Kinh tế

Kon Plông (Kon Tum): Kỳ vọng thoát nghèo nhờ cây cà phê xứ lạnh

Trần Thọ 25/09/2024 - 16:23

(TN&MT) - Phát huy lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, huyện Kon Plông đang triển khai việc phát triển cây cà phê xứ lạnh theo hướng hiện đại, với mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và nâng cao đời sống Nhân dân.

giam-ngheo-kon-plong-1.jpg
Mô hình trồng cà phê xứ lạnh thôn Đăk Pờ Rồ, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông

Kon Plông là huyện miền núi, có tiềm năng phát triển nông nghiệp rất lớn trên địa bàn tỉnh Kon Tum và khu vực Tây Nguyên, với tổng diện tích tự nhiên hơn 137.000 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm gần 83%. Việc phát triển cây cà phê chè (cà phê Arabica) trên địa bàn có khí hậu lạnh (hay còn gọi là cà phê xứ lạnh) như huyện Kon Plông là phù hợp hơn so với một số cây trồng khác, đồng thời từng bước hình thành vùng chuyên canh cà phê chè của tỉnh Kon Tum, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn các huyện.

Nhằm phát huy được những lợi thế của huyện về phát triển cây cà phê xứ lạnh, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành hàng cà phê xứ lạnh theo hướng đầu tư liên doanh, liên kết, sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn, vào cuối năm 2023 HĐND huyện Kon Plông đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Kon Plông. Theo đó, huyện Kon Plông đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển diện tích trồng cà phê xứ lạnh trên địa bàn đạt hơn 1.300 ha; xây dựng ít nhất 5 sản phẩm OCOP đối với sản phẩm cà phê xứ lạnh đã qua chế biến; triển khai áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, xác nhận như: Cà phê hữu cơ, RA, cà phê 4C và Viet GAP.... theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.

Sản phẩm cà phê xứ lạnh được đánh giá cao bởi có hương vị thơm ngon. Mặt khác kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê xứ lạnh cũng đơn giản, sản phẩm dễ tiêu thụ, phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của địa phương. Đây cũng là loại cà phê cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập bền vững cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Plông.

Kết quả khảo sát cho thấy, trên địa bàn huyện Kon Plông hiện có nhiều địa phương hội tụ các điều kiện phù hợp cho việc hình thành các vùng trồng cà phê xứ lạnh quy mô lớn như xã Măng Cành với 4 vùng trồng, diện tích phát triển cà phê xứ lạnh dự kiến trồng mới 200 ha; thị trấn Măng Đen với 3 vùng trồng, diện tích trồng mới dự kiến 65,6 ha; xã Đăk Tăng với 3 vùng trồng, diện tích trồng mới dự kiến 92 ha; xã Hiếu với 3 vùng trồng, diện tích trồng mới dự kiến 65 ha;....

giam-ngheo-kon-plong-2.jpg
Sản phẩm cà phê xứ lạnh được đánh giá cao bởi có hương vị thơm ngon

Để triển khai thực hiện Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh bền vững, HĐND huyện Kon Plông đã đề ra các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy hoạch vùng trồng, giống cà phê ưu tiên phát triển; các giải pháp về đất đai, kỹ thuật, công nghệ; các giải pháp về thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; các giải pháp về vốn, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực và liên kết chuỗi giá trị. Kinh phí thực hiện Đề án cả giai đoạn hơn 125 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Nhà nước hỗ trợ, ngân sách địa phương, vốn của doanh nghiệp và vốn Nhân dân thực hiện đầu tư.

Việc triển khai Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh bền vững của huyện Kon Plông bên cạnh việc mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thì còn hướng tới hiệu quả về môi trường. Cụ thể: Góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia đến năm 2030 giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính theo cam kết về biến đổi khí hậu; việc phát triển cà phê góp phần bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, bảo đảm an ninh môi trường và phát triển bền vững; sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai trên địa bàn, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tăng độ che phủ đất đảm bảo phát triển bền vững, hạn chế xói mòn rửa trôi, giữ nước, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo thống kê, tổng diện tích trồng cà phê trên địa bàn huyện Kon Plông hiện có hơn 650 ha. Nhiều hộ dân trong huyện đã thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, vươn lên phát triển kinh tế nhờ chuyên canh cà phê xứ lạnh. Bước đầu, trên địa bàn huyện đã hình thành được các chuỗi liên kết và các vùng trồng tập trung cây cà phê xứ lạnh ở các xã vùng lạnh của huyện Kon Plông.

Hiện nay, chính quyền và các ngành chức năng huyện Kon Plông đang tích cực theo dõi, đôn đốc, giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh để tạo sự đột phá, đưa cây cà phê trở thành cây trồng có đóng góp quan trọng đối với kinh tế địa phương. Huyện cũng đang chú trọng công tác tập huấn, đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cà phê cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đủ khả năng tham gia liên kết vào các dự án cà phê quy mô lớn.

Trần Thọ