Bạn đọc - Pháp luật

Hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản: Doanh nghiệp “chây ì” đến bao giờ? Bài 5: Chuyên gia hiến kế tăng cường hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản

Nhóm PV 24/09/2024 14:12

Theo quy định, sau khi hoàn thành, hết hạn khai thác khoáng sản, doanh nghiệp phải tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường bằng cách hoàn nguyên để đưa mỏ trở lại trạng thái an toàn. Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng công tác hoàn nguyên môi trường thời gian qua vẫn tồn tại một số bất cập, cần giải pháp tháo gỡ.

Xoay quanh nội dung này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với TS. Đỗ Thanh Bái - Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện của các doanh nghiệp Hóa chất Việt Nam (VRCC), nguyên Giám đốc Trung tâm An toàn và Môi trường hóa chất, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công thương), người từng tham gia dự án Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng, năm 2014.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản ở nước ta?

a1-a-bai.jpg
TS. Đỗ Thanh Bái - Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện của các doanh nghiệp Hóa chất Việt Nam (VRCC).

TS. Đỗ Thanh Bái:

Hai năm sau khi Luật Khoáng sản 2010 ra đời, năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản (Nghị định 15), trong đó có quy định về phục hồi môi trường với hoạt động khai thác mỏ, kể cả về cơ chế pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật khá chi tiết, đánh giá thiệt hại và tính chi phí phục hồi môi trường và các văn bản pháp lý này trên thực tế đã được triển khai và có những kết quả nhất định ở nhiều địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản.

Về mặt pháp lý, Nghị định đã quy định rất rõ ai là người phải thực hiện công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản và làm gì, làm như thế nào, đồng thời trong Nghị định cũng đã quy định về vai trò của các cơ quan nhà nước khác nhau cũng như các chủ thể liên quan đến khai thác và hoàn thổ sau khai thác, đặc biệt trong đó đã bao gồm các chủ mỏ.

a2-hoan-nguyen.jpg
Nhiều mỏ khai thác khoáng sản đã được doanh nghiệp hoàn nguyên môi trường và bàn giao lại cho địa phương quản lý

Sau khi có Nghị định, Bộ TN&MT và Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản (nay là Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam) đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giới thiệu và hướng dẫn thi hành các quy định cũng như góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan, đặc biệt của các chủ mỏ về trách nhiệm và nội dung của hoàn thổ. Theo đó, hầu hết các cơ sở mỏ, đặc biệt cơ sở mỏ quan trọng, lớn, các chủ mỏ đã nhận thức được trách nhiệm và tuân thủ các hướng dẫn theo Nghị định.

Các hướng dẫn này tương đối cụ thể, ví dụ như chủ mỏ phải chi những mục nào, tính tiền ra sao, định mức như thế nào, nên kết quả đạt được cũng tương đối tốt. Kết quả là dòng tài chính gửi về cho các ngân hàng để giữ tiền của chủ mỏ, nếu sau này chủ mỏ không làm công tác hoàn nguyên thì số tiền này coi như bị tịch thu. Nếu chủ mỏ thực hiện phương án hoàn thổ thì ngân hàng sẽ trả lại cho chủ mỏ số tiền này.

cai-tao-moi-truong-na-ri-xa-luong-thuong.jpg
Người dân huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn nhận khoán thầu diện tích đất ao hồ được đơn vị khai thác vàng trước đây để nuôi trồng thủy sản

Về mặt thực tiễn, công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản cũng thu được kết quả nhất định, các ngân hàng thu được lượng tiền nhất định. Tại nhiều khai trường sau khi hết hạn, đóng cửa mỏ, nhất là những khai trường lớn và lộ thiên, các chủ mỏ đã phối hợp với các bên liên quan hoàn thổ có kết quả tốt.

PV: Bên cạnh những kết quả trên, công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản còn gặp phải những bất cập gì, xin ông cho biết?

TS. Đỗ Thanh Bái:

Hạn chế lớn nhất sau 10 năm thực hiện Nghị định 15 chính là sự khác biệt đáng kể kết quả mong đợi theo lý thuyết tính toán thiệt hại và thực tế tiền mà các chủ mỏ đóng vào ngân hàng với mục tiêu là dùng nó để phục hồi lại môi trường sau khai thác. Sự khác biệt này xuất phát cơ bản ở chỗ sự thiệt hại thực tế về môi trường tại khu vực khai thác khác rất nhiều (thường là lớn hơn) so với đề cương hoạt động hoàn thổ mà chủ mỏ xây dựng và đã được phê duyệt bởi các cơ quan quản lý liên quan.

Vấn đề ở chỗ người xây dựng đề cương kế hoạch hoàn thổ chưa nhận diện đầy đủ các thiệt hại về môi trường và xã hội, và được tính toán một cách máy móc theo các công thức từ các tài liệu, cho nên dẫn đến hậu quả là không xác định được cụ thể hoạt động gì (đào đắp bao nhiêu đất, nuôi ươm bao nhiêu cây hay con động vật, thực vật bản địa để đảm bảo tính nguyên trạng của hệ sinh thái…), từ đó không xác định được thực tế phải mất bao nhiêu tiền theo thời giá thay đổi từ thị trường, mặc dù đều đã có những hướng dẫn của các văn bản pháp luật (Thông tư, Nghị định) nhưng khá là chung chung.

anh-box-1.jpg
Nhiều người dân vẫn bất an bên cạnh điểm mỏ khai thác khoáng sản

Chưa kể đến việc nếu chủ mỏ chưa nhận thức hết trách nhiệm với xã hội và môi trường của mình trong hoạt động hoàn thổ mà chỉ dừng ở việc đóng quỹ hoàn thổ theo một số quy định nào đó để được chứng tỏ mình tuân thủ pháp luật, thì các kết quả tính toán dòng tiền phải nộp vào ngân hàng càng ít càng tốt cho công ty. Từ đó dẫn đến thất thu lớn cho Nhà nước.

Các tác động đến môi trường và xã hội từ các dự án khai thác mỏ thông thường được lấy ra từ kết quả báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nếu báo cáo không có chất lượng cao thì rõ ràng Hội đồng thẩm định và những người nộp tiền vào sẽ không nhìn thấy được vấn đề và có thể hoạt động của họ sẽ gây tác động đến môi trường.

Trên thực tế có hai loại tác động: Tác động dễ nhìn thấy và đo đếm được, nhưng có những tác động không phải lúc nào cũng nhìn thấy và tính toán được. Các tác hại về số lượng thảm thực vật sẽ bị mất đi có thể thấy được, số lượng đất đá bị mất cũng có thể xác định được. Nhưng tác động ẩn không thể nhận biết được, ví dụ như tác động do ô nhiễm nước, do bụi, hay các hoạt động khác trong quá trình khai thác sẽ là những đại lượng thay đổi theo thời gian, theo cường độ hoạt động khai thác hay phương thức quản lý các dòng thải nói riêng và kiểm soát ô nhiễm nói chung tại khai trường.

Ngoài ra, còn một loạt tác động vô cùng quan trọng, đó là tác động với con người. Ai cũng phải thừa nhận rằng tài nguyên khoáng sản nằm trong lòng đất là tài sản của Quốc gia, của nhân dân và đặc biệt là của những người dân địa phương sống ở ngay trên đất có mỏ. Nếu như một người nào đó có tiền, được cấp quyền khai thác mỏ (chủ mỏ) thì họ sẽ đến khai thác và người dân bản địa lại phải dời đi chỗ khác.

cty-vigaraca.jpg
Tài nguyên đem đi làm giàu cho doanh nghiệp, trong khi đó doanh nghiệp đã để lại nhiều ao hồ (chưa kể nhiều mỏ doanh nghiệp "chây ì" đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường...) cho địa phương quản lý

Tuy nhiên trong một số trường hợp, một số chủ mỏ có thể sẽ cung cấp một số điều kiện sống để người dân tiếp tục sống ở chính khu vực dự án với một số điều kiện nào đó, hoặc phải di dời đi chỗ khác. Đấy chính là các tác động xã hội mà ĐTM chưa định lượng được. Điều đó cũng có thể do kỹ thuật thực hiện ĐTM chưa tốt, hoặc cũng có thể do nhận thức của chủ mỏ chưa đầy đủ.

z5819555216578_4a46dae3b44a3109b087842d35f40a1c.jpg
Chính quyền địa phương bất lực chỉ biết cắm biển cảnh báo cho người dân

PV: Trước những bất cập trên, ông có hiến kế gì, thưa ông?

TS. Đỗ Thanh Bái:

Hiện nay, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có quy định về phân cấp, phân quyền cho địa phương rất phù hợp, bởi vì nếu tất cả đưa về trung ương thì sẽ khó khả thi.

Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương chỉ có thể làm tốt khi không triển khai một cách máy móc, quan hệ giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới phải dựa trên cơ sở khoa học và bình đẳng. Muốn làm được như vậy, phải tăng cường năng lực cho các cơ quan ở các cấp, không chỉ Trung ương mà cả ở địa phương - ở tỉnh và cả huyện. Trong đó, công tác đào tạo cho người dân tại khu vực có hoạt động khai thác mỏ là rất quan trọng.

anh-bia-bai-5.jpg

Đồng thời, Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia lân cận như Philippines, Indonesia… nơi người dân tích cực và chủ động tham gia các hoạt động đấu tranh với các chủ mỏ, chính quyền địa phương để bảo vệ tài sản - mảnh đất của chính họ.

Ngoài ra, cũng cần tăng cường đối thoại trong quá trình xây dựng luật và các văn bản quy phạm pháp luật, tránh hình thức. Cụ thể, cần đối thoại giữa cơ quan nhà nước với người dân chịu tác động, với những chuyên gia và những người chuyên quản lý tài chính về lĩnh vực này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

anh-tac-gia.jpg

Nhóm PV