Xã hội

Viết từ Làng Nủ

Ký của Nguyễn Dương Mộc Hương 24/09/2024 - 15:38

(TN&MT) - Có phải vì cái tên Làng Nủ đã u uẩn nỗi sầu mà sầu đau ủ cả trăm năm giờ mới vỡ. Có phải đau thương vượt quá vạch biên tưởng tượng mà làng của một tên riêng đã biến thành làng của một tên chung.

cover.jpg
Làng tạm cư ở thôn Làng Nủ vừa đưa vào sử dụng hôm 21/9 và câu chuyện "Viết từ Làng Nủ". Ảnh: Trần Văn - Trình bày: Tùng Quân

Làng Nủ của tôi, tôi chỉ gọi một tiếng “Làng” vì ngay lúc này đây, Làng không còn là tên riêng nữa. Những ngày này, trên đất nước tôi, ở đâu cũng vang lên thanh âm Làng Nủ, trong tiếng máy xúc máy ủi máy đào tìm người còn vùi sâu 3 tấc đất. Trong tiếng búa tiếng khoan tiếng đục tiếng đinh hối hả dựng nhà. Trong tiếng xe ngược xuôi chở hàng cứu trợ...

Trong tim ai cũng có một tiếng Làng.

co-3.png
Cờ đỏ sao vàng bay trên nóc nhà tạm cư của người dân Làng Nủ
keo-dien.jpg
Điện đã về khu tạm cư Làng Nủ

Làng ơi. Chúng tôi đã về đây.

Lẽ thường, trước chuyến đi đến một vùng đất chưa hề đặt chân, lòng tôi bao giờ cũng náo nức tìm kiếm vùng đất mới. Nhưng chuyến về Làng đã khác. Cảm xúc chinh phục không còn nữa. Lòng cứ ước ao giá như không có nguyên cớ để thực hiện chuyến đi này. Chợt thấy mình già đi trăm tuổi trước thiên tai.

Tôi già rồi núi ơi. Tôi già rồi nước ơi. Núi không nghe lời nguyện xin bình yên của tôi núi làm đá đổ. Nước không nghe tôi nước làm lũ quét. Tôi khóc trong nỗi bất lực trước Làng.

lnu-4.jpg
Bộ đội về Làng Nủ thần tốc cứu làng, cứu dân
tac-gia.jpg
Phút trầm tư của tác giả ở Làng Nủ sáng 21/9/2024

Đường về

Đường về Làng hôm nay xuôi ngược những chuyến xe. Từ miền Nam hối hả ra, từ miền Bắc vội vàng lên, từ Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu… sấp ngửa về, khắp nơi, khắp nơi, khắp nơi, khắp mọi miền đất nước.

Đường về Làng những ngày này dồn dập tiếng bước chân. Tôi nghe trong giọng nói của Tùng đã lạc đi vì xúc động. Tùng - người con của Lào Cai - người đồng hành với chúng tôi suốt chuyến trở về mấy ngày nay. Chúng tôi nhận ra nhau trong tần số thương yêu chung nên không cần phải nhiều lời.

Cũng từng nhiều lần đi qua các vòng xuyến, bùng binh, nhưng sao lần này qua vòng xuyến Phố Lu, tôi có cảm giác vòng tròn điều tiết giao thông vô tri ngày nào giờ trở nên có hồn khi chứng kiến những đoàn xe đều dán băng rôn “Hướng về Làng Nủ”. Tưởng chừng như vòng tròn khép kín kia đang dang cánh tay vạm vỡ, ôm trọn những chuyến trở về chở nặng yêu thương.

Xe chúng tôi đi qua cầu Phố Lu. Nước hôm nay đã rút, phân nửa chân cầu đã lộ, dòng nước không còn hung hãn mà hiền hòa giữa đôi bờ mướt cây xanh, lô nhô mái ngói. Bắt đầu vào địa phận Bảo Yên, dấu hiệu sạt lở hiện ra dày hơn. Tùng nói địa chất tầng nông ở đây nổi tiếng với hình thái đất ngồi, phong hóa, kết cấu yếu và rời rạc, dễ sinh sạt lở nhất là khi đất ngậm no nước. Đã xuất hiện thêm những vệt nứt hình thành trên núi, dấu hiệu cơn sạt trượt. Nhiều những vạt đồi sệ xuống như vạt vú người già. Càng dễ nhận thấy nguy cơ khi trên đường về, cứ cách một đoạn lại có biển hoặc cờ cảnh báo.

Quốc lộ 279 theo hướng vào Làng xe nối xe, chất đầy hàng cứu trợ. Dường như không ai có thể chịu đựng thêm một sự mất mát đớn đau nào nữa. Vậy nên ai cũng chờ sự điều tiết của lực lượng công an để đảm bảo mỗi người con về vùng sạt lở phải bình an.

Trên khu nhà các hộ dân khu 7 thị trấn Phố Ràng nơi chúng tôi đi qua, lũ đã rút nhưng ngấn lũ vẫn hằn in dấu vết trên những bức tường, dễ chừng trên 1 mét. Qua cổng kiểm soát an ninh là bắt vào đường lầy lội, những chiếc xe san gạt đang miệt mài làm việc để giải phóng nhu cầu đi lại cho người dân và các lực lượng chức năng. Càng về gần Làng, mật độ sạt trượt càng dày hơn. Từng tảng đất đá bong ra từ đồi, xô nhau rệ xuống, đỏ bầm như máu. Suối Nủ có lúc chạy song song, có lúc bất thình lình hiện ra trước mặt. Con suối ngày thường hiền hòa, quanh co uốn lượn, giờ nước đặc màu bùn, nước dâng mấp mé mặt đồng, hùng hục chảy trong nỗi sợ của dân làng. Người Làng đã mấy đêm rồi không dám ngủ. Có chợp mắt cũng không dám tắt điện. Chỉ một tiếng động mạnh hoặc một cơn mưa cũng thon thót giật mình.

“Sợ lắm, giờ cứ thấy nó chảy thế này là sợ, mấy ngày nay sợ lắm rồi”.

lnu-2.jpg
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân còn nằm dưới lòng đất, dưới lòng suối lạnh. Ảnh: Trường Trung cấp 24 Biên phòng
lnu-4.1.jpg
Phút lắng xuống của Bộ đội, của Dân quân tự vệ và đồng bào Làng Nủ khi phát hiện và tìm thấy nạn nhân ở Làng Nủ

Làng ơi

Làng ơi.

Có ai xẻ núi phá rừng đâu mà núi rừng bỗng dưng nổi giận, ngậm lũ phun người. Văn đi cùng tôi trong chuyến về Làng. Văn nói đã bay flycam lên phía thượng nguồn, nơi vết thương từ núi toác ra, để xem rừng có xanh không, có bàn tay nào tàn phá núi không. Tịnh không hề có dấu vết thô bạo nào với thiên nhiên cả. Một cơn thịnh nộ của thiên nhiên không bắt đầu từ oán thù vay trả. Không báo trước. Giáng xuống Làng. Người Làng tôi đêm ấy vẫn còn mơ giấc mơ mùa màng. Khi ngoài kia lúa đương sắp cúi đầu, chờ tay người gặt về sàng sẩy. Thóc nếp trong bồ còn nằm im chờ trăng tròn vành vạnh. Hôm ấy, chỉ còn 1 tuần nữa là tới Trung thu.

Sao lũ lại dừng trước vạt lúa vạt ngô kia mà không dừng trước những ngôi nhà và những đứa con... Hơn ba chục nóc nhà thơ mộng nép mình dưới chân núi Con Voi giờ chỉ còn là bình địa. Vẫn là suối Nủ nhưng đoạn suối ở nơi sạt lở đã bị xé thành nhiều mảnh nhỏ, chảy tơ tướp trong bất lực mơ hồ.

Khói hương Làng thắp lên quẩn trong gió không chịu về trời. Tôi về khi tiếng khóc đớn đau của Làng đã như bùn lầy gặp nắng gắt đông cứng lại, chôn vào lòng đất. Trên đống hoang tàn đổ nát, những trang vở học sinh lấm lem bùn đất vẫn cố lật lên trong gió như nhớ bàn tay nhỏ. Bên cạnh chiếc đèn ông sao đêm trung thu, bồ lúa nhà ai ngậm lũ đã bật lên chòm mạ, sự hoài thai không cho mùa màng mà chỉ là chứng tích của nỗi đau, của khát khao được sống trên mảnh đất đổ nát này. Sáng 22/9, lực lượng chức năng đã tìm thấy thêm một đứa con của Làng, là con anh Thới, cháu là đứa con trai út, là 1 trong 5 người thân của anh đã bị lũ cuốn đi.

Tôi đứng lặng trước lá cờ rủ ở nhà văn hóa thôn. Lá cờ được Trưởng thôn Hoàng Văn Diệp buộc lên. Có ai trong Làng không mất người thân đâu. Không ruột thịt cháu con cũng họ hàng xa ngái. Tôi không sinh ra từ Làng nhưng cũng cúi xin được gửi một góc trong lá cờ rủ ấy. Tôi nhìn thấy Văn, thấy Tùng, thấy Hợp, thấy Trâm, tôi nhìn thấy nhiều người cũng trầm ngâm đứng lặng. Không ai nói với ai một câu mà tự hiểu. Nỗi đau chung đã khiến những trái tim xích lại, nhiều bàn tay tự tìm đến bàn tay.

lnu-2.1.jpg
Tất cử cùng dốc sức vì Làng Nủ

Một mái nhà chung

Những người con trên khắp mọi miền đất nước đã về đây, đưa bàn tay ra cho người Làng tôi nắm để dìu nhau đứng dậy. Trong rất nhiều kỳ tích chạy đua tái thiết, Quỹ Thiện tâm của Vingroup đã thần tốc lập nên kỳ tích ở Làng.

Sầm Văn Bóng mở cánh cửa căn phòng ở Khu Tạm cư do Quỹ Thiện Tâm của Vingroup vừa thần tốc dựng nên mà vừa nói vừa run: “Họ bảo 7 ngày nhưng làm nhanh hơn, chỉ có 6 ngày thôi ạ. Họ làm nhanh như cái xe ô tô chạy như bay dưới phố. Giờ tôi có nhà rồi, tôi có tiền của các anh chị Quỹ Thiện Tâm cho tôi 200 triệu. Có lúc tôi đã nghĩ đến cái chết nhưng tôi không nghĩ thế nữa. Chị áo xanh kia bảo tôi phải sống để vợ con tôi ở nơi chín suối được yên lòng”.

lnu-3.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai chia sẻ với người dân Làng Nủ trong ngày về nơi tạm cư mới. Mừng mừng, tủi tủi trong nước mắt...
lnu-3.1.jpg
Người của Quỹ Thiện Tâm chuẩn bị những vật dụng để chuẩn bị mời người dân Làng Nủ bị mất nhà trong trận sạt lở kinh hoàng vào nơi ở mới

Chị áo xanh - theo tay Sầm Văn Bóng chỉ - chính là chị Hồng Vân - người của Quỹ Thiện Tâm. Tôi chứng kiến chị trao chiếc nồi cơm điện cho anh Hoàng Văn Voi, chị nói với anh Voi rằng bữa cơm của anh dẫu thiếu người thân nhưng hãy cố gắng lên, hãy thay vợ chăm sóc bản thân mình và con mình thật tốt. Chị Vân ơi, những lời của chị làm tôi rơi nước mắt. Người Làng tôi bảo của cho không bằng cách cho, 23 căn nhà tạm cư với đầy đủ vật dụng thiết yếu dùng trong gia đình dành cho những mảnh đời bất hạnh được Quỹ Thiện Tâm của các anh các chị dựng lên chỉ chưa đầy một tuần. Gói ghém trong đó sự chung chia nỗi đau, chung chia mất mát; gói ghém trong đó nghĩa đồng bào, tình dân tộc; gói ghém trong đó trách nhiệm, quyết tâm; gói cả văn hóa trao đi và tình cảm nhận về. Tất cả những gì các anh các chị đã làm trong mấy ngày vừa qua, đối với Làng tôi, với tôi, với tất cả những ai chứng kiến sự kiện Lễ Bàn giao nhà, đều phải thốt lên: Kỳ tích! Thần tốc! Chưa thấy ai làm nhà nhanh đến thế! Chưa thấy bao giờ làm nhà nhanh đến thế!

Tôi hỏi anh Đặng Văn Mạnh là Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bảo Yên. Anh Mạnh nói với tôi trong đời làm nghề, anh chưa từng bao giờ thực hiện một công trình nhà ở từ bắt đầu khởi công đến khi hoàn thiện chỉ trong vòng chưa đến 6 ngày. Anh Mạnh cũng nói thêm rằng, nhà tạm ở đây là nhà ở tạm cho đồng bào trong thời gian chờ Khu Tái định cư hoàn thiện chứ đừng hiểu là tạm bợ. Bởi từ kết cấu nền, khung cho đến toàn bộ vật liệu xây dựng nhà ở Khu Tạm cư đều đạt tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng cao, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Và như vậy, sau khi Khu Tái định cư hoàn thiện, đưa vào sử dụng, Khu Tạm cư sẽ tiếp tục được phát huy tác dụng, công năng. Trả lời phỏng vấn nhóm biên tập viên, phóng viên Báo TN&MT chúng tôi, Phó Chủ tịch huyện Bảo Yên Nguyễn Văn Nhất chia sẻ rằng, huyện đã định hướng cho Làng về dài lâu sẽ sử dụng khu nhà này làm khu tập thể cho giáo viên, là nơi sinh hoạt cộng đồng, nhà tránh lũ… Ngẫm câu “Đêm nằm năm ở”, hẳn rồi đây, tôi mong Làng sẽ gìn giữ Khu Tạm cư như “Khu nhà kỷ niệm”, cũng là để ghi nhớ thời khắc đau đớn hoang mang nhất, những con người Thiện Tâm đã ở bên, tiếp sức cho Làng.

Một lá cờ Tổ quốc đã gắn lên đỉnh cột cờ ngay ngày đầu tiên ở Khu Tạm cư. Thay cho thông điệp xác tín Tổ quốc là tình yêu lớn quy tụ triệu triệu tình yêu nhỏ. Triệu mái nhà riêng chụm đầu trong mái nhà chung. Thiêng liêng và xúc động biết bao khi bắt gặp hình ảnh lá cờ Tổ quốc trong khoảnh khắc ý nghĩa này. Cờ đỏ sao vàng thắp lên hy vọng, thắp lên tình yêu Tổ quốc, thắp lên niềm tự hào dân tộc. Không khó để hiểu vì sao người Việt Nam thường nói: “Kiếp sau nếu có là ngọn cỏ cũng xin được mọc trên đất nước Việt Nam”.

ngay-moi-o-lang-nu.jpg
Làng tạm cư trong mơ hiện ra chỉ sau 7 ngày thần tốc xây dựng - "chỉ có thể là Vin", nhiều người nghĩ thế. Và tác giả bài báo này cũng nghĩ thế

“Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”

Có lẽ hiếm có quốc gia nào, người dân yêu cờ Tổ quốc như ở Việt Nam. Càng hiếm dân tộc nào mà tục ngữ ca dao “Thương người như thể thương thân” trở thành lẽ sống. Cũng rất hiếm quốc gia tuyên ngôn “Chính phủ Vì Dân”, “Dân là Gốc”. Càng không có bất cứ quốc gia nào mà Quân đội lại được vinh dự gắn liền với hai chữ Nhân dân. Quân đội ta, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, hy sinh, phục vụ. Những ngày dõi theo các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, cứu trợ, khắc phục bão lũ, khôi phục, tái thiết cuộc sống của Làng và các vùng thiên tai trên đất nước, thêm một lần trong tôi, trong bạn, trong mỗi người Việt Nam sáng lên chân lý bất diệt này.

Tôi nghĩ nhiều về câu nói của Giang, người chưa một lần biết nói mỹ từ, chưa từng một lần cất lên nửa câu hát. Nhưng trước khi tôi đi về Làng tôi - vùng lũ, Giang nói “Đã từng nhiều lần nghe bài hát “Đất nước” của Phạm Minh Tuấn nhưng đặt vào những hoàn cảnh như thế này, em thấy bài hát ấy thật hay. Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, Nghe dịu nỗi đau của mẹ... Đất nước tôi,… sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa… Hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói. Ta bạn vẹn tình đắng ngọt cùng vui…”.

Tôi nghĩ về những đận bão lũ lịch sử quét qua nhiều vùng miền trên đất nước tôi, cũng như Giang, trong lòng tôi những ngày này cứ lật đi lật lại những vần thơ ám ảnh của nhà thơ Lưu Quang Vũ:

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi

Gió rừng cao xạc xào lá đổ

Gió mù mịt những con đường bụi đỏ

Những dòng sông ào ạt cánh buồm căng

Chớm heo may trên những ngọn cau vàng

Nồm nam thổi, khắp đồng bông gạo trắng

Người xa cách vẫn chung trời gió lộng

Thương vệt bùn trên áo gió khô se.

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi

Chưa xóm mạc đã bắt đầu ngọn gió

Thổi không yên suốt dọc dài lịch sử

Qua đất đai và đời sống con người.

Gió gieo tung những hạt giống trên tay

Giọt nước mắt mau khô, tiếng gọi đò vọng mãi

Vầng trán với bể khơi chung gió ấy

Ở nơi đâu cũng tới được chân trời.

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi

Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục

Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh

Những mối tình trong gió bão tìm nhau.

Vậy đó, đất nước bốn nghìn năm, đi qua chiến tranh, đói nghèo, bão lũ, đi qua mất mát khổ đau, những đứa con mang dòng máu Lạc Hồng ai cũng mong mình được trở thành ngọn gió “Để được ôm trọn vẹn nước non này/ Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá/ Để mát rượi những mái nhà nắng lửa/ Để luôn luôn được trở lại với đời/ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi!”...

Làng Nủ 22/9/2024.

Ký của Nguyễn Dương Mộc Hương