Môi trường

Hội phụ nữ Đồng Hới: Lan tỏa nhiều mô hình hay giảm rác thải nhựa

Phan Phương 27/09/2024 - 11:12

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các xã, phường trên địa bàn thành phố Đồng Hới đã thực hiện mô hình “Ngôi nhà xanh thu gom rác thải” nhằm nêu cao tinh thần tương thân tương ái, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa từ việc thu gom, phân loại rác đến việc tự chế men vi sinh bản địa (IOM) xử lý các loại rác hữu cơ.

“Ngôi nhà xanh” đồng hành cùng phụ nữ

mo-hinh-ngoi-nha-xanh-cua-phu-nu-xa-bao-ninh.jpg
Mô hình "ngôi nhà xanh" của Phụ nữ xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình với hỗ trợ của WWF

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Ninh cho biết: “Mô hình “Ngôi nhà xanh giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” được Hội LHPN xã triển khai từ tháng 6/2023. Chúng tôi đã lắp đặt 03 Ngôi nhà xanh ở vị trí các tuyến đường Nhật Lệ phía bờ sông, nơi gần các tàu thuyền neo đậu cũng như các nhà hàng kinh doanh buôn bán để thuận lợi cho việc thu gom rác thải. Từ khi thực hiện mô hình này, mỗi tháng các chi hội thu gom được từ 80 - 100 kg phế liệu. Đây là một hình thức xây dựng quỹ hiệu quả được chị em tích cực tham gia. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục lắp đặt thêm 14 Ngôi nhà xanh ở các tuyến đường chính, trong khu dân cư, tạo thuận lợi cho bà con thu gom các loại rác thải tái chế được, đồng thời nâng cao ý thức cho người dân trong thu gom, phân loại rác thải, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường vừa tạo thêm nguồn quỹ cho hoạt động Hội”.

Nhằm hạn chế thực trạng rác thải nhựa bị vứt bỏ tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, thời gian qua, các cấp Hội LHPN thành phố Đồng Hới đã thực hiện nhiều mô hình hoạt động như tặng làn nhựa đi chợ; tái chế rác thải thành đồ vật hữu ích như sử dụng lưới rách của ngư dân đan thành các túi lưới đi chợ…, các mô hình “Biến rác thành tiền” mang lại hiệu quả thiết thực, được các cấp Hội tích cực nhân rộng. Bà Mai Thị Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đồng Hới cho biết: Thành phố đã có 04 đơn vị phụ nữ xã, phường thực hiện mô hình “Ngôi nhà xanh thu gom rác thải” với tổng số 18 Ngôi nhà xanh, bao gồm: Hải Thành 08 nhà; Đồng Phú 06 nhà; Bảo Ninh 03 nhà; Đức Ninh 01 nhà. Từ mô hình “Ngôi nhà xanh thu gom rác thải” đã thu được gần 3.000 kg phế liệu. Tổng số quỹ tình thương thu được là trên 35 triệu đồng. Số tiền này được các cơ sở Hội hỗ trợ, giúp đỡ cho phụ nữ và trẻ em nghèo ở địa phương. Qua đó, đã góp phần chung tay cùng các cấp chính quyền đồng hành hỗ trợ những hội viên nghèo, ốm đau dài ngày, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, chúng tôi đang phát động các Hội cơ sở, còn lại tùy vào tình hình thực tế của địa phương triển khai và nhân rộng mô hình phù hợp, hiệu quả nhất”.

Ứng dụng IMO trong xử lý rác hữu cơ

t.p.t.giang_wwf-imo1.jpg
Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương (WWF) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Đồng Hới sản xuất và ứng dụng IMO

Tiếp tục những sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa và xử lý một lượng lớn rác thải hữu cơ sau phân loại, với sự hỗ trợ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF cuối tháng 5 vừa qua, Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương (WWF) đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Đồng Hới tập huấn nội dung phân loại rác, sản xuất IMO và ứng dụng IMO trong xử lý rác hữu cơ. Hơn 150 hội viên Hội LHPN đã tham gia tập huấn và thực hiện mô hình thí điểm tại hộ gia đình. Sau đó, từ những nhân tố này tiếp tục tập huấn, tuyên truyền phổ biến cho các hội viên khác cùng thực hiện.Chị Mai Thị Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết, đến thời điểm này, Hội có đã khoảng 3000 cán bộ hội viên tham gia tập huấn nội dung phân loại rác tại nguồn và làm men vi sinh bản địa IMO. Qua đó, đã chọn 150 cộng tác viên nòng cốt để thực hành làm IMO đồng thời tuyên truyền cho những người xung quanh cùng thực hiện. Với lợi ích rất thiết thực từ ủ chế phẩm IMO như làm phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học,các loại nước rửa bát, lau sàn nhà, nước gội đầu, rủa tay...đã được chị em phụ nữ tích cực thực hiện, từ đó góp phần quan trọng vào việc giải quyết các loại rác thải sau phân loại tại nhà.

Chị Nguyễn Thị Hương Tổ dân phố Phú Thượng phường Phú Hải TP. Đồng Hới cho biết: Công thức tạo ra chế phẩm vi sinh IMO rất đơn giản. Nguyên liệu ban đầu gồm có: 2 lít nước sạch, đường, men gốc hoặc men tiêu hóa (loại có chủng Lactobacilus Acidophilus và Bacilus sublitis), sữa chua, cám gạo, hoa quả chín, men rượu. Các nguyên liệu trên được ủ trong 6 ngày là có IMO gốc. Tiếp đó đổ chế phẩm này vào rác hữu cơ và ủ trong 1 tháng. Pha loãng dịch rác sau khi ủ với tỷ lệ phù hợp là có phân bón hữu cơ để tưới cho cây trồng. Với men IMO ủ với những loại rác hữu cơ khác nhau có thể cho ra các sản phẩm hữu ích khác nhau như chất tẩy rửa, nước lau sàn nhà, rửa tay rất lành tính. Từ khi thực hiện ủ chế phẩm này, nhà cửa luôn sạch sẽ và chị cũng không phải tốn tiền vào việc mua các hóa chất tẩy rủa hàng ngày cũng như phân bón cho các loại rau trong vườn.

Từ lợi ích của việc thực hành sản xuất chế phẩm IMO, Hội Phụ nữ Đồng Hới đang tiếp tục tuyên truyền để triển khai rộng rãi mô hình Ngôi nhà xanh kết hợp xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh bản địa trên toàn thành phố để góp phần giảm ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho mỗi gia đình.

Phan Phương