Tin tức

Thanh Hóa: “Căng mình” ứng phó với mưa lũ

Thanh Tâm 24/09/2024 - 15:52

Dù không phải tâm bão, nhưng những ngày vừa qua Thanh Hóa cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề do nước lũ dâng cao, tình hình sạt lở đất ở các huyện miền núi diễn biến phức tạp. Người dân và các lực lượng chức năng vẫn đang căng mình ứng phó.

“Rốn lũ” Thiệu Dương, Thiệu Khánh

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trên địa bàn TP Thanh Hóa xảy ra mưa lớn, nước thượng nguồn sông Mã và sông Chu đổ về gây ngập lụt tại các phường Hoằng Quang, Thiệu Khánh, Thiệu Dương…; khiến 3.946 hộ với khoảng 10.000 người sinh sống vùng ngoại đê TP Thanh Hóa bị ảnh hưởng. Hàng trăm chiến sĩ bộ đội, công an được huy động khẩn cấp để hỗ di dời tài sản, hỗ trợ sơ tán người dân.

Phường Thiệu Dương và Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa có hàng nghìn hộ dân sống ngoại đê từ bao đời nay. Các khu dân cư hình thành từ lâu, đây cũng được xem là “rốn lũ” của thành phố Thanh Hóa. Mỗi khi nước sông Mã dâng cao các hộ dân sống ngoại đê ở hai phường kể trên đều sống trong cảnh chạy lũ.

Theo ghi nhận của PV, sáng 24/9, hai phường Thiệu Khánh và Thiệu Dương nước bắt đầu rút, so với hôm qua xuống khoảng 30cm. Tuy nhiên, khu vực ngoại đê bị ngập lụt cục bộ, giao thông đi lại khó khăn

Phố Giang Thanh, phường Thiệu Khánh, có 171 hộ với gần 400 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống khu vực ngoại đê sông Chu, do mực nước sông dâng cao, gây ngập lụt cục bộ. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương di dời 25 hộ với 81 nhân khẩu đến nơi an toàn, còn lại 70 hộ di dời tại chỗ...

Ông Lê Văn Mão, Chủ tịch UBND phường Thiệu Dương cho biết: Phường có 10 phố, trong đó có 7 phố ngoại đê, với hơn 6.000 dân. Lực lượng chức năng di dời 584 nhân khẩu ở vùng ngập lụt. Trong đó chủ yếu di dân tại chỗ, còn lại một số trường hợp neo đơn, già cả, cách biệt khu dân cư cũng được di dời đến an toàn.

"Sáng và trưa ngày hôm nay 24/09 nước đã rút khoảng 30 cm. Các lực lượng chức năng đang trực 24/24, đặc biệt tại các vị trí xung yếu. Các hộ dân ở vùng ngập lụt sâu được tiếp tế nước uống và lương thực đầy đủ" - Ông Mão thông tin thêm.

Theo báo cáo, TP Thanh Hóa có 13 phường xã bị ảnh hưởng lớn từ mưa lũ, với 31 phố, thôn bị ảnh hưởng do ngập lụt (gồm: 14 phố thôn bị ngập toàn bộ hoặc phần lớn khu dân cư; 17 phố thôn ngập một phần khu dân cư); toàn bộ có 3.946 hộ với khoảng hơn 10.000 người sinh sống vùng ngoại đê bị ảnh hưởng do mưa lũ.

UBND TP Thanh Hóa đã phát lệnh cảnh báo, di dân ở vùng có nguy cơ ngập sâu khẩn cấp đến nơi an toàn, yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã có đê, trưởng các phòng, ban, đơn vị thành phố khẩn trương tổ chức lực lượng thực hiện phương án di dân theo cấp báo động.

Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy và lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tăng cường thêm lực lượng, phương tiện (xuồng máy) đến khu vực trọng điểm, xung yếu, bị ngập lụt trên địa bàn phường Thiệu Dương và Thiệu Khánh để hỗ trợ di dời các hộ dân đang bị mắc kẹt, cô lập dọc tuyến sông Chu, sông Mã trong khi nước lũ tiếp tục dâng cao.

Sáng 24/9, nước tại khu vực Thiệu Khánh, Thiệu Dương đang bắt đầu rút, so với hôm qua đã xuống khoảng 30cm. Người dân đang chờ nước rút nhanh để khẩn trương vệ sinh, dọn rửa nhà cửa.

Một số hình ảnh ngập lụt và sơ tán các hộ dân bị ngập ở Phường Thiệu Khánh và Thiệu Dương, TP Thanh Hóa

a1(1).jpg
a2.jpg
a3.jpg
a4.jpg
3.jpg

Sạt lở đất tại các huyện miền núi diễn biến phức tạp

Mưa lớn liên tục khiến nước lũ dâng cao, nhiều huyện miền núi Thanh Hóa xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã phải tiến hành tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp các hộ dân trong vùng có nguy cơ cao.

Đối với giao thông, mưa lũ đã làm sạt lở taluy dương, taluy âm, sạt lở sa bồi mặt đường, rãnh dọc tại 183 vị trí với chiều dài 12m, khối lượng 60.009m3; 04 điểm bị ngập mặt đường, gây tắc đường (QL15/01 vị trí; QL217/01 vị trí; 217B/02 vị trí)… Mưa lũ cũng đã làm 05 cột điện trung thế và 16 cột điện hạ thế bị đổ, gãy. Riêng tại huyện Quan Sơn, đổ 03 vị trí cột đôi điện Trung thế tại bản Chung Sơn, xã Sơn Thuỷ, gây mất điện toàn xã Sơn Thuỷ. Đến 22h ngày 23/9/2024: 05/11 bản đã có điện.

Ông Lê Hồng Quang, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Hiện tình hình mưa lũ và sạt lở đất trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cao. Các vị trí có nguy cơ sạt lở đều được đặt biển cảnh báo, cắt cử người canh gác để đề phòng sạt lở xảy ra, vận động di dời người dân tới nơi an toàn. Về sự cố mất điện do nước lũ cuốn trôi, ngành điện lực đang khẩn trương khắc phục, một số bản đã có điện trở lại.

Theo thống kê, đã có 171 nhà bị thiệt hại, trong đó, có 170 nhà bị thiệt hại do sạt lở đất, 01 hộ bị tốc mái; 11 điểm trường ở các huyện miền núi bị ảnh hưởng do sạt lở đất.

a7.jpg
171 ngôi nhà bị thiệt hại do mưa lũ

Để chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở đất, đá và ngập lụt, tính đến 23h ngày 23/9/2024, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động sơ tán 3.162 hộ/12.725 khẩu.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động gần 2.200 cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ Nhân dân ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, như: Tu sửa nhà cửa, khôi phục sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ dọn dẹp sạt lở đất trên các tuyến đường, điều tiết giao thông trên các tuyến đường, canh gác tại các ngầm tràn...

a5.jpg
Sơ tán người và tài sản tới nơi an toàn đề phòng sạt lở đất

Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với UBND các địa phương và đơn vị liên quan huy động lực lượng, vật tư, phương tiện dọn dẹp vị trí sạt lở giao thông, cử người canh gác, lập rào chắn, biển báo phân luồng giao thông đối với những vị trí nguy hiểm, gây tắc đường. Công ty Điện lực Thanh Hoá đã triển khai các biện pháp khắc phục các sự cố đổ, gãy, nghiêng cột điện; chủ động cắt điện đối với những khu vực bị ngập sâu để đảm an toàn...

a6.jpg
Nhiều trường học bị sạt lở vào các phòng học

Ngày 23/9, do mực nước sông Mã dâng cao, tại địa bàn thôn 7, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hoá) xuất hiện hiện tượng nước tràn qua miệng cống Nổ, ngấm vào thân đê, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn đê sông Mã, phía trong có gần 4.000 hộ dân sinh sống.

Ngay sau khi phát hiện sự cố, UBND huyện Vĩnh Lộc đã huy động lực lượng và chỉ đạo xã Vĩnh An triển khai phương án “4 tại chỗ” nhanh chóng khắc phục sự cố.

Trong đêm 23/9, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng các đồng chí: Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Tỉnh ủy và lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, chỉ đạo và huy động tối đa mọi lực lượng, phương tiện để hộ đê, xử lý khắc phục sự cố.

100 cán bộ chiến sĩ được huy động đã phối hợp với các lực lượng tại chỗ và với Nhân dân xã Vĩnh An tập kết đất, cát, bao tải xử lý khẩn cấp sự cố. Đến khoảng 7h sáng 24/9, điểm đê trên đã cơ bản được xử lý, nước không còn thấm vào trong đê.

Thanh Tâm