Thế giới

An ninh lương thực và BĐKH: Đâu là mối quan tâm của người Đông Nam Á?

Mai Đan 23/09/2024 - 11:28

(TN&MT) - Mặc dù số người thương vong do thời tiết khắc nghiệt tăng, nhưng báo cáo về Khảo sát triển vọng khí hậu Đông Nam Á mới nhất của Viện ISEAS - Yusof Ishak (Singapore) cho thấy, nhiều người trong khu vực quan tâm đến các vấn đề thiết yếu như an ninh lương thực, hơn là biến đổi khí hậu.

Đây là lần thứ 5 cuộc khảo sát được thực hiện kể từ năm 2020, và đã thăm dò ý kiến trực tuyến của gần 3.000 người ở tất cả 10 quốc gia thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo báo cáo, tỷ lệ những người coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng và cấp bách đã giảm xuống còn 42,5% trong năm 2024. Con số này đã giảm so với mức 49,4% vào năm 2023, 45,8% vào năm 2022 và 72,2% vào năm 2021.

18_9_2024_flooding.jpg
Siêu bão Yagi đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, khi quét qua các tỉnh phía Bắc Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar

Điều này có vẻ trái ngược, khi năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu, và năm 2024 cũng đang diễn biến cực đoan như vậy, với các trận lũ, bão và sóng nhiệt nghiêm trọng xảy ra ở khu vực trong năm nay. Mới đây nhất, đầu tháng này, siêu bão Yagi đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, khi quét qua các tỉnh phía Bắc Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar, gây thiệt hại nặng nề, phá hủy mùa màng và sinh kế.

Mối lo ngại chính

Cuộc khảo sát cho thấy, gần 70% số người được hỏi đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực, so với 60% vào năm 2023. Trong số đó, 42,5% nhận định tình trạng mất an ninh lương thực là do giá lương thực tăng, trong khi 28,8% cho rằng đó là do biến đổi khí hậu.

Theo bà Sharon Seah, tác giả chính của cuộc khảo sát, điều phối viên của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN và Chương trình Biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á tại Viện ISEAS - Yusof Ishak, mặc dù các đợt sóng nhiệt kỷ lục, lũ lụt và bão xảy ra ở phần lớn khu vực Đông Nam Á vào năm 2024, nhưng nhiều người trong khu vực tập trung vào những mối quan tâm thiết yếu “cơm áo gạo tiền” hơn là biến đổi khí hậu.

“Kể từ năm 2022, khu vực Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng bởi các sự kiện địa chính trị từ cuộc xung đột tại Ukraine, cuộc xung đột Israel - Gaza... Điều này đồng nghĩa với áp lực lạm phát cao hơn, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá năng lượng, lương thực và phân bón cao hơn, cũng như tình trạng mất an ninh việc làm”, bà Sharon Seah phân tích.

Theo đó, mối lo ngại về khí hậu ở mức độ rất cao vào năm 2021 có thể đã nhường chỗ cho những bận tâm chính của khu vực này với các vấn đề thiết yếu, mặc dù biến đổi khí hậu xảy ra và có tác động ngay lập tức đến họ.

36g69v4-preview_w.jpg
Người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt đang chờ thuyền cứu hộ đến đón họ ở Taungoo, vùng Bago của Myanmar. Ảnh: AFP

Cũng nhận định về vấn đề này, ông Choi Shing Kwok, Giám đốc Điều hành của Viện ISEAS - Yusof Ishak cho biết, khi biến đổi khí hậu đã trở thành mối đe dọa ngày càng tăng đối với khu vực, có nguy cơ mọi người đang bỏ qua tính cấp bách của vấn đề. “Tại Đông Nam Á, nơi được cho là tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng ta không được phớt lờ mối đe dọa này”, ông nhấn mạnh.

Vẫn còn những mối bận tâm xoay quanh biến đổi khí hậu

Mặc dù mối lo ngại về biến đổi khí hậu có thể được thay thế bằng vấn đề về an ninh lương thực nhưng có một số tin tốt khi tỷ lệ những người coi “biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng cần được theo dõi” đã tăng lên 47% vào năm 2024, so với mức 25,7% trong năm 2021 và 41,9% vào năm 2023.

Gần 60% người dân ở Đông Nam Á cho rằng, cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu trong 10 năm tới, tăng từ 55,7% vào năm 2023. Đồng thời, 73,5% người dân rất lo ngại hoặc có phần lo ngại về một thế giới nóng lên sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sẵn có và khả năng chi trả cho thực phẩm trong 3 năm tới.

Bên cạnh đó, hơn 50% số người trả lời khảo sát cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của họ. Những người trả lời từ Philippines (71,5%), Việt Nam (61,4%) và Thái Lan (55,8%) cho thấy mối quan tâm lớn nhất.

Ngoài ra, lũ lụt (70,3%), sóng nhiệt (51,8%) và lở đất do mưa lớn (49,8%) là 3 tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu đối với trải nghiệm khí hậu thực tế của người dân trong khu vực Đông Nam Á vào năm nay.

Trong khi đó, khoảng 2/3 số người được khảo sát cho rằng hạn hán kéo dài và sóng nhiệt (68,6%) là những tác động chính của khí hậu ảnh hưởng đến sự sẵn có của thực phẩm, sau đó là lũ lụt (62,4%). Điều này phản ánh hiện tượng El Nino trong giai đoạn 2023 - 2024 gây ra hạn hán và nhiệt độ gia tăng.

Cùng với đó, những người trả lời cho rằng, trên khắp ASEAN, năng lượng mặt trời (69%), thủy điện (41,8%) và năng lượng gió (31,8%) tiếp tục là 3 nguồn năng lượng sạch hàng đầu có tiềm năng lớn nhất, con số này tương đương với năm 2023.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, người dân trong khu vực ngày càng dựa vào phương tiện truyền thông xã hội, các ứng dụng nhắn tin và các trang web chuyên về khí hậu để biết thông tin về biến đổi khí hậu. Trong đó, tin tức chính thống tiếp tục là nguồn phổ biến nhất với 36%, sau đó là phương tiện truyền thông xã hội, và những người có ảnh hưởng trực tuyến hoặc những người của công chúng chiếm 28,7%, và các kênh ứng dụng nhắn tin như WhatsApp, Telegram và Signal chiếm 13,4%.

Mai Đan