Đất đai

Thái Nguyên: Chính sách mới về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thúy Nhi 25/09/2024 - 17:10

HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đây là chính sách có ý nghĩa, không chỉ đáp ứng nhu cầu về đất ở, đất sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS...

Theo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất sinh hoạt cộng đồng; cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền) không có đất ở, không có đất nông nghiệp hoặc thiếu đất ở, thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức; cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền) đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nay không còn đất ở, không còn đất nông nghiệp hoặc thiếu đất ở, thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức; cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền) được Nhà nước cho thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở để sản xuất, kinh doanh.

Theo Nghị quyết, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ về đất sinh hoạt cộng đồng, đất ở, đất nông nghiệp, thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất sinh hoạt cộng đồng sẽ được UBND cấp huyện bố trí quỹ đất sinh hoạt cộng đồng bảo đảm diện tích tối thiểu là 300 m2.

Đối với hỗ trợ đất ở, trường hợp cá nhân không có đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở trong hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND tỉnh và được miễn tiền sử dụng đất. Trường hợp cá nhân đã được giao đất ở theo quy định nhưng nay không còn đất ở hoặc thiếu đất ở so với hạn mức thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

1.jpg
Ảnh minh họa

Về hỗ trợ đất nông nghiệp, trường hợp cá nhân không có đất nông nghiệp thì được hỗ trợ giao đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của UBND tỉnh không thu tiền sử dụng đất. Trường hợp cá nhân đã được Nhà nước giao đất theo quy định nhưng nay không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của UBND tỉnh thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, đồng bào dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở để sản xuất, kinh doanh và được giảm 50% tiền thuê đất.

Về nguồn kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết này được thực hiện theo quy định khoản 3 Điều 8 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP của Chính phủ: “Kinh phí quy định tại khoản 8 Điều 16 Luật Đất đai được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trường hợp địa phương không tự cân đối được ngân sách thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Nghị quyết cũng nêu rõ: Quỹ đất để thực hiện chính sách theo Nghị quyết này bao gồm quỹ đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích công ích; đất chưa sử dụng đang được địa phương quản lý; đất thu hồi; đất chưa giao, chưa cho thuê tại địa phương và các quỹ đất hợp pháp khác do các địa phương đang quản lý.

Việc hỗ trợ cần phải đảm bảo các nguyên tắc: cá nhân được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải sinh sống và thường trú tại địa phương nơi có đất được giao, được chuyển mục đích sử dụng đất, được thuê đất; việc xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; việc bố trí quỹ đất sinh hoạt cộng đồng và giao đất, cho thuê đất được căn cứ vào điều kiện quỹ đất hiện có của địa phương và quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; cá nhân được hỗ trợ phải sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Được biết, tỉnh Thái Nguyên là tỉnh miền núi có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 4 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao với 51 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS của tỉnh trên 384 nghìn người, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách quan tâm đặc biệt đến đồng bào DTTS và miền núi bằng các chương trình, dự án, chính sách lớn. Thông qua đó, bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh đã và đang từng bước chuyển biến, đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện.

Tuy nhiên đến nay, đời sống đại đa số đồng bào các DTTS ở những xóm, xã miền núi, vùng cao còn rất khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, sản xuất chậm phát triển, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Trong tổng số 10.190 hộ nghèo toàn tỉnh thì có tới 5.603 hộ nghèo là người DTTS, chiếm tỷ lệ 54,98% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Nguyên nhân nghèo chủ yếu là do diện tích đất ở, đất sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân trong sinh hoạt và sản xuất; thiếu phương tiện sản xuất; thiếu vốn sản xuất; bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, kiến thức khoa học trong sản xuất.

Thúy Nhi