Môi trường

Hiệu quả từ chính sách chi trả DVMTR ở Tủa Chùa

Hoàng Châu 26/09/2024 - 18:59

(TN&MT) - Những năm qua, người dân huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên được hưởng lợi nhiều từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Mặt khác, chính sách đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về nâng cao ý thức quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Hàng năm, huyện Tủa Chùa được chi trả trên 10 tỷ đồng từ DVMTR với tổng diện tích trên 23.000 ha, giao cho 522 chủ rừng, trong đó cộng đồng 89, hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ là 433 hộ. Nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động mạnh mẽ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn huyện. Người dân được hưởng các chế độ hỗ trợ đã nêu cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng. Nhất là ý thức khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng tái sinh tại các khu vực nương cũ không canh tác từ 5 đến 7 năm để hưởng dịch vụ môi trường rừng.

Ông Lù Văn Thành, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tủa Chùa, cho biết: Thời gian qua, chính sách DVMTR đã góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân trên địa bàn huyện. Nguồn kinh phí sẽ góp phần bổ sung thêm thu nhập cho người làm nghề rừng, đồng thời khuyến khích người dân nhận khoán tham gia bảo vệ rừng tốt hơn, hạn chế tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, môi trường rừng từng bước được cải thiện

ydguw1.jpg
Ông Giàng A Chè, trưởng thôn Sín Sủ 2, xã Xá Nhè và kiểm lâm phụ trách địa bàn kiểm tra diện tích rừng giao khoán

Đồng thời, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện phối hợp với quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, UBND các xã, rà soát xác định toàn bộ diện tích đủ tiêu chí chi trả, đây là chính sách để thúc đẩy và động viên Nhân dân, số tiền chi trả là động lực để người dân nâng cao vai trò trong công tác bảo vệ rừng.

Từ việc giao đất giao rừng làm cơ sở cho thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp người dân tăng thu nhập từ rừng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực, người dân không những tự ý thức được trách nhiệm gìn giữ nguồn tài nguyên rừng mà còn tích cực tham gia nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ thêm diện tích rừng, trồng rừng. Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện Tủa Chùa lên trên 38%.

Tại Xá Nhè, huyện Tủa Chùa là một trong số những xã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Năm 2023, xã Xá Nhè được chi trả trên 4 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích hơn 6 nghìn ha. Được hưởng lợi từ rừng, nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân trên địa bàn xã đã ý thức hơn trong việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

hviejoej1.jpg
Người dân xã Xá Nhè phát dọn thực bì

Các cộng đồng thôn bản đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn trong công tác bảo vệ rừng. Qua đó, hạn chế được tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực được chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Tại cộng đồng thôn Sín Sủ 2, xã Xá Nhè. Hiện nay, thôn có gần 100 hộ dân đang trực tiếp tham gia quản lý và bảo vệ gần 300 ha rừng, trung bình mỗi ha được chi trả 700 nghìn đồng/ha; mỗi năm cộng đồng thôn Sín Sủ 2 nhận gần 200 triệu đồng. Số tiền đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng.

Ông Giàng A Chè, trưởng thôn Sín Sủ 2, xã Xá Nhè chia sẻ: Thôn Sín Sủ 2 được giao khoán, quản lý, bảo vệ gần 300 ha rừng, cộng đồng và thôn đã đi tuần tra, bảo vệ, từ khi được giao khoán, thôn được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, cấp phát cho từng hộ, từng gia đình, khi nhận được tiền người dân đã có ý thức hơn trong bảo vệ và không phá rừng. Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã và đang làm thay đổi nhận thức của nhân dân thôn Sín Sủ 2 trong việc bảo vệ, giữ rừng, góp phần tạo động lực, thúc đẩy các hộ dân trong bản tiếp tục chăm sóc, bảo vệ, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.

Hoàng Châu