốc lá thông thường hay dùng thuốc lá điện tử/ thuốc lá nung nóng. Họ đưa ra hướng tiếp cận giảm tác hại của thuốc lá điếu thông thường bằng việc sử dụng TLNN.

Mới đây, STOP - Mạng lưới các tổ chức y tế công cộng và học thuật, đã kết nối các chuyên gia để theo dõi mọi khía cạnh của ngành công nghiệp thuốc lá, nhằm phát hiện và chống lại những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành công nghiệp thuốc lá hoạt động trên toàn cầu.

Trong tài liệu của Sáng kiến Bloomberg - nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá đã công bố, cho thấy, Philip Morris Nhật Bản (PMJ) - Tập đoàn sản xuất thuốc lá lớn hàng đầu thế giới, đã đưa ra chiến lược truyền thông nhằm đạt được sự ủng hộ của cộng đồng đối với sản phẩm TLNN IQOS (I quit ordinary smoking – tôi từ bỏ thuốc lá truyền thống).

thuoc-la-dien-tu.jpeg
Tất cả các sản phẩm thuốc lá (bao gồm cả thuốc lá mới) đều gây nguy hại tới sức khoẻ con người

Theo đó, Tập đoàn Philip Morris International (PMI) đã tuyên bố: Các sản phẩm “thuốc lá không khói”, bao gồm IQOS “một ngày nào đó sẽ thay thế thuốc lá điếu”. PMI cho biết IQOS chỉ dành cho những người hút thuốc đã trưởng thành, những người sẽ tiếp tục hút thuốc lá. Tuy nhiên, thông điệp này bị bỏ ngỏ khi sản phẩm vẫn trực tiếp được nhiều lứa tuổi thanh, thiếu niên mua bán và sử dụng. Do đó, càng ngày càng có nhiều người bị cuốn hút vào một sản phẩm có hại.

Phân tích của STOP về kế hoạch tiếp thị của Philip Morris Japan (PMJ) tại Nhật Bản cho thấy, PMJ lên kế hoạch cho một chiến lược đa hướng nhằm tác động đến các nhà hoạch định chính sách ở địa phương, khu vực, quốc gia và thậm chí ở cấp độ quốc tế để tác động đến các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia y tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm tạo ra sự chấp nhận rộng rãi đối với IQOS.

Các đối tượng được PMJ nhắm đến trong kế hoạch của họ bao gồm các chính trị gia, các nhóm y tế và các tập đoàn khách sạn, Cơ quan Quản lý Thảm họa và Hỏa hoạn Nhật Bản, bởi khi IQOS được thông qua sử dụng, có thể giúp họ dựng lên vỏ bọc chứng minh sản phẩm này vô hại và được chấp nhận rộng rãi.

Tại Hội thảo khoa học về “Phòng chống tác hại của thuốc lá mới: Bằng chứng khoa học và kinh nghiệm tại Việt Nam và trên thế giới” vừa diễn ra tại Trường Đại học Y tế công cộng, Giám đốc điều hành Trung tâm Quản trị và Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC, Thái Lan) Bungon Ritthiphakdee đã nhận định, ngành công nghiệp thuốc lá đang tìm cách “lách” các quy định quản lý bằng việc giới thiệu các sản phẩm mới như: TLĐT, TLNN, nhằm đối phó với các quy định ngày càng nghiêm ngặt của thuốc lá truyền thống.

Thực tế, cộng đồng y tế toàn cầu đã ghi nhận một số trường hợp tổn thương phổi do TLĐT gây ra (hay gọi là EVALI). Theo đó, các sản phẩm thuốc lá mới được cho là có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt đối với não bộ đang phát triển của trẻ vị thành niên.

Với sự nhanh nhạy của các công ty thuốc lá, nếu nước ta không có các giải pháp sớm và mạnh mẽ sẽ khiến cho tỷ lệ hút thuốc lá mới có nguy cơ tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và giống nòi của Việt Nam.

Thuỵ Khanh