Xã hội

Đắk Nông: Yêu rừng để nhận "trái ngọt" từ rừng

Phạm Hoài 25/09/2024 - 17:14

Từ bao đời nay, trong sâu thẳm tâm hồn của những người đồng bào sông qua nhiều thế hệ trên đất Đại ngàn Tây Nguyên luôn có một tình cảm ruột thịt và một lòng kính trọng thiêng liêng đối với rừng. Họ xem cây rừng như một sinh vật sống, cũng tràn đầy cảm xúc, cũng vui sướng, hạnh phúc, khổ đau, cũng có linh hồn. Từ đó, ý thức của mỗi người đồng bào nơi đây luôn xem việc bảo vệ rừng là trách nhiệm và sứ mệnh cao cả nhất.

1.jpg
Người dân vùng sống giáp ranh với Vườn Quốc Gia Tà Đùng phát cây bụi quanh khu vực rừng được nhận giao khoán

Một lòng hướng rừng

Rừng ơi! Chúng tôi nợ người biết bao mà kể. Đó là câu nói của ông K’Khương sống tại xã Đắk Som, huyên Đắk G’Long khi kể với chúng tôi về những ngày tháng gắn bó với rừng từ trước những năm 1975. Theo lời kể của ông K’Khương gia đình ông sống và gắn bó với ngọn núi Tà Đùng hùng vĩ không nhớ mấy mùa rẫy chỉ biết từ lúc mới lọt lòng đã được cha, mẹ cõng lên rẫy và lớn dần lên bên những cánh rừng.

“Tôi sinh ra giữa rừng và sống trong rừng rồi trưởng thành lấy vợ cũng vẫn gắn bó với rừng. Ngày trước, cây rừng hùng vĩ và lớn lắm những qua ngày tháng nhiều cây đã bị lâm tặc cưa hạ. Chúng tôi, những người đồng bào Mạ sống nhiều đời ở đây đau lòng lắm khi chứng kiến nhiều cánh rừng bị phá. Những năm gần đây, được sự quan tâm và quyết liệt của chính quyền cùng sự hỗ trợ của bà con nên tình trạng phá rừng đã giảm đáng kể”. Ông K’Khương chia sẻ.

Để hiểu rõ hơn sự gắn bó của những người đồng bào nới đây với rừng, chúng tôi đã mở lời nhờ ông K’Khương đưa đến một số những khu vực ngày trước gia đình ông sinh sống và gắn bó với rừng. Chưa dứt lời, ông K’Khương đã nhanh chóng lấy cây dao phát cùng cái gùi đi băng băng qua những con đường chênh vênh với độ dốc khá lớn để đến khu vực gia đình ông được nhà nước giao khoán bảo vệ.

Sau hơn 30 phút bằng đường tắt ông K’Khương dẫn chúng tôi đến một khu vực với nhiều cây rừng có đường kính khá lớn cùng đan xen là một số cây bụi trồng rất hùng vĩ. Trao đổi thêm với chúng tôi, ông K’Khương cho biết, khu vực này hơn 30 hecta ông được nhà nước giao khoán bảo vệ và chăm sóc và mỗi năm ông có thêm thu nhập. “Giữ rừng là nhiệm vụ nhưng gia đình chúng tôi hằng tháng cũng được nhà nước hỗ trợ thêm tiền, gia đình mừng lắm”. Ông K’Khương nói thêm.

Tương tự, người đồng bào dân tộc thiểu số như người Mạ, người M’Nông thì việc giữ rừng đối với họ cũng hết sức thiêng liêng và cao quý. Theo ông Trần Nam Thuần – Chủ tịch UBND huyện Đắk GLong, những năm qua nhờ sự đồng hành và trách nhiệm của những hộ đồng bào trong việc bảo vệ và chăm sóc rừng nên số vụ vi phạm lâm luật đã giảm đáng kể. “Người đồng bào họ ý thức rất cao đối với việc bảo vệ rừng, hiện tại họ được nhận giao khoán nhiều diện tích để chăm sóc, bảo vệ và được nhận phí chi trả. Từ đó, góp phần hỗ trợ đời sống của họ ngày một ổn định hơn”. Ông Thuần chia sẻ.

2.jpg
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Tà Đùng luôn chú trọng công tác phối hợp hỗ trợ người dân bảo vệ rừng

Hưởng lợi từ rừng

Theo ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện còn trên 248.343 ha rừng, trong đó có hơn 196.358 ha rừng tự nhiên. Đây được xem là một trong tiềm năng kinh tế rất lớn để góp phần giúp đời sống của người dân gắn bó với rừng ổn đình đời sống vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, tỉnh Đắk Nông triển khai nhiều chủ trương để cùng thực hiện giúp đời sống của người dân ở các vùng giáp ranh với rừng luôn ổn định.

Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Nông vừa phê duyệt đề án phát triển rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 35/QĐ-UBND). Đề án được giao cho Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư, với kinh phí thực hiện gần 893 tỉ đồng.

Trọng tâm của đề án là quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư sống trong và gần rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2025 đạt trên 40%, đến năm 2030 là trên 42%, tương mức bình quân cả nước; nỗ lực bảo vệ hơn 248.000 ha rừng, giảm thấp nhất các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Ngoài ra, chú trọng đến công tác bảo tồn, phát triển, theo dõi, giám sát, cứu hộ và phát triển sinh vật, đặc biệt là các loài động, thực vật nguy cấp trong các khu rừng có giá trị bảo tồn cao.

Ngoài việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, tỉnh Đắk Nông sẽ chú trọng phát triển kinh tế rừng. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế rừng, góp phần tăng doanh thu cho các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, thông qua các hoạt động như: nuôi heo, bò, dê dưới tán rừng; khai thác lồ ô, tre nứa; trồng cây đặc sản trong rừng tự nhiên; trồng dược liệu dưới tán rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…

“Trong bối cảnh rừng ngày càng đóng vai trò quan trọng cả về phương diện môi trường lẫn kinh tế, thì Đắk Nông cũng như các địa phương khác trong cả nước, đang được hưởng những chính sách ưu đãi lớn từ nhà nước như: hỗ trợ về giao khoán rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ… Đây là điều kiện rất thuận lợi để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng cũng như phát triển kinh tế dưới tán rừng”. Ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Phạm Hoài