Đất đai

Quảng Nam: Quyết liệt đẩy nhanh dự án số hóa đất đai

Võ Hà 26/09/2024 - 10:44

(TN&MT) - Sau nhiều năm triển khai Dự án xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai (CSDLĐĐ) tại Quảng Nam vẫn còn rất chậm so với kế hoạch đề ra. Tỉnh Quảng Nam đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đến năm 2025 phải hoàn thành cơ sở dữ liệu số đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.

Chưa có nhiều chuyển biến

Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, CSDLĐĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mục tiêu tổng quát là khi kết thúc dự án phải hoàn thành công tác đo đạc với diện tích hơn 220.000ha/241 xã, phường, thị trấn. Trong đó, 18 xã vừa thực hiện việc chỉnh lý bản đồ và số hóa chuyển hệ tọa độ; 223 xã thực hiện thành lập mới bản đồ địa chính và đo bổ sung bản đồ địa chính hiện có; cấp mới và cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 241 xã, phường, thị trấn với 933.109 hồ sơ.

10-11-3-.jpg
Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ Thiết kế kỹ thuật - dự toán

Dự án được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2011 tại các xã thuộc 5 huyện, thành phố: Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Tam Kỳ; đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành, sử dụng tại 48 xã, phường.

Giai đoạn 2 dự án thực hiện tất cả hạng mục từ khảo sát thiết kế, lập dự toán công trình đến giao nộp sản phẩm cuối cùng tại 13 huyện, thị xã, thành phố còn lại và các xã chưa thực hiện giai đoạn 1 của 3 huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn.

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, tiến độ thực hiện dự án còn chậm trễ so với yêu cầu. Nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thiện lại hồ sơ Thiết kế- dự toán theo ý kiến góp ý của Sở TN&MT để trình thẩm định, phê duyệt. Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra nguyên nhân khách quan do đơn vị tư vấn, thi công chuyên ngành trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ còn ít, năng lực chuyên môn còn hạn chế, chất lượng hồ sơ thiết kế - dự toán chưa đạt yêu cầu, phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần, mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan là chưa có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và chưa có sự phối hợp chặt chẽ, giám sát, đôn đốc thường xuyên của các Phòng, đơn vị chức năng ở địa phương.

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam - Phan Thái Bình chủ trì đã thẳng thắn phê bình UBND các huyện, thị xã, thành phố để chậm trễ tiến độ thực hiện dự án này. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải chỉ đạo rà soát ngay những nội dung công việc còn tồn tại, chậm trễ để tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành toàn bộ dự án Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (giai đoạn 2) trong năm 2025 và hoàn thành dự án Đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp tại 9 huyện miền núi trong năm 2026.

Quyết liệt đảm bảo đúng tiến độ

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vì mục đích phục vụ công cuộc chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý chuyên ngành về đất đai. Luật Đất đai 2024 và những văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng Hệ thống thông tin, CSDL quốc gia về đất đai. Do đó, các địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong triển khai thực hiện các nội dung liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập ngay các Tổ công tác cấp huyện và phân công lãnh đạo UBND cấp huyện trực tiếp làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các dự án theo đúng các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Thông báo kết luận đã ban hành, thường xuyên báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy để theo dõi, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện.

Khó khăn lớn nhất hiện nay ở các địa phương là vấn đề kinh phí thì UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch khẩn trương chủ trì, phối hợp với Phòng TN&MT rà soát các hồ sơ Thiết kế kỹ thuật - dự toán ở các xã, phường, thị trấn được phê duyệt và lộ trình, kế hoạch thực hiện theo phân kỳ để kịp thời tham mưu UBND cấp huyện bố trí nguồn kinh phí của địa phương trong kế hoạch hàng năm để thực hiện các dự án (từ 10% nguồn thu tiền sử dụng đất ngân sách cấp huyện được hưởng theo phân cấp).

Phòng TN&MT các địa phương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát lại các nội dung công việc chậm trễ tiến độ thực hiện của dự án Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, CSDLĐĐ để xây dựng kế hoạch, lộ trình, có mốc thời gian cụ thể và phân công rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện chi tiết các hạng mục công việc của dự án.

Định kỳ hàng tháng (trước ngày 10 hàng tháng), UBND các huyện, thị xã, thành phố gửi báo cáo tiến độ thực hiện về Sở TN&MT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15 hàng tháng.

Về phía Sở TN&MT, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo Sở chỉ đạo bộ phận liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện các khâu công việc ở các địa phương và kiểm tra, kịp thời đề xuất Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương thực hiện khi có văn bản đề nghị; định kỳ hàng tháng tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Đồng thời, tập trung thẩm định kịp thời các hồ sơ Thiết kế kỹ thuật - dự toán thực hiện các dự án để các địa phương kịp phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện. Trường hợp hồ sơ cần phải sửa đổi, bổ sung thì hướng dẫn cụ thể để phòng TN&MT và các đơn vị tư vấn thực hiện, hoàn thiện, không phải trả hồ sơ nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện.

“Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có phát sinh vướng mắc, Sở TN&MT và các ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn hoặc kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết”- ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND nhấn mạnh.

Võ Hà