Cảnh báo về biến đổi khí hậu: “Những cam kết suông” sẽ không cứu được các thế hệ tương lai
(TN&MT) - Khi chiến tranh và khủng hoảng là tiêu đề chủ điểm trên toàn cầu, các nhà lãnh đạo từ các quốc đảo nhỏ đang phát triển đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu - mối đe dọa hiện hữu cấp bách nhất có khả năng xóa sổ nền kinh tế và sinh kế.
Bị chia cắt bởi các đại dương, các nhà lãnh đạo đã đoàn kết trong lời kêu gọi cộng đồng quốc tế ưu tiên hành động khẩn cấp và hỗ trợ tài chính để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời nhấn mạnh rằng quốc gia của họ đang nằm trong “tầm ngắm” của tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và đã gánh chịu những tác động của nó.
Khi các quốc đảo nhỏ tiếp tục đấu tranh để sinh tồn, thông điệp đoàn kết của họ gửi đến thế giới đã rõ ràng, thời điểm hành động đã đến và cộng đồng toàn cầu phải đoàn kết.
“Chúng tôi hiểu ý nghĩa của việc dễ bị tổn thương”
Ông Wavel Ramkalawan, Tổng thống Seychelles - quốc đảo nằm giữa Ấn Độ Dương thuộc châu Phi - nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu vẫn là thách thức hàng đầu mà nhân loại phải đối mặt và việc không giải quyết được những tác động của nó sẽ tàn phá các thế hệ hiện tại và tương lai.
Ông cho biết: “Là một quốc đảo nhỏ, Seychelles hiểu được ý nghĩa của việc dễ bị tổn thương. Chúng tôi đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây là mối đe dọa không thể đảo ngược đối với con người, nền kinh tế và lối sống”.
“Mực nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và sự suy thoái của các đại dương là lời nhắc nhở rõ ràng về nhu cầu cấp thiết phải có hành động toàn cầu đối với biến đổi khí hậu”, ông Ramkalawan nói thêm. Kêu gọi hành động quyết liệt, Tổng thống Ramkalawan cho rằng “lời nói không có giá trị nếu không có hành động”.
Theo ông, so với chi tiêu quân sự toàn cầu lên tới 2,5 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, thì con số 100 tỷ USD theo ước tính cao nhất về tổn thất và thiệt hại “có vẻ khiêm tốn và không đáng kể”.
Không ai miễn nhiễm
Ông José Maria Pereira Neves, Tổng thống Cabo Verde, ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc châu Phi ở Đại Tây Dương nhấn mạnh, mặc dù các quốc đảo nhỏ là những quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhưng những tác động này còn lan rộng và sâu vào vùng đất xa xôi. “Không ai miễn nhiễm với thảm họa đang diễn ra này”, ông nói, đồng thời kêu gọi mọi người quan tâm đến mực nước biển dâng cao.
Ông cho biết, thách thức này có tính đa chiều và vượt xa các quần thể đảo và ven biển, ảnh hưởng đến tất cả các châu lục và khu vực, đồng thời hoan nghênh cuộc họp cấp cao về giải quyết các mối đe dọa hiện hữu do mực nước biển dâng cao vừa được tổ chức.
Ông cũng lưu ý đến những tác động không cân xứng của biến đổi khí hậu đối với các quốc gia dễ bị tổn thương, đặc biệt là các đảo nhỏ và kêu gọi các quốc gia phát thải cao đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn cũng như triển khai nhanh chóng các chính sách về khí hậu và cơ chế tài trợ.
Ba cuộc khủng hoảng của hành tinh
Ở bên kia Đại Tây Dương, tại Biển Caribe, cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn là một cuộc chiến chung. Ông Luis Rodolfo Abinader Corona, Tổng thống Cộng hòa Dominicana nhấn mạnh “ba cuộc khủng hoảng của hành tinh” - ba thách thức liên quan chính mà nhân loại đang phải đối mặt gồm: biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm
Ông nhắc đến cam kết của đất nước mình trong việc giúp thiết lập Quỹ tổn thất và thiệt hại và đạt được mục tiêu 30% - sáng kiến nhằm mục đích bảo vệ 30% đất đai, vùng nước nội địa và đại dương của thế giới vào năm 2030.
“Thoát khỏi mô hình cam kết suông”
Theo ông Mohamed Irfaan Ali, Tổng thống Guyana, mặc dù quốc gia này nằm trên đất liền, nhưng gặp một số vấn đề như những hòn đảo nhỏ.
Ông cho biết trong vô số thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, “biến đổi khí hậu đe dọa đến sự tồn tại của chúng ta”, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu thực hiện các cam kết đã đưa ra.
“Hàng năm, chúng ta đều tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP), với hy vọng lớn về những kết quả hữu hình. Và mỗi năm, chúng ta lại nhận được những cam kết không được thực hiện. Chu kỳ hy vọng rồi thất vọng này không thể tiếp tục nếu chúng ta muốn đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG)”, Tổng thống Guyana nói.
“Chúng ta phải thoát khỏi mô hình cam kết suông này. Chúng ta phải ngay lập tức, thực hiện mọi lời cam kết vì lợi ích của hành tinh chúng ta và tương lai của tất cả mọi người”, ông nhấn mạnh.
Làm mọi cách có thể để ngăn chặn sự tan chảy của tầng băng
Tổng thống Quần đảo Marshall, Hilda Heine đã nhắc lại sự cấp bách, nhấn mạnh rằng mực nước biển dâng cao đã và đang nhấn chìm bờ biển của quốc gia này. “Mực nước biển đã dâng cao và đã quá muộn để ngăn chặn chúng xâm chiếm bờ biển của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ không bị xóa khỏi bản đồ, cũng không âm thầm đi xuống mồ dưới nước”, bà tuyên bố.
Bà Heine cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới phải làm mọi cách có thể để ngăn chặn sự tan chảy của tầng băng - các khu vực đóng băng của Trái đất, trên đất liền và trong các đại dương.
Đề cập đến các kế hoạch hành động về khí hậu mới của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) sẽ được tất cả các quốc gia đệ trình vào tháng 2 năm sau, bà kêu gọi các chính phủ thể hiện tham vọng và sự hợp tác. “Năm ngoái, tất cả chúng ta đều đồng ý”, Tổng thống Heine tuyên bố, sẽ mở rộng quy mô năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
“Tuy nhiên, chúng ta đã thấy một số quốc gia giàu có nhất hành tinh phá vỡ các cam kết của mình khi họ tăng gấp đôi nhiên liệu hóa thạch. Sự thất bại về mặt lãnh đạo này phải chấm dứt - không có mỏ than mới, không có mỏ khí đốt mới, không có giếng dầu mới”, Tổng thống Quần đảo Marshall nhấn mạnh.