Biến đổi khí hậu

Quảng Ngãi: Để người dân vơi bớt nỗi lo sạt lở đất

Võ Hà 20/09/2024 - 15:07

Cứ vào mùa mưa bão người dân ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi lại canh cánh với nỗi lo sạt lở đất. Hiện các cơ quan quan chức năng địa phương đang rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở cao, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người dân

Chủ động ứng phó

Những năm qua, tình trạng sạt lở núi Van Cà Vãi (tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) diễn ra phức tạp, làm hư hỏng một số công trình nhà ở của người dân nơi đây. Do thiếu kinh phí và không có đất bố trí tái định cư nên nhiều năm qua, người dân luôn phải sống bất an dưới chân núi lở.

qngai2.jpg
Đất đá sạt lở tràn xuống nhà dân ở Làng Dầu (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) năm 2023

Trước tình trạng trên, Dự án Khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi được triển khai. Dự án có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Mục tiêu dự án nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho 5 hộ dân với 24 nhân khẩu dưới chân núi Van Cà Vãi và tuyến đường DH77

Bà Trần Thị Thọ, ở tổ dân phố Làng Dầu cho biết, mỗi khi trời mưa lớn, có nhiều khối đất đá cùng cây cối từ trên núi Van Cà Vãi đổ sập xuống khu vực dân cư dưới chân núi tràn vào nhà dân gây hư hỏng công trình phụ. Do vậy, chỉ cần nghe dự báo có mưa lớn là cả làng lại lũ lượt đi ở nhờ vì sợ sạt lở núi.

“Bây giờ chính quyền địa phương đang triển khai xây dựng bờ kè phía sau chân núi Van Cà Vãi nên bà con cũng có phần yên tâm. Chỉ mong công trình nhanh chóng hoàn thiện để bà con được an cư” – bà Thọ chia sẻ.

Theo ông Dương Đình Cường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng, dự kiến công trình kè chống sạt lở dưới chấn núi Van Cà Vãi sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2024. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người, địa phương đã lên nhiều phương án ứng phó. Nếu trời mưa lớn thì UBND thị trấn sẽ cử cán bộ xuống vận đông và hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi ở khác để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản của nhân dân. Tại điểm này, địa phương đã cắm biển cảnh báo các điểm nguy cơ sạt lở núi để bà con có biện pháp phòng tránh.

qngai4.jpg
Quảng Ngãi là địa phương được đánh giá có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở núi trong mùa mưa.

Còn tại huyện Sơn Tây, theo rà soát hiện nay toàn huyện có 6 điểm nguy cơ sạt lở ở cấp độ 1 với 53 hộ/189 khẩu; 32 điểm nguy cơ sạt lở cấp độ 2 với 233 hộ/896 khẩu và 2 điểm có nguy cơ sạt lở cấp độ 3 với 28 hộ/105 khẩu. Trong đó, các ngọn núi quanh khu dân cư Nước Toa, thôn Mang Tà Bể đang nằm trong điểm nguy cơ sạt lở cao của địa phương trong mùa mưa lũ năm nay. Những ngọn núi này cao 300-500m và đã từng xảy ra sạt lở vào năm 2019 và năm 2006 khiến người dân cũng vô cùng bất an.

Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, chủ động ứng phó với thiên tai, huyện tổ chức tổng kết phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, trong đó, nhấn mạnh rà soát lần nữa tất cả các điểm sạt lở đã thống kê trước đó cho chặt chẽ theo phương án huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, rà soát điểm sạt lở cũ, điểm nguy cơ mới và điểm nghi ngờ nguy cơ sạt lở. Phân công bố trí lực lượng túc trực, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, chọn địa điểm như trường học có nhà bán trú, nhà ở kiên cố để thực hiện di dời, xen ghép.

Tập trung rà soát

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang đã cùng lãnh đạo các sở, ngành đi kiểm tra thực tế hiện trường dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở Khu dân cư Van Cà Vãi, tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng và kiểm tra, chỉ đạo xử lý tại một số điểm có nguy cơ sạt lở núi trên địa bàn huyện Sơn Hà.

sat7.jpg
Hiện trường vụ sạt lở núi tại Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1 năm 2022

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư đôn đốc các đơn vị thi công bố trí thời gian thi công hợp lý, trong điều kiện thời tiết thường xuyên diễn biến bất lợi như hiện nay để đẩy nhanh tiến độ dự án. Bên cạnh đó, khẩn trương chỉ đạo nhà thầu dịch chuyển hết lượng đất, đá nằm sát mép nhà dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có mưa lớn, đất ngậm nước dễ gây sạt trượt.

Tăng cường giám sát chặt chẽ chất lượng của công trình, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công và hoàn thành công trình đúng tiến độ, nhằm đảm bảo cho công tác ứng phó thiên tai, an toàn cho người và tài sản tại núi Van Cà Vãi trước mùa mưa, lũ năm 2024.

Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang cũng nhấn mạnh, Quảng Ngãi là một trong những địa phương được đánh giá có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở núi trong mùa mưa.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó bão số 3 và mưa, lũ sau bão vừa qua tại các tỉnh phía Bắc, chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư, nhà dân, trụ sở sơ quan, đơn vị trên địa bàn (nhất là tại các khu vực miền núi), nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét phải có phương án sớm, cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn.

Đồng thời, yêu cầu các huyện: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng rà soát, thống kê đầy đủ, cụ thể các điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, các vị trí đứt gãy địa chất trên địa bàn, gửi về Sở NN&PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh; xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó sạt lở đất, lũ quét để triển khai thực hiện khi có mưa, lũ xảy ra.

Theo kết quả khảo sát lập các dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét giai đoạn 2021-2025 được tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt, địa bàn 5 huyện miền núi có trên 1.800 hộ với hơn 7.300 nhân khẩu đang sinh sống ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đầu tư 35 khu tái định cư ở miền núi cho khoảng 1.000 hộ dân, thực hiện di dời xen ghép cho gần 300 hộ và bố trí ổn định tại chỗ cho 559 hộ dân vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống.

Võ Hà