Biển đảo

Trường Sa xanh, sạch, mạnh - Bài 3: Để Trường Sa đẹp hơn, mạnh hơn

Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ 25/09/2024 - 14:57

(TN&MT) - “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc”, đó là câu ca được chúng tôi nhắc nhiều nhất trong 6 lần đến Trường Sa. Để Trường Sa đẹp hơn, mạnh hơn là mong ước không chỉ của công dân trên quần đảo mà là nguyện vọng chung của hàng trăm triệu người con nước Việt.

truongsa-3.jpg

“Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc”, đó là câu ca được chúng tôi nhắc nhiều nhất trong 6 lần đến Trường Sa. Để Trường Sa đẹp hơn, mạnh hơn là mong ước không chỉ của công dân trên quần đảo mà là nguyện vọng chung của hàng trăm triệu người con nước Việt. Tuy nhiên để làm được điều này thì phải cần đến sự chung sức, đồng lòng của quân dân cả nước.

sutit-1.jpg

Đến đảo An Bang mới đây, chúng tôi được nghe câu chuyện xúc động về Trung tá QNCN Trần Văn Hòa, người có tuổi đời cao nhất ở đảo và có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nhưng vẫn yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vợ của Hòa là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân tại Trường PTTH Phạm Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.

untitled-1.jpg
Cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang

“Anh Trần Văn Hòa đã có hơn 60 tháng công tác ở quần đảo Trường Sa. Theo Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thì chỉ còn hơn một năm nữa sẽ nghỉ hưu vậy mà gia đình anh vẫn chưa có nhà ở chính thức, vẫn đang ở nhờ tại khu tập thể của Trường PTTH Phạm Ngũ Lão” - một đồng đội của Hòa đã nói với chúng tôi như vậy.

Tâm sự với chúng tôi, Trần Văn Hòa không nói nhiều về mình mà chỉ nói về vợ con. Anh tự hào vì có người vợ đảm đang nuôi dạy con cái nên người để chồng yên tâm bám đảo. Anh tự hào vì có 2 người con chăm ngoan học giỏi. Con trai đầu vừa tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Con gái út đang là sinh viên khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Hải Phòng.

Kể về kỷ niệm với gia đình, Trần Văn Hòa nghẹn ngào nhớ lại: “Năm 2005 cả ba mẹ con bị ốm, đều phải nhập viện, nhưng vợ con em vẫn không báo tin cho em biết, vì sợ em lo lắng, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của đơn vị”.

Kể đến đây, mắt Hòa đỏ hoe, giọt nước mắt lăn tròn trên má, thấm vào cát bỏng…

Đến Trường Sa lần nào, tôi cũng đều chứng kiến những giọt nước mắt rơi xuống cát tương tự như trường hợp của Trung tá QNCN Trần Văn Hòa.

bai-ca-ket-doan-tren-dao-nam-yet.jpg
Bài ca kết đoàn trên đảo Nam Yết

Đón chúng tôi tại đảo Nam Yết là Đại úy Đinh Tiến Dũng, Chính trị viên cụm đảo Nam Yết. Dũng sinh năm 1988, quê ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Dũng kể với chúng tôi rằng, đơn vị rất quan tâm đến hậu phương gia đình cán bộ, nhưng Dũng cũng không dám xin đi tranh thủ, mỗi năm chỉ dám về phép một lần vì mỗi lần về phép là phải đi từ Trường Sa, về đơn vị ở Nha Trang sau đó mới về Phú Yên (nơi ở của vợ con) rồi lại về quê ở Quảng Bình. Hiện nay, vợ con Dũng vẫn đang phải thuê nhà ở Phú Yên. “Cũng vì nhiệm vụ mà khi vợ em “vượt cạn”, em không có mặt” - Dũng thổ lộ và chúng tôi thấy mắt Dũng đỏ hoe.

Trong số cán bộ, chiến sĩ mà chúng tôi gặp được ở Trường Sa thì Đại úy Nguyễn Xuân Hà, trợ lý pháo binh đảo Nam Yết là người có thời gian công tác dài nhất ở quần đảo. Đại úy Hà đã có 3 “nhiệm kỳ” ở Trường Sa. Nhiệm kỳ thứ nhất vào năm 2014 - 2015 ở đảo Sơn Ca 18 tháng. Nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2016 ở đảo Phan Vinh tròn một năm. Nhiệm kỳ thứ 3 từ tháng 8 năm 2023 đến nay. “Do công tác ở Trường Sa suốt nên vợ chồng em bị “vỡ kế hoạch”. Cả hai lần vợ em sinh con, em đều không có ở bên. Nhiều lúc nghĩ thương vợ con lắm” - Hà nói với tôi mà rơm rớm nước mắt.

sutit-2.jpg

Đại tá Hồ Thanh Hoàn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân cho biết, gia đình đồng chí Trung tá QNCN Trần Văn Hòa và một số cán bộ, nhân viên hiện đang công tác tại quần đảo Trường Sa chưa có nhà ở, Quân chủng đã có nguồn kinh phí hỗ trợ quân nhân xây nhà với điều kiện là phải có đất ở. Cái khó của gia đình đồng chí Trần Văn Hòa và một số cán bộ, nhân viên nói trên là chưa có đất ở. Để giải quyết cái khó này, phải nhờ đến các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong việc ưu tiên xét duyệt giao đất làm nhà ở, bán nhà ở xã hội cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại Trường Sa.

chien-si-truong-sa-tam-su-voi-cac-hoi-vien-hoi-phu-nu-quan-doi.jpg
Chiến sĩ Trường Sa tâm sự với các hội viên Hội phụ nữ quân đội

Thiếu tá Nguyễn Văn Trường, Phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng đảo Trường Sa Đông thổ lộ: Do ở Trường Sa khí hậu rất khắc nghiệt nên việc bảo trì các thiết bị khá khó khăn. Các thiết bị để ngoài trời, thường xuyên tiếp xúc với gió biển mang theo hơi mặn, nắng gắt khiến thiết bị nhanh xuống cấp, bị ăn mòn. Xa đất liền nên việc thay thế thiết bị, phụ tùng hỏng không hề đơn giản. Hiện nay, nhiều máy phát điện chạy bằng sức gió bị hỏng. Một số ắc quy dùng lâu đã cũ, khả năng tích điện không cao. Dù cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo cố gắng khắc phục, sửa chữa, nhưng nhiều lúc “lực bất tòng tâm”, đành phải chờ đợi sự giúp đỡ từ đất liền.

Đến thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, các đoàn khách từ đất liền rất thích thú trước những đàn lợn, đàn gà, đàn vịt béo nung núc. Đây là nguồn thực phẩm dự trữ thực phẩm vô cùng quan trọng của các cư dân trên đảo. Thế nhưng, nếu xử lý không tốt chất thải từ chăn nuôi thì có thể sẽ gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo rất cần có sự đầu tư từ các cơ quan chức năng của nhà nước để xây dựng các khu chăn nuôi tập trung và xử lý chất thải sau chăn nuôi.

07-03-40_3.jpg
Đàn vịt trên đảo Núi Le

Thực tế, tại các đảo nổi và đảo chìm trên quần đảo Trường Sa, các đơn vị đã sử dụng rất hiệu quả mô hình trồng rau trong nhà lưới ở các đảo nổi và chậu trồng rau mini tại các đảo chìm. Thế nhưng, giá thành của hai loại hình này không hề rẻ và đều phải mang từ đất liền ra. Vì thế nếu không có sự giúp đỡ của cấp trên thì bản thân từng đảo không thể làm nổi. Giống cây trồng và phân bón cũng vậy. Các đơn vị ở quần đảo Trường Sa chỉ có thể ươm giống, nhân giống những cây có sẵn trên quần đảo như bàng vuông, phong ba… còn những cây có giá trị kinh tế cao như dừa, phi lao, các loại hoa… đều phải ươm, chuyển từ đất liền ra. Đây là điều mà các đơn vị quân đội ở Trường Sa dù rất muốn cũng không thể làm được.

sutit-3.jpg

Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện đảo Trường Sa sẽ từng bước trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy rất cần sự đầu tư đồng bộ cả về con người là phương tiện kỹ thuật. Trước hết là cần những con tàu hiện đại hơn để rút ngắn khoảng cách từ đất liền với đảo. Hệ thống thông tin liên lạc giữa đất liền và Trường Sa đã được đầu tư, cần tiếp tục nâng cấp để mối liên lạc thường xuyên giữa những người giữ đảo với người thân của minh ở đất liền tốt hơn. Việc xây dựng nguồn năng lượng tái tạo tại đây là hết sức cần thiết, trong đó cần tính đến yếu tố dự phòng phụ tùng thay thế khi thời tiết bất lợi. Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” cần có sự đồng hành của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước.

1111111111111111.jpg
Tàu chở đoàn công tác và hàng quà Tết ra Trường Sa. Ảnh: Thu Lan

Để Trường Sa đẹp hơn, mạnh hơn, rất cần sự chung tay của các bộ, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, doanh nghiệp, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Mỗi xã, phường, doanh nghiệp chỉ cần góp một cây xanh, mỗi người chỉ cần góp một hạt giống rau thôi là Trường Sa sẽ xanh, sẽ đẹp, sẽ mạnh, sẽ giàu.

Chúng tôi rời Trường Sa sau khoảnh khắc linh thiêng tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên biển. Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm được Đoàn công tác tổ chức ngay trên boong tàu. Nhiều người trong Đoàn công tác của chúng tôi đã khóc. Hoa tươi, và những cánh chim giấy màu trắng biểu tượng cho hòa bình được dòng người lặng lẽ đội mưa thả trôi theo con sóng dập dềnh. Trong trái tim của mỗi người chúng tôi lại vang vọng câu ca “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc”.

luu-luyen-tien-khach-roi-truong-sa.jpg
Cán bộ, chiến sỹ lưu luyến tạm biệt đoàn công tác

Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ
Ban chỉ đạo 35, Quân ủy Trung ương
Địa chỉ: 61 Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Trình bày: DŨNG THI

Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ