Kinh tế

Bình Định: Nâng cao năng lực canh tranh từ phát triển thương mại điện tử

Thanh Tùng 25/09/2024 - 17:15

Trong những năm gần đây, bức tranh kinh tế tỉnh Bình Định có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm đều tăng dần, cơ sở hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng. Nhiều lĩnh vực trong đó có thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của tỉnh Bình Định.

Chỉ số thương mại điện tử Bình Định khởi sắc

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Bình Định vừa tổ chức “Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung”. Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, TMĐT đang nổi lên như một động lực quan trọng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế. Sự ứng dụng rộng rãi của các công nghệ tiên tiến đã tạo ra một cuộc cách mạng trong phân phối hàng hóa, dịch vụ, góp phần không nhỏ vào việc mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế.

1.png
Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định phát biểu tại hội nghị

Đánh giá về thực trạng phát triển TMĐT tại tỉnh Bình Định những năm qua, ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho rằng, cách đây 5 năm, từ những ngày khái niệm TMĐT còn khá xa lạ với người tiêu dùng; giao diện, hiển thị sản phẩm, dịch vụ, gian hàng còn đơn giản; số lượng nhà bán hàng ứng dụng TMĐT chưa đa dạng và tốn nhiều công sức để có những đơn hàng đầu tiên, thì giờ đây TMĐT tỉnh Bình Định đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Cụ thể, năm 2024, chỉ số TMĐT tỉnh Bình Định đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố; tăng 2 bậc so với năm 2023 (28/63 tỉnh, thành phố); xếp thứ 6/14 tỉnh, thành thuộc các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, sau Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Trong đó, chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh Bình Định năm 2024 đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố; tăng 4 bậc so với năm 2023 (19/63 tỉnh, thành phố). Xếp thứ 4/14 tỉnh, thành thuộc các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, sau Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế.

Chỉ số giao dịch doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) tỉnh Bình Định năm 2024 đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố; tăng 3 bậc so với năm 2023. Xếp thứ 5/14 tỉnh, thành thuộc các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, sau Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế. Chỉ số giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) tỉnh Bình Định năm 2024 đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố; tăng 3 bậc so với năm 2023 (28/63 tỉnh, thành phố). Đến cuối năm 2023, Bình Định có 4.187 website có tên miền quốc gia “.vn” (xếp hạng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trên cả nước).

Về hạ tầng thanh toán, ông Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định Nguyễn Đình Kha thông tin, các chợ, đại lý kinh doanh, siêu thị, trung tâm mua sắm, các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông triển khai các thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hình thức thanh toán trực tuyến của các ngân hàng thương mại và các trung gian thanh toán trực tuyến, ví điện tử (Momo, VnPay, ViettelMoney, Zalo Pay, MobiFone Pay…). Tính đến tháng 6/2024, số lượng máy giao dịch tự động (ATM/CDM) trên địa bàn tỉnh là 250 máy, số lượng thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS/mPOS) là 1.993 máy. Giao dịch thanh toán không tiền mặt trong 6 tháng đầu năm 2024 là 600.348 tỷ đồng.

8.png
Hạ tầng logistic hỗ trợ TMĐT tại Bình Định ngày càng được quan tâm phát triển, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, giao nhận hàng hóa

“Hạ tầng logistic hỗ trợ TMĐT ngày càng được quan tâm phát triển, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, giao nhận hàng hóa. Các đơn vị chuyển phát tăng trưởng về quy mô và số lượng. Trong đó có các doanh nghiệp lớn: VNPost, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, J&T Express..., đã ứng dụng các hệ thống tra cứu, truy xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa trên nền tảng mã vạch, mã QRcode. Các dịch vụ gọi xe, giao hàng trực tuyến: Grab, Goship… được người dân sử dụng rộng rãi”, ông Nguyễn Đình Kha cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, tại Bình Định, người dân dần thay đổi thói quen từ phương thức mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng trực tuyến. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã quan tâm đến thương mại điện tử, chủ động tham gia các ứng dụng, sàn thương mại điện tử để trao đổi mua bán, xây dựng website riêng đồng thời thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tăng năng suất hoạt động, hiệu quả quản lý, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở kinh doanh đẩy mạnh phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt. Các cơ quan, ban ngành tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào mọi hoạt động, quản lý của đơn vị.

Nâng cao kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Bên cạnh những thành tựu đạt được, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng thừa nhận, lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như đội ngũ cán bộ chuyên trách về TMĐT còn thiếu; khả năng quản trị website, thao tác trên các sàn TMĐT, kỹ năng ứng dụng các phần mềm chăm sóc khách hàng, quản lý đơn hàng, chiến lược bán hàng, marketing, xây dựng thương hiệu tại doanh nghiệp còn hạn chế do thiếu nguồn lực tài chính, nhân sự; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, sàn TMĐT đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng...

Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5 - 11% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2030 trên 40% - 45% các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thuơng mại điện tử (theo Quyết định 4219/QĐ-UBNd ngày 19/10/2021 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định).

999.jpg
Lãnh đạo Bộ Công thương và UBND tỉnh Bình Định tham dự triển lãm các mô hình công nghệ trong TMĐT tại TP Quy Nhơn- Ảnh: VGP

Để khắc phục những hạn chế, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định Nguyễn Đình Kha cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh sẽ phối hợp các đơn vị có chuyên môn trên cả nước tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về kỹ năng tham gia và bán hàng trên các sàn TMĐT; kỹ năng ứng dụng TMĐT để phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kỹ năng về công tác bảo đảm an toàn, an ninh trên môi trường số nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực TMĐT.

Đồng thời, tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại trực tiếp nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khi tham gia hoạt động TMĐT. Từ đó, có hướng xây dựng nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ hiệu quả cho các đơn vị. Hướng đến hỗ trợ phát triển TMĐT cho đối tượng dễ bị tổn thương như tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống.

Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ hướng đến hỗ trợ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận, ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời nghiên cứu, xây dựng các kênh phân phối mới, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa địa phương, nhất là các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Ví dụ như phối hợp với các sàn TMĐT Shopee, TikTok shop… xây dựng chương trình quảng bá đặc sản của Bình Định, ngày hội sản phẩm đặc sản Bình Định, tuần lễ sản phẩm Bình Định trên sàn TMĐT...

Mặt khác, xây dựng các chương trình nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm của Bình Định với các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài; Hỗ trợ đưa doanh nghiệp tham gia các sàn TMĐT xuyên biên giới (Amazon, Alibaba…). Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cơ quan quản lý thuế, tuyên truyền phổ biến đến các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ hàng hóa, dịch vụ (nhất là hệ thống các đại lý bán lẻ, cửa hàng tiện lợi), người tiêu dùng ứng dụng các dịch vụ trên nền tảng di động, ứng dụng chữ ký số, thực hiện hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh Tùng