Xã hội

E-magazine: Chạy đua với lũ dữ

Khánh Ly 21/09/2024 - 15:23

(TN&MT) - Tốc độ nước sông lên tính bằng mét mỗi giờ, mắt thường có thể thấy mực nước dâng; vừa kịp đo số liệu “ốp” này đã chuẩn bị đo “ốp” khác, liên tục một ngày 48 lần, lúc nước dâng là lúc phải bơi thuyền ra giữa dòng đo nước lũ… Đó là những gì mà những người làm khí tượng thủy văn Tuyên Quang trải qua, “nghẹt thở” chạy đua với lũ dữ để có được số liệu gửi về phục vụ dự báo trong đợt bão số 3 vừa qua.

bia-lu-khanh-ly-.png

(TN&MT) - Tốc độ nước sông lên tính bằng mét mỗi giờ, mắt thường có thể thấy mực nước dâng; vừa kịp đo số liệu “ốp” này đã chuẩn bị đo “ốp” khác, liên tục một ngày 48 lần, lúc nước dâng là lúc phải bơi thuyền ra giữa dòng đo nước lũ… Đó là những gì mà những người làm khí tượng thủy văn Tuyên Quang trải qua, “nghẹt thở” chạy đua với lũ dữ để có được số liệu gửi về phục vụ dự báo trong đợt bão số 3 vừa qua.

untitled(1).png

“Không ai nghĩ nước lũ lên nhanh như vậy!” Câu cảm thán được nghe nhiều nhất từ người dân Tuyên Quang trong mỗi câu chuyện về đợt lũ vừa qua. Ai cũng bàng hoàng, kể cả những người lớn tuổi, vốn tự tin với kinh nghiệm chạy lũ hằng năm trước đây cũng trở tay không kịp.

Chị Vũ Thị Thu - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang vẫn chưa hết thảng thốt bởi sau 23 năm, Tuyên Quang mới xảy ra 1 đợt mưa lũ đặc biệt lớn gây ngập lụt nghiêm trọng đến như vậy.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão và vùng thấp suy yếu từ bão số 3, sau là dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ nên từ ngày 7 - 11/9 các khu vực trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa lớn diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 150 - 250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Lũ lên cao rất nhanh bởi ngoài mưa lớn còn tiếp nhận nước từ hồ thủy điện Tuyên Quang xả lũ 8 cửa xả đáy với tổng lưu lượng xả lớn nhất xuống hạ du là 5.640m3/s.

Từ chiều tối ngày 8/9 đến ngày 11/9, trên hệ thống sông Lô - Gâm ở Tuyên Quang xảy ra 1 đợt lũ đặc biệt lớn với biên độ (từ mức nước thấp nhất lên đến đỉnh lũ) rất lớn, từ 9 đến 15m.

Số liệu quan trắc cho thấy, lũ lên rất nhanh trong khoảng thời gian từ 2h sáng ngày 9/9 đến 10h sáng ngày 10/9. Cường suất lũ lên trên các sông dao động từ 20 - 130 cm mỗi giờ.

Lũ trên lưu vực sông Lô, sông Gâm tại các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và TP. Tuyên Quang đều nhanh chóng từ dưới báo động 1 đạt mốc báo động 3 - cấp độ cực kỳ nguy hiểm), vượt qua cả báo động 3 từ 1,7 - 5,9m.

Đặc biệt, từ 6h sáng đến 17h chiều ngày 9/9, mực nước tại huyện Na Hang tăng từ 50 - 130cm/giờ. Lũ nhanh chóng gây ngập nặng cho khu vực dân cư thị trấn Na Hang, nơi gần thủy điện Tuyên Quang nhất.

Năm nay, lần đầu tiên hồ thuỷ điện Tuyên Quang mở hoàn toàn 8 cửa xả đáy, kết hợp thủy điện Hòa Bình và thủy điện Thác Bà đều mở cửa xả, đã khiến lũ lên vừa nhanh vừa mạnh. Đỉnh lũ tại TP. Tuyên Quang là 27,73m, đứng thứ 5 trong các đợt lũ lớn lịch sử từng ghi nhận, nhưng biên độ lũ trong cả đợt và cường suất lũ lên mỗi giờ lớn hơn rất nhiều. Trước kia, lũ tự nhiên lên từ từ và tốc độ dòng chảy cũng nhỏ hơn.

Chị Vũ Thị Thu - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang

Ngay cả chính với các cán bộ thủy văn làm nhiệm vụ đo đạc mực nước lên, xuống hàng giờ cũng cảm thấy bất ngờ. Họ tiếp cận đầu tiên với cơn lũ dữ và ngay lập tức phát hiện sự bất thường qua các số liệu quan trắc được.

d3762de582fb24a57dea.jpg
Chị Đỗ Thị Ngọc, Trạm trưởng Trạm Thủy văn thành phố Tuyên Quang chỉ vị trí nước dâng cao nhất

Chị Đỗ Thị Ngọc, Trạm trưởng Trạm Thủy văn thành phố Tuyên Quang nhớ lại: 7h sáng ngày 8/9, mực nước sông Lô qua thành phố vẫn còn ở mức kiệt 14,50m. Chỉ 1 ngày sau, 7 giờ sáng ngày 9/9, chúng tôi đã đo được mức 20,15m, tức là tăng tới 5,7m trong 24 giờ.

Đến đầu giờ chiều ngày 9/9, lũ ở mức báo động 1 (22,15m) thì sang ngày hôm sau 10/9, lũ đã đạt đến mốc báo động 3 (26m) và mực nước vẫn tiếp tục tăng. Trạm lập tức chuyển chế độ quan trắc 30 phút/lần, kéo dài đến ngày 12/9 - khi lũ đã rút xuống dưới báo động 3.

Tại Trạm thủy văn Ghềnh Gà, thời điểm mực nước tăng nhanh nhất khoảng từ đêm mùng 8 đến mùng 10/9, với mức nước dâng lên 11,7m so với mực nước trước đó. Vị trí trạm nằm dưới ngã ba sông, đón nước từ nhánh sông Lô và nhánh sông Gâm. Mực nước tại đây biến đổi nhanh và chịu ảnh hưởng cộng hưởng từ cả hai nguồn cung cấp nước.

Ông Đào Quang Hạnh, Trạm trưởng Trạm thủy văn Ghềnh Gà vẫn còn nhớ như in thời điểm đó. Để phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai của tỉnh, trạm thực hiện quan trắc 30 phút/lần trong những ngày lũ cao điểm 9 - 11/9, tức 48 lần/ngày.

Hai đêm liền, cả 4 cán bộ trạm đều thức trắng canh lũ bởi thời gian rất cấp bách. Nước dâng nhanh khoảng 20 - 30cm/giờ, có lúc lên tới 60cm/giờ.

Ông Đào Quang Hạnh, Trạm trưởng Trạm thủy văn Ghềnh Gà chỉ rõ mực nước dâng rất nhanh trong khoảng thời gian lũ cao điểm
untitled-2.png

Chị Đinh Ngọc Thủy, cán bộ quan trắc trạm Ghềnh Gà nhớ lại, đêm ngày 10/9, 4 người thay phiên nhau trực lũ. Dù có giục nhau nghỉ tạm để giữ sức nhưng thực sự, chúng tôi không ai chợp mắt nổi vì lo lắng. Trong lúc chập chờn, tiếng nước đập ầm ầm, tiếng gió rít vù vù, tiếng cây vặn mình răng rắc cứ vang bên tai.

img_9869.jpg
Chị Đinh Ngọc Thủy, cán bộ quan trắc trạm thủy văn Ghềnh Gà chỉ vị trí sạt lở ven sông, ngay cạnh tuyến đo mực nước

Rồi, “ầm!” một tiếng, tất cả chạy ra xem thì thấy khoảnh đất rìa sông đã lở trôi theo dòng nước, lộ ra trơ trọi những bậc thang đầu tuyến đo mực nước. Thế là 30 phút một lần đi đo nước, ngoài việc mặc áo phao cẩn thận, chúng tôi còn phải đi ít nhất 2 người, vì “sợ trượt chân rơi xuống sông sẽ không lên nổi”.

Đo mực nước là vậy, còn công tác quan trắc nhiệt độ nước, lưu lượng nước, đo mẫu phù sa, lấy mẫu môi trường nước sông... phải lên thuyền đi từ bờ bên này sang bờ bên kia sông. Mũi thuyền được giữ lại bằng sợi cáp dài, nối với cáp chính được mắc ngang sông để kéo thuyền di chuyển dần sang theo đúng mặt cắt sông.

Có nhìn chiếc thuyền mới thấy, ngày nắng còn đỡ, đến ngày mưa to sóng dữ thì không khác nào chiếc lá treo trên sợi chỉ giữa mênh mông biển nước. Ấy vậy mà đều đặn hàng ngày, các cán bộ thủy văn vẫn nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ quan trắc, bất kể lũ lớn thế nào.

bia-1200-x-800-px-1-.png
bia-1200-x-800-px-.png

Trên chiếc thuyền nhỏ, mưa to gió mạnh là một chuyện. Nước sông khi lũ lên cuồn cuộn, dữ dội, lao đến như muốn cuốn phăng cả thuyền và người theo dòng nước. Lũ làm cả thuyền và người đều chao đảo, ngả nghiêng. Nhưng đó còn chưa phải là lúc nguy hiểm nhất. Mà nguy hiểm nhất là bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện những “vật lạ” theo dòng lũ xô thẳng về thuyền: Đó là cả một bụi tre to bị sạt từ bờ nào đó, là một cây lớn, hay thậm chí có thể là cả một nhà bè đứt dây chằng buộc mà trôi sông. Cả chiếc thuyền và những người quan trắc thủy văn ở trên đó chỉ trông chờ vào sợi cáp neo thuyền mà so với các vật thể lạ đó thì quá mỏng manh. Những lúc ấy, ngoài việc phải đo đạc quan trắc còn phải hết sức chú ý quan sát, để tránh những vật lạ đâm vào thuyển.

Lũ lớn không ai muốn ra bờ sông chứ không nói tới thả thuyền đi ngang qua sông, còn người thủy văn sẵn sàng lao mình vào dòng lũ, bởi số liệu đo đạc quan trắc được truyền đi là căn cứ để tính toán dự báo ban hành các bản tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

Trưởng trạm Đào Quang Hạnh, quan trắc viên Đinh Ngọc Thủy, Trần Văn Thành đều đã có ít nhất 30 năm kinh nghiệm theo nghề khí tượng thủy văn. Người trẻ nhất là Hoàng Minh Quyết cũng đã vào trạm 9 năm. Cả 4 người đều phải công nhận, trận lũ vừa qua là kinh khủng nhất từ khi vào nghề đến nay.

bia-1200-x-800-px-3-.png
Nhật ký quan trắc tại Trạm Thủy văn Ghềnh Gà vào những ngày lũ dữ

“Không biết nói thế nào được hết. Yêu ngành, yêu nghề thì theo thôi” – Trạm trưởng Đào Quang Hạnh cười lớn sau khi kể về những trải nghiệm còn nóng hổi. Cơn lũ năm nay như thử thách tình yêu nghề của người làm thủy văn. Bởi đứng trước sự sống và cái chết, ai mà không chùn chân cho được, dù là những người lão luyện tưởng chừng đã hứng đủ sóng, gió. Nhưng vượt lên trên nghịch cảnh, vượt qua cơn lũ dữ vẫn là tình yêu nghề của những người đếm gió đo mưa.

2(1).png

Hơn một tuần từ khi bão đổ bộ vào Việt Nam, tất cả cán bộ KTTV của Tuyên Quang ăn ngủ tại trạm theo quy định của ngành, sẵn sàng trực chiến quan trắc 1 tiếng/lần, sau tăng cường lên 30 phút/lần. Mệt mỏi là thế, mỗi lần ra sông, đi đo mưa đo nước lại ướt một bộ quần áo, sống trong cảnh không điện, không nước nhiều ngày liên tục, thiếu thốn đủ bề. Họ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chuyển đủ số liệu về Đài tỉnh phục vụ công tác dự báo, cảnh báo lũ.

May có người dân xung quanh liên tục hỗ trợ, trạm mới có ít điện, nước để duy trì công tác báo cáo và sinh hoạt. Mấy chục năm trạm đặt tại đây, mình như người nhà rồi, có thông tin lũ lại báo để họ chủ động ứng phó. Rồi có quà cứu trợ thì bác trưởng thôn cũng đem cho. Nhà cửa thì phó mặc cho vợ, chồng, con cái ở nhà thôi. Khi nguy cấp cũng không trông chờ được vì đặc thù công việc mình vậy rồi - Trạm trưởng Đào Quang Hạnh chia sẻ.

0dd14ddae5c4439a1ad523.jpg
Trưởng trạm Đào Quang Hạnh, quan trắc viên Trần Văn Thành, Đinh Ngọc Thủy cười như bất đắc dĩ khi được hỏi về việc thu xếp nhà cửa trước khi trực bão lũ 24/24 tại trạm.

"Nhà cửa thì phó mặc cho vợ, chồng, con cái ở nhà thôi. Khi nguy cấp cũng không trông chờ được vì đặc thù công việc mình vậy rồi."

Vài lời vắn tắt lạc quan như vậy nhưng cũng phần nào thể hiện sự cảm thông của gia đình với cán bộ thủy văn vì sự vất vả, gian nan mỗi mùa lũ dữ. Nhất là năm nay, lũ thủy điện lên nhanh mà rút cũng nhanh. Lúc nào cũng phải chú tâm làm việc. Lũ lên thì phải canh chừng thuyền, nước dâng đến đâu phải kéo thuyền quan trắc vào theo đến đó, tránh đứt neo mà trôi mất, không có phương tiện quan trắc. Đến khi lũ rút lại chạy theo đẩy thuyền ra tránh mắc cạn. Nhiều lúc thuyền mắc vào cây to, 4 người đẩy không ra lại phải nhờ người dân xung quanh hỗ trợ.

xuc-phu-sa-khoi-tuyen-bac-1.jpg
Cán bộ trạm thủy văn dội rửa tuyến bậc bị phù sa lấp kín

Nước rút nhanh cũng nguy hiểm. Điểm sạt ở tuyến bậc quan trắc đã lở trong lũ nay tiếp tục lở mảng lớn hơn, tưởng chừng như sắp lở mất cả tuyến bậc đến nơi. Lỡ mà như vậy thì sẽ không thể xuống đo mực nước ở đây được nữa. Nước lên đem theo phù sa, nước xuống thì phù sa cũng phủ kín bậc. Vì vậy, nước xuống đến đâu, các anh chị em quan trắc viên lại phải huy động nhau, đào tuyến nơi phù sa bồi lấp, dội nước rửa bậc liên tục. Vậy là với cán bộ trạm, tuy lũ đã xuống nhưng vẫn chưa thể nghỉ ngơi, mới chỉ gọi là đỡ căng thẳng hơn những ngày cao điểm.

Chị Đỗ Thị Ngọc, Trạm trưởng Trạm Thủy văn thành phố Tuyên Quang mắt đỏ hoe khi nhớ lại thời điểm khi lũ bắt đầu rút đi, chị và quan trắc viên Trần Thị Nga - cán bộ của trạm cùng chạy đua với nước rút, quét bùn sình ra khỏi nhà trạm và tuyến đo.

Canh lũ lên rồi lại canh lũ xuống, vừa lo chuyển đồ đạc giấy tờ, vừa báo cáo mực nước, vừa trả lời điện thoại từ không biết bao người, bao nơi gọi tới hỏi tình hình. Những lúc ấy, chị Đỗ Thị Ngọc, Trạm trưởng Trạm Thủy văn thành phố Tuyên Quang tự động viên mình và sau này kể lại thì nói vui với mọi người là “lần đầu biết cảm giác của người cầm đường dây nóng”.

b5fc76ecdef278ac21e322(1).jpg
Chiếc bàn làm việc tại Trạm thủy văn TP Tuyên Quang đã bị sập do ngâm trong nước lũ. Lũ lên đến đâu, tường nhà bong tróc đến đó

Lũ rút, chị tranh thủ ghé về nhà được một chút thì cảm giác mệt mỏi, bất lực lại lần nữa ùa đến. Căn nhà tan hoang, phủ đầy bùn, mà không biết nên bắt đầu dọn từ đâu. Chị làm thủy văn và chồng làm trong ngành điện lực - đều là nghề đặc thù phải ứng trực suốt thời gian bão lũ để lo cho việc chung.

Tạm đóng cửa để đấy, tạm gác lại việc nhà, chị vẫn còn nhiều việc phải làm ở cơ quan, còn tiếp tục công việc bởi lũ chưa rút hết. Có gặp và chia sẻ mới cảm nhận được, tình yêu, trách nhiệm với nghề nghiệp như là “sợi dây cáp” trong lòng mỗi cán bộ thủy văn Tuyên Quang, giúp họ không ngừng nỗ lực bám trụ với nghề. Khó khăn bủa vây mỗi mùa nước lũ khiến các anh chị càng trân trọng sự thông cảm, sẻ chia từ gia đình, người thân, cộng đồng và chính từ các đồng nghiệp trong ngành.

c7d724d38ccd2a9373dc33.jpg
Quan trắc viên Hoàng Minh Quyết làm việc bên ánh đèn dầu vào đêm lũ dâng cao, trạm mất điện, mất nước và bị cô lập trong lũ

Giám đốc Đài KTTV tỉnh Vũ Thị Thu bồi hồi: Cứ mỗi trận lũ là tôi như ngồi trên đống lửa. Nước to, sóng lớn quá liên tục phải nhắc nhở anh em ở trạm, phải quan trắc và chuyển số liệu kịp thời, đầy đủ nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng. Đợt này nước lên nhanh quá, công đoàn cũng chỉ kịp gửi ít nhu yếu phẩm cho trạm Ghềnh Gà và trạm Tuyên Quang trước khi lũ lên cao, rồi chính các cán bộ dự báo và lãnh đạo Đài cũng trực chiến tại trụ sở cơ quan suốt những ngày bão lũ.

Khó khăn tự vượt qua, còn niềm vui với người thủy văn, đơn giản là khi lũ trên các sông đã giảm, mực nước nhanh chóng trở về bình thường. Khi ấy, các cán bộ trong ngành khí tượng thủy văn mới có thể tạm thở phào nhẹ nhõm.

Trận lũ tháng 9 này đã để lại nhiều cảm xúc. Buồn nhiều hơn vui. Chỉ vui vì trong bão lũ, ta thấy được tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lần nhau trong khó khăn hoạn nạn. Nhưng buồn nhiều vì bao nhà bị ngập, bao đồ đạc trôi theo dòng nước, bao hy vọng và của cải tiêu tan, chưa kể dịch bệnh và bao tàn tích để lại cho người dân khi lũ đi qua.

Thường mỗi mùa mưa bão là có lũ, vài năm có lũ lớn một lần và hơn 20 năm thì lũ dữ kéo đến. Vậy nhưng, với người dân cũng như cán bộ khí tượng thủy văn chưa bao giờ có thể coi lũ là “người quen” mà luôn cảnh giác với “kẻ lạ” để dồn toàn lực mà ứng phó.

3.png

Khánh Ly