Thừa Thiên - Huế: Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với di sản
(TN&MT) - Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và với lợi thế về những di sản đã được thế giới vinh danh, Thừa Thiên - Huế đang từng bước hình thành phát triển ngành công nghiệp văn hóa di sản, qua đó đem lại những giá trị kinh tế bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của địa phương.
Huế vốn được xem là một trung tâm văn hoá với nhiều giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, đỉnh cao là 8 di sản đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993); Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017) và mới đây là những bản đúc nổi trên Cửu Đỉnh (2024). Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 1.000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia và 80 di tích cấp tỉnh. Thừa Thiên - Huế cũng đã và đang sở hữu nhiều thương hiệu như: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”...
Đặc biệt, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Vì vậy, di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương cho du khách, tạo nền tảng cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp có sự kết hợp giữa sáng tạo với tiềm năng văn hóa để sản xuất ra những sản phẩm mang tính dịch vụ, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Thừa Thiên - Huế có rất nhiều thế mạnh trong việc phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên những tiềm năng, lợi thế và mang bản sắc riêng. Huế vốn là thủ phủ của Đàng Trong và là Kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn. Vì vậy, Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú và đa dạng, cùng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
“Nhìn tổng thể trên 12 ngành công nghiệp văn hóa theo chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Huế có một số thế mạnh rất nổi trội như du lịch văn hoá, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, ẩm thực, may thêu, bảo tàng… Hiện nay, tỉnh được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể và phi vật thể. Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản”, TS Hải khẳng định.
Thời gian qua, Thừa Thiên - Huế đã triển khai xây dựng chương trình 3D cho khu vực Thế Miếu - Hiển Lâm Các dưới dạng mô hình kỹ thuật số ba chiều có độ chính xác cao, thực hiện kỹ thuật scan 3D và sử dụng dữ liệu thu được một cách triệt để trong hoạt động trùng tu di tích, phối hợp với Viện Công nghệ cao Hàn Quốc (KAIST) thực hiện quét và dựng phim quảng bá giới thiệu việc tái tạo Hoàng thành Huế và di tích Hổ Quyền bằng công nghệ 3D, triển khai chương trình thực tế ảo “Đi tìm hoàng cung đã mất”…
Tỉnh cũng đã xây dựng và khẳng định thương hiệu nhiều sản phẩm văn hóa, lễ hội đặc sắc góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa như tổ chức Festival Huế theo định hướng 4 mùa, các lễ hội như Lễ hội Đền Huyền Trân, Vật làng Sình, Lễ hội Điện Huệ Nam… được tổ chức thường xuyên và xuyên suốt trong năm đã thu hút đông đảo du khách tham dự.
Hiện nay Huế đã và đang rất thành công trong việc phát triển công nghiệp văn hóa thông qua điện ảnh. Nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế đã lựa chọn Huế là điểm đến để thực hiện các cảnh quay tạo được sức lan tỏa, quảng bá về con người và thiên nhiên xứ Huế. Gần đây là các phim “Nàng thơ xứ Huế” hay “Gái giả lắm chiêu 3”, “Gái già lắm chiêu 4”, “Kiều”, “Mắt biếc”…
Trong khi đó, ẩm thực Huế cũng thu hút du khách bởi sự đa dạng, độc đáo, tinh tế trong cách chế biến và trình bày với ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình và ẩm thực chay. Mỗi thực đơn ngự thiện của các vua triều Nguyễn có trên vài chục món thuộc loại cao lương mỹ vị, dược chuẩn bị và tổ chức rất công phu, tỉ mỉ, cầu kỳ. Các món ăn dân dã thì rất phổ biến trong quần chúng với thực đơn phong phú hàng trăm món được các nghệ nhân, nhà nội trợ chế biến khéo léo, thông minh với kỹ thuật nấu nướng tài ba, hương vị quyến rũ, màu sắc hấp dẫn và nghệ thuật trình bày đẹp mắt, tinh tế…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trên định hướng chung của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thừa Thiên - Huế xác định sẽ phát triển công nghiệp văn hóa chủ yếu dựa vào các giá trị di sản đã được UNESCO vinh danh, các di sản cấp quốc gia, cấp tỉnh nhằm phát huy hết tiềm năng thế mạnh riêng có. Thực hiện chiến lược này, tỉnh xác định phải tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hóa một cách toàn diện, xem đây là chất liệu cho phát triển công nghiệp văn hóa, qua đó phát huy một cách thực chất, hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các điều kiện để gắn phát huy di sản, phát triển công nghiệp văn hóa với hạ tầng phát triển kinh tế xã hội khác như xây dựng Huế trở thành thành phố di sản, tạo không gian để các nhà làm phim khai thác, các nhà đầu tư tổ chức các sự kiện văn hóa.
“Mặt khác, địa phương tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng hiện đại hóa, dựa trên cơ sở xây dựng nền hành chính điện tử và đô thị thông minh. Tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của internet để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Huế một cách mạnh mẽ, rộng rãi, nhanh chóng hơn nữa đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, có cơ chế chính sách để thu hút nguồn đầu tư, xã hội hóa hoạt động văn hóa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nâng cấp, khai thác phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa”, ông Bình nói.