Môi trường

Góp ý sửa đổi Nghị định 45 xử phạt vi phạm môi trường: Sơn La đề xuất 4 nội dung

Nguyễn Nga 26/09/2024 - 16:08

(TN&MT) – UBND tỉnh Sơn La vừa có Công văn số 3974/UBND-KT gửi Bộ TN&MT, tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm các quy định theo thẩm quyền.

Bước đầu, đã ghi nhận những thay đổi tích cực, ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tốt hơn, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

img_3128.jpeg
Thời gian qua, Sơn La đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định số 45 trên thực tiễn còn một số hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc xác định các trường hợp vi phạm liên quan đến bảo vệ môi trường khi triển khai các dự án, do chưa có những quy định cụ thể.

Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP; lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Qua nghiên cứu các nội dung Dự thảo, tỉnh Sơn La đề xuất sửa đổi, làm rõ thêm 4 nội dung.

Theo đó, tại Điều 11 dự thảo Nghị định, đã có quy định xử phạt đối với hành vi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường không đúng thời hạn thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh, cấp bộ. Tuy nhiên, chưa có quy định xử lý với hành vi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường không đúng thời hạn thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

Theo quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 47 Luật Bảo vệ môi trường 2020, nội dung công khai giấy phép môi trường thuộc nghĩa vụ phải thực hiện của chủ dự án đầu tư, cơ sở. Việc bãi bỏ hình thức xử phạt đối với hành vi không chấp hành nghĩa vụ công khai giấy phép môi trường sẽ làm giảm tính ràng buộc pháp lý với các chủ dự án đầu tư, cơ sở đã được cấp giấy phép môi trường. Do đó, đề nghị không bãi bỏ điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt với hành vi không công khai giấy phép môi trường theo quy định.

Từ điều 121 – 129 Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ điều 108 -111 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP chỉ có quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Như vậy, điều 40 Nghị định 45/2022/NĐ-CP lại quy định về “vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và phục hồi môi trường sau sự cố chất thải” là chưa phù hợp. Đề nghị xem xét, sửa đổi, đảm bảo thống nhất, thuận lợi trong xác định hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy chuẩn kỹ thuật để xác định về mùi khó chịu, hôi thối. Nếu xác định mùi chỉ dựa trên cảm quan để làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm, có thể dẫn đến việc người bị xử phạt khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, Sơn La cũng kiến nghị xem xét sửa đổi nội dung xử phạt về hành vi “thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường” đang quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

Nguyễn Nga