E-magazine: Thời điểm vàng cứu hàng ngàn cây xanh
Môi trường - Ngày đăng : 23:24, 24/09/2024
Là tâm của cơn bão số 3, cách đây đúng nửa tháng, có lẽ ngày 7 và 8/9/2024 là những một ngày không thể quên với Hạ Long nói riêng và người dân tỉnh Quảng Ninh nói chung. Siêu bão YAGI (cơn bão số 3) là cơn bão lịch sử với cường độ rất mạnh, sức gió cấp 14-15, giật trên cấp 17 đã đổ bộ vào thành phố, tàn phá tất cả những gì cản đường nó. Và cây xanh, lá phổi xanh của thành phố biển không nằm ngoài, không né nổi thiệt hại chưa từng có đó.
Ngay sau bão, Thành phố đã chỉ đạo huy động toàn bộ các lực lượng, phát động chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm để khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, tổng vệ sinh môi trường.
Hạ Long nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh và rất nhiều bộ, ngành, địa phương... để sẵn sàng cùng thành phố khắc phục hậu quả cơn bão lịch sử.
Trong tình huống khẩn cấp đó, Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hạ Long cùng cả hệ thống chính trị đã lao ra đường, không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, cùng với toàn dân và các lực lượng vũ trang dốc sức, chung lòng dọn dẹp “bãi chiến trường” chưa từng có do bão số 3 để lại...
“Trong khuôn khổ bài viết này, không dám “tham lam” ôm mớ thông tin ngồn ngộn của công tác khắc phục hậu quả bão số 3, nhóm phóng viên báo TN&MT chỉ có mong muốn điểm qua vài kinh nghiệm của câu chuyện Hạ Long dồn sức cứu cây sau bão”
Nhớ lại những ngày kinh hoàng đó, Thạc sỹ quản lý đô thị và công trình Phạm Trường Giang - Trưởng phòng tư vấn giám sát, Ban Quản lý các dịch vụ công ích TP Hạ Long cho biết: Bão ập về, cả thành phố mất hết điện lưới, sóng điện thoại di dộng cũng chịu chung số phận, chúng tôi huy động tổng lực, tự phi xe máy đi khắp các con phố kiểm tra. Chỗ nào cấp bách thì lại phi xe máy về báo cáo lãnh đạo Thành phố xin phương án khắc phục ngay đến đó.
Vị tổng chỉ huy cứu cây của Ban Quản lý các dịch vụ công ích TP Hạ Long vẫn nhớ như in: “Và đến chiều 8/9, khi khi bão qua, thành phố chạy máy nổ để có điện “trực chiến” ở những điểm xung yếu, chúng tôi sạc được điện thoại thì chỉ còn duy nhất mạng di động Vinaphone là có sóng. Ông Giang kể: "Tất cả chúng tôi đều phải chuyển qua mạng di động này. Điện thoại của anh em chỉ huy như tôi lúc nào cũng nóng máy vì các cuộc gọi của Lãnh đạo thành phố chỉ đạo cũng như cuộc gọi của các phường, các tổ dân phố và đặc biệt là của người dân gọi để nhờ... cứu cây”
Vẫn theo thạc sỹ Phạm Trường Giang, là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý chất lượng, khối lượng và tiến độ các dịch vụ công ích đô thị, bao gồm quét và thu gom rác, duy trì vệ sinh đường phố, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, cùng nhiều hạng mục khác phục vụ khắc phục thiệt hại do thiên tai, lũ lụt…, Ban Quản lý các dịch vụ công ích thành phố đã nhanh chóng phối hợp với các lực lượng chức năng để rà soát tình hình sau cơn bão số 3.
Cũng nhớ lại thời điểm kinh hoàng đó, chị Trần Thị Thanh Hồng, cán bộ Ban Quản lý các dịch vụ công ích thành phố chưa hết bàng hoàng: “Đó là thời điểm thử thách khi thành phố vừa mất điện, vừa mất sóng, khiến việc liên lạc trở nên vô cùng khó khăn. Các cán bộ phải liên tục di chuyển để rà soát, báo cáo và thống kê thiệt hại, từ đó xây dựng phương án kịp thời cứu hệ thống cây xanh. “Nhà tôi cũng chịu ảnh hưởng với mái tôn bị thổi bay và cửa cuốn hỏng, nhưng tôi vẫn gác lại mọi việc để cùng anh em trong ban và các lực lượng chức năng tập trung khắc phục thiệt hại, trả lại sắc xanh cho thành phố”
Và Hạ Long huy động tổng lực phương tiện, máy móc, sức người, sức của ra đường ưu tiên và thần tốc cưa cành, dọn dẹp để ưu tiên những tuyến phố thông thoáng phục vụ công tác cứu hộ. Trong lúc công tác cứu hộ yêu cầu thần tốc như vậy nhưng lãnh đạo TP Hạ Long vẫn bình tĩnh và người Hạ Long vẫn vừa khẩn trương, vừa bình tĩnh cưa cắt càng cây xanh sao cho đảm bảo cây có thể phục hồi sẽ trồng lại được.
Thành phố kêu gọi toàn bộ các lực lượng, nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp có phương tiện, thiết bị, khẩn trương chung tay với các lực lượng chức năng tham gia vào việc thu gom chất thải rắn cồng kềnh, cây xanh gẫy đổ, dọn dẹp vệ sinh môi trường tại khu dân cư, trên các tuyến đường giao thông, nhằm hạn chế thấp nhất phát tán, lưu chứa chất thải trong thời gian dài thì đồng thời cũng yêu cầu các lực lượng khẩn trương phân loại, nhanh chóng trồng lại những cây có thể cứu.
Bão số 3 đã để lại những tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống cây xanh tại thành phố Hạ Long với 103 vườn cây bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo thống kê của Ban Quản lý các dịch vụ công ích thành phố, tổng số cây bóng mát cây bị ảnh hưởng là 10.874/16.291, trong đó 8.120 cây cần chống dựng và 2.754 cây bị đứt rễ, bật gốc, gãy đổ không còn khả năng sinh trưởng. Tổng số cây tạo hình, xanh si bị ảnh hưởng là 12.766/23.035 cây, trong đó 11.420 cây cần chống dựng và 1.346 cây bị đứt rễ, bật gốc, gãy đổ không còn khả năng sinh trưởng…
Phóng viên Báo TN&MT đem nguyên câu chuyện của người yêu cây đã “phỏng vấn” một cây sấu trên đường phố Thủ đô ngày 18/9/2024 để trò chuyện với những người được giao trách nhiệm trồng và phục hồi cây xanh ở Hạ Long thì nhận được một câu trả lời đồng cảm: Không thể sai.
“Câu hỏi” của cây xanh với người yêu cây: “cũng như con người, nếu coi chúng tôi bị ngã, bị gãy đổ như người bị tai nạn, bị tai biến, nếu không được cứu chữa kịp thời, liệu có sống nổi không?” - xin thưa, chắc chắn đúng, ngàn lần đúng.
Đem câu chuyện của cây xanh hỏi hai chuyên gia cây đều đang giữ cương vị lãnh đạo của 2 vườn quốc gia hàng đầu Việt Nam thì chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Cứu cây cũng như cứu người.
Cây cũng như người, cây không thể sống nếu cứ bị vứt chỏng trơ dầm mưa dãi nắng.
Cây vừa “ngã đổ” sau bão như người bị tai biến, bị tai nạn vậy. Cần tận dụng “hời điểm vàng” để cấp cứu, để cứu chữa.
Chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT, TS Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho hay: “Ta phải biết rằng cây xanh là một thực thể sống, cũng như con người vậy, cũng ăn uống thở, rồi khi cây ốm thì cũng phải cứu chữa. Rất nhiều cây xanh bị bật gốc do bão số 3 nhưng có lẽ chúng ta quá bận rộn hay sao mà quên đi rằng, cứu cây cũng như cứu người, càng sớm tận dụng thời gian vàng thì càng tăng cơ hội sống cho cây. Chứ cứ để cả tuần cho gốc rễ trơ ra phơi nắng thì cây không thể có cơ hội sống".
Và để tận dụng thời điểm lý tưởng đó, Hạ Long đã bố trí người và phương tiện, làm ngày làm đêm them đúng tinh thần, vượt nắng thắng mưa để cứu và trồng lại những cây xanh có thể phục hồi.
Nhờ vậy, theo thống kê mà lãnh đạo Ban Quản lý các dịch vụ công ích TP Hạ Long trao đổi với phóng viên Báo TN&MT hiện nay, hầu như cây xanh bị ngã đổ mà có cơ hội phục hồi đều được trồng lại. Ngay sau khi bão tan, thành phố đã nhanh chóng thực hiện việc cắt tỉa và cứu chữa những cây xanh bị gãy đổ, coi đây là "thời gian vàng" trong vòng 7 ngày để hồi sinh hệ thống cây xanh.
“Người Hạ Long của chúng tôi tự hào về việc đã chủ động, vượt khó, vượt bão, tự lực, tự cường, tập trung tái thiết và hồi sinh sau bão. Có thể nói, giờ đây, sự hồi sinh của những mầm xanh mới đang mọc lại đã trở thành niềm vui của người dân khi nhiều cây xanh đã được cứu sống trên địa bàn. Trong tương lai, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Đề án “Hạ Long - Thành phố của Hoa” và có phương án tiếp tục trồng thay thế bổ sung cây xanh cho thành phố” - Bà Phan Thị Hải Hường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long không dấu nổi xúc động khi nói về những người vượt bão cứu cây của thành phố biển xinh đẹp này.
Nhóm phóng viên Báo TN&MT dạo bước trên đường Nguyễn Văn Cừ - một trong những con đường trọng điểm của Thành phố Hạ Long, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân về những hàng cây thẳng tắp nơi đây. Những cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, để lộ ra những nhánh khẳng khiu như những chiến binh kiên cường sau bão. Ít ai biết rằng con phố này đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề với 165 cây đã chết và 715 cây khác đang cần phục hồi sau cơn bão số 3 đổ bộ vào Hạ Long ngày 8/9.
Đi qua từng hàng cây, chúng tôi cảm nhận được sức sống dần trở lại. Những tán lá non như đang thì thầm với nhau, kể cho nhau nghe về những ngày mưa bão, về cuộc chiến sinh tồn trong lòng thành phố sôi động này. Cảm giác nhẹ nhàng và bình yên bao trùm, như một lời hứa rằng sự phục hồi sẽ diễn ra không chỉ trong lòng đất, mà còn trong lòng người.
Và nhằm khôi phục hình ảnh thành phố di sản, thành phố du lịch, đưa cuộc sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp trở lại bình thường, từ ngày 9/9 TP. Hạ Long triển khai chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão Yagi. Cho đến nay, 100% tuyến đường, khu phố hiện đã được dọn dẹp đảm bảo vệ sinh môi trường; hơn 80% số cây xanh bị nghiêng, đổ đã được phục dựng; trên 50.000m3 rác phế thải đã được thu dọn vận chuyển…
Song song với việc khẩn trương khắc phục hậu quả, phát triển đô thị, thành phố, Hạ Long sẽ tiếp tục nghiên cứu và tái tổ chức hệ thống cây xanh đô thị, ưu tiên lựa chọn những loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù, đặc biệt ở những khu vực ven biển thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão gió.
Mục tiêu là trồng những loại cây có sức bền cao, có khả năng chống chọi tốt với thiên nhiên và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới
Ông Nguyễn Tiến Dũng
Chủ tịch UBND Thành phố Hạ Long
Người dân Hạ Long bày tỏ niềm vui và tự hào khi thấy cây xanh được phục hồi sau thiên tai. Họ cảm nhận được sự chăm sóc và quan tâm của chính quyền địa phương trong việc khôi phục và bảo vệ không gian sống. Nhiều người dân mong muốn thành phố sẽ tiếp tục duy trì những biện pháp hiệu quả hơn nữa để bảo vệ hệ thống cây xanh trong tương lai...
Sáng sớm 24/9, vừa tản bộ tập thể dục ở công viên Hoa Hạ Long, ông Trần Đức Thiện, nhà ở đường Lê Thánh Tông vừa chia sẻ với chúng tôi: “Cơn bão đã làm hàng loạt cây xanh trong thành phố ngã đổ, chắn ngang đường gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, mọi thứ đã được dọn dẹp ngăn nắp, cây cối nhanh chóng được dựng lại. Giờ đây, cuộc sống của chúng tôi đã trở lại bình thường, như chưa hề có dấu vết của bão”.
Còn bà Trần Thị Tuyết, ngụ tại ngõ 371 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội trò chuyện với chúng tôi khi đang đi dạo bên đường Bao Biển gần bảo tàng Quảng Ninh bày tỏ sự nể phục: “Tôi vừa xuống Hạ Long hôm qua (23/9) và thực sự ấn tượng với việc thu dọn thành phố. Hà Nội cũng bị bão, tuy không to như Hạ Long nhưng cây xanh ở các con phố gần nhà tôi bị tơi tả nhiều quá. Chúng tôi rất xót khi nhiều cây cứ tưởng sẽ được trồng lại nhưng... Còn mọi thứ ở Hạ Long được xử lý quá nhanh gọn. Nhìn quanh khó có thể tin rằng nơi đây từng bị ảnh hưởng bởi cơn bão”.
Và để đảm bảo cây được cứu sống và phục hồi, trong quá trình trồng lại các cây xanh đô thị bị gãy, đổ, các cơ quan chức năng của Hạ Long sẽ liên tục theo dõi và chăm sóc trong 90 ngày tiếp theo để đảm bảo sự phát triển của cây, sớm phục hồi cảnh quan xanh, đồng thời tạo môi trường sống trong lành cho cộng đồng...
Thành phố Hạ Long sau cơn bão số 3 đã bừng tỉnh với sức sống mới nhờ nỗ lực không ngừng của các lực lượng và cộng đồng. Những cánh tay đoàn kết cùng nhau khắc phục thiệt hại, dọn dẹp và chăm sóc cây xanh.
Giờ đây, đi trên các con đường của Hạ Long, từ tuyến phố đến công viên đâu đâu cũng cảm nhận được sự hồi sinh của những mầm xanh. Cây phục hồi, chồi xanh đã trở lại.
Những cây xanh đang kiên cường hồi sinh, bật mầm.
Sắc xanh tươi đẹp của Hạ Long xanh, Hạ Long - Thành phố của Hoa chắc chắn sẽ đơm hoa...
Nội dung: Việt Hùng - Ngọc Trâm – Hoàng Phong
Ảnh, Video: Việt Hùng - Hồng Trường
Trình bày: Tùng Quân