Xã hội

Phục hồi môi trường - Tìm lại sắc xanh Làng Nủ

Bài và ảnh: Ngọc Trâm 27/09/2024 - 18:37

(TN&MT) - Sau cơn lũ quét lịch sử gây ra hậu quả nghiêm trọng, thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai giờ đây ngổn ngang trong hoang tàn, đất, nước, không khí... tất cả đều mang trên mình những “vết thương” sâu. Chính quyền và các lực lượng chức năng đang nỗ lực phục hồi, tìm lại sắc xanh cho mảnh đất này.

“Vết thương” sinh thái cần được chữa lành

Đất đai thôn Làng Nủ sau lũ tựa như một cơ thể bị thương tổn nặng nề. Sạt lở đất đã bào mòn và cuốn trôi một phần lớn lớp đất mặt màu mỡ, làm lộ ra những lớp đất sét cứng, nghèo dinh dưỡng và khó phục hồi. Lượng đất đá đổ xuống từ các sườn núi đã chôn vùi nhiều khu vực canh tác nông nghiệp khiến đồng ruộng bị bao phủ bởi lớp bùn dày đặc. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân mà còn đẩy nhanh quá trình xói mòn, làm suy giảm độ phì nhiêu của đất. Khả năng canh tác trở lại là thách thức lớn, đòi hỏi các giải pháp cải tạo đất lâu dài, bao gồm việc cải tạo đất và khôi phục hệ thực vật bề mặt để ngăn chặn quá trình xói mòn tiếp tục diễn ra.

71d4d469ba9e1cc0458f.jpg
Đất đai thôn Làng Nủ sau lũ tựa như một cơ thể bị thương tổn nặng nề. Ảnh chụp ngày 21/9/2024.

Nước lũ sau khi rút để lại một lớp bùn bẩn chứa nhiều rác thải và chất độc hại, gây ô nhiễm cho các nguồn nước ngầm và nước mặt trong khu vực. Các dòng suối và mạch nước ngầm vốn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho người dân đang bị nhiễm bẩn, làm gia tăng nguy cơ các dịch bệnh. Ô nhiễm do bụi mịn, bùn đất cùng các chất thải phân hủy từ xác động vật, rác thải hữu cơ phân hủy xâm lấn vào không khí, hệ sinh thái tự nhiên Làng Nủ nguy cơ về một vùng đất bị tổn thương nghiêm trọng đang hiện hữu.

Theo ông Nguyễn Văn Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, tình trạng nguồn nước tại khu vực sạt lở là một vấn đề báo động. Những dòng nước từ điểm sạt lở dọc xuống 6km không còn an toàn để sử dụng. Người dân địa phương phải dẫn nước ngầm từ các ngọn núi khác về để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đảm bảo an toàn sức khỏe trong giai đoạn khắc phục hậu quả sau lũ.

dbb2179f7468d2368b79.jpg
Người dân địa phương phải dẫn nước ngầm từ các ngọn núi khác về để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt

Tích hợp nhiều giải pháp

Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang nỗ lực khắc phục hậu quả, nhưng để đưa môi trường và đời sống người dân trở lại bình thường cần có những giải pháp tổng thể và bền vững.

Trong nỗ lực khắc phục môi trường sau lũ tại Làng Nủ, chiến dịch đánh giá và phun khử khuẩn môi trường quy mô lớn đã được triển khai dưới sự phối hợp của Công ty Cổ phần Sao Tháng Tám Việt Nam (AGS) và Công ty Cổ phần Thiết bị bay AgriDrone Việt Nam.

t30-phun-khu-khuan.jpg
Máy bay T30 được điều động để phun thuốc vi sinh IMO khử khuẩn môi trường diện rộng tại Làng Nủ

Đội ngũ gồm 8 kỹ thuật viên đã sử dụng 1 máy bay khảo sát M300 được trang bị camera P1 để lập bản đồ khu vực, đồng thời đo nồng độ ô nhiễm không khí thông qua bộ đo khí Sniffer4D. Ngoài ra, 4 máy bay T30 được điều động để phun thuốc vi sinh IMO - một loại chế phẩm sinh học được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như men vi sinh, sữa chua, đường đỏ, hoa quả chín và men rượu. Đây là giải pháp an toàn và thân thiện với môi trường, giúp khử khuẩn diện rộng, không gây hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái.

4101643c500cf652af1d.jpg
Ông Mai Hạo Thiên, Trưởng nhóm Giải pháp của AGS Technologies trao đổi với PV Báo TN&MT

Trong 2 ngày triển khai, các đơn vị đã phối hợp nhịp nhàng để hoàn thành công tác khử khuẩn trên tổng diện tích 20ha. Những nỗ lực này không chỉ giúp làm sạch môi trường mà còn góp phần ngăn chặn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh sau lũ, mang lại niềm tin và hy vọng cho người dân địa phương trong hành trình khôi phục cuộc sống sau thiên tai.

“Ngoài nhiệm vụ khử khuẩn, trong thời gian lũ dâng cao vừa qua, đoàn cũng tận dụng các thiết bị bay để hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm và trang thiết bị cần thiết đến những khu vực bị cô lập như Thái Nguyên và Vĩnh Phúc” - ông Mai Hạo Thiên, Trưởng nhóm Giải pháp của AGS Technologies cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên báo TN&MT, Phó Chủ tịch huyện Bảo Yên Nguyễn Văn Nhất nhấn mạnh, mục tiêu trước mắt là khôi phục các diện tích đất ruộng bị ảnh hưởng, bởi đây là nguồn tư liệu sản xuất quan trọng của người dân, không thể để lãng phí tài nguyên này. Các biện pháp san gạt đất sẽ được tiến hành để đưa những thửa ruộng trở lại phục vụ sản xuất, góp phần ổn định đời sống kinh tế địa phương.

anh-man-hinh-2024-09-27-luc-14.57.36.png
Phó Chủ tịch huyện Bảo Yên Nguyễn Văn Nhất trao đổi với PV Báo TN&MT về mục tiêu trước mắt của huyện là khôi phục các diện tích đất ruộng cho đồng bào sản xuất

Sau khi hoàn tất công tác tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân cuối cùng, chính quyền huyện sẽ xây dựng kế hoạch định hướng cho giai đoạn phục hồi và phát triển tiếp theo nhằm khôi phục toàn diện môi trường sống và điều kiện sản xuất cho người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng các tổ chức cứu trợ khẩn trương cung cấp nước sạch từ các nguồn khác và triển khai các biện pháp xử lý nước tạm thời. Tuy nhiên, để khôi phục lại hệ thống nước sinh hoạt và tưới tiêu bền vững cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn, đặc biệt là trong việc cải thiện chất lượng nước ngầm.

Làng Nủ giờ đây đang từng bước hồi phục, tái thiết lại, không chỉ là câu chuyện về sự sống còn sau thiên tai mà còn là câu chuyện về hy vọng, về sức mạnh của con người và thiên nhiên khi cùng hòa hợp để xây dựng lại cuộc sống mới.

Bài và ảnh: Ngọc Trâm