Xã hội

Cần khẩn cấp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng thuốc lá mới

Mai Đan 20/09/2024 - 20:55

(TN&MT) - Từ chủ trương, chính sách đến thực tiễn đều cho thấy sự cần thiết phải quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Từ chủ trương, chính sách…

Về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã đưa ra quan điểm: “Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt”.

Tại mục 2.III Nghị quyết trên yêu cầu: “Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống và cai nghiện ma tuý. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá”.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013, tại Khoản 1 Điều 9 quy định nghiêm cấm hành vi “Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu”.

thuocladientu-1714716576257-1714724004277-1714724004361865468443.jpg
Nhiều thiếu niên nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử

Đồng thời, ngày 25/1/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược Quốc gia về Phòng chống tác hại của thuốc lá. Gần đây nhất, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Tại Mục 1.I. Điều 1 quy định mục tiêu đầu tiên là “Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về phát triển bền vững đến năm 2030”.

Ngoài ra, mục tiêu cụ thể trong Chiến lược giai đoạn 2023-2025 là “Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”, giai đoạn 2026 - 2030 “Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”.

Điểm c.1.III về nhiệm vụ, giải pháp quy định “Đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”; “Tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá, trong đó có các hình thức quảng cáo, khuyến mại trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet”.

… đến thực tiễn

Về mặt thực tế, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí kinh tế hàng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam lên đến hơn 108 nghìn tỷ đồng. Theo GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản lý liên ngành Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế không chỉ cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả gia đình và xã hội.

Ông cho rằng việc xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ sẽ phá bỏ những thành tựu mà chúng ta đã đạt được qua 10 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13 - 17 năm 2019 là 2,6%, năm 2023 tăng lên 8,1%. Ở nhóm 13 - 15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

img_5307.jpg
Báo TN&MT vừa tổ chức sự kiện đạp xe, tuyên truyền về Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Đồng quan điểm, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế cho rằng, do tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khoẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ, nên nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam trước khi quá muộn thì thế hệ trẻ của chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả rất lớn. Đặc biệt, việc cho phép sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ làm gia tăng tình trạng sử dụng ma tuý, rất khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội.

Bà dẫn chứng, trên thế giới đã có 42 nước cấm, trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

“Trên quan điểm lấy lợi ích sức khỏe của người dân là trên hết, đặc biệt ngăn ngừa thế hệ trẻ phụ thuộc vào sản phẩm gây nghiện, cần sớm ban hành quy định để cấm sản xuất, kinh doanh, lưu hành, quảng cáo, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi quá muộn. Đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chính là ưu tiên cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt bảo vệ thế hệ trẻ, phù hợp với quan điểm chính sách của nhà nước ta là từng bước giảm nguồn cấp thuốc lá, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá”, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Mai Đan