Tin tức

Liên minh châu Âu đẩy mạnh hỗ trợ triển khai JETP

Chu Thanh Hương 20/09/2024 - 14:54

(TN&MT) - Việc đảm bảo thực hiện các dự án là cách tốt nhất để minh chứng tiến độ thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP), và phía Liên minh châu Âu (EU) mong muốn nhận được các yêu cầu hỗ trợ cụ thể của Việt Nam nhằm triển khai các dự án một cách thuận lợi.

Đây là khẳng định của ông Peteris Ustubs - Cục trưởng phụ trách Trung Đông, Châu Á và Thái Bình Dương, Tổng cục Đối tác quốc tế (DG INTPA) của Ủy ban Châu Âu tại cuộc họp giữa Phái đoàn cấp cao chung EU-EIB với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), diễn ra ngày 19/9, tại Hà Nội. Cuộc họp nhằm trao đổi về việc xác định các dự án thực hiện JETP và thảo luận các nội dung triển khai JETP.

z5848792949692_5cd27329008cede9370d13576ab8a678(1).jpg
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại cuộc họp

Được sự ủy quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu làm việc với ông Peteris Ustubs, cùng bà Thouraya Triki, Giám đốc Bộ phận Đối tác quốc tế thuộc Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB).

Phái đoàn cấp cao chung EU-EIB có sự tham gia của đại diện từ các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU): Ông Julien Guerrier - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Phái đoàn EU; bà Mette Ekeroth - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam; ông Daniel Plankermann, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng phát triển quốc gia Đức KfW Việt Nam; ông Hervé Conan -Giám đốc Quốc gia, Cơ quan Phát triển Pháp AFD Việt Nam; bà Stephanie Roels - Phó trưởng Bộ phận Ngoại giao Khí hậu toàn cầu, Bộ Ngoại giao chính phủ Hà Lan. Đây đều là những quốc gia đã tích cực tham gia tiến trình thiết lập JETP và đang hỗ trợ trong các khoản đầu tư về chuyển đổi năng lượng sạch tại Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Peteris Ustubs đánh giá cao nỗ lực của Nhóm Tổng hợp hỗ trợ triển khai thực hiện JETP của Việt Nam trong thời gian qua đã thúc đẩy các hoạt động triển khai JETP. Ông nhấn mạnh, hỗ trợ của EU bao gồm các khoản vay và viện trợ. EU cũng mong muốn biết được các ưu tiên về dự án, về chính sách phía Việt Nam và làm thế nào để EU hỗ trợ cho Việt Nam triển khai JETP hiệu quả nhất.

z5848796587597_24debdc64b892a79597f4b618eefcea7.jpg
Ông Peteris Ustubs - Cục trưởng phụ trách Trung Đông, Châu Á và Thái Bình Dương, Tổng cục Đối tác quốc tế (DG INTPA) của Ủy ban Châu Âu phát biểu tại cuộc họp

Theo ông Peteris Ustubs, việc đảm bảo thực hiện các dự án là cách tốt nhất để minh chứng tiến độ thực hiện JETP, và phía EU mong muốn nhận được các yêu cầu hỗ trợ cụ thể của Việt Nam nhằm triển khai các dự án một cách thuận lợi.

Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, đồng thời là Phó Trưởng Nhóm Tổng hợp hỗ trợ triển khai thực hiện JETP cho biết: Chuyển đổi năng lượng là con đường tất yếu để phát triển bền vững, và JETP là công cụ quan trọng để hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình này.

Về tiến độ triển khai JETP, Việt Nam đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP (RMP) trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai UAE vào năm 2023. Trong đó, RMP đưa ra hơn 200 dự án đầu tư và hơn 50 dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Ngay từ đầu năm 2024, phía Việt Nam đã xác định có ít nhất 3 vấn đề lớn cần được thông qua, bao gồm: Khung Giám sát, đánh giá thực hiện JETP; Danh mục các dự án đầu tư thực hiện JETP, Danh mục các dự án, nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật thực hiện JETP; Khung chính sách JETP.

Ông Tấn cũng chia sẻ về một số chính sách đã được ban hành trong thời gian qua, như: Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn; Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) cũng đã được ban hành; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn đang được xin ý kiến các thành viên Chính phủ.

z5848791723433_d1554883a05859778dd3fad07aed2b07.jpg
Quang cảnh cuộc họp

“JETP là vấn đề khó, mới. Việt Nam rất coi trọng quan hệ hợp tác đối tác tin cậy từ EU cũng như các đối tác thực hiện JETP. Các bên sẽ cùng nhau xác định và giải quyết các vấn đề nhằm thúc đẩy việc thực hiện JETP” - Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn nhấn mạnh và mong muốn phía EU hỗ trợ triển khai ngay các dự án để giúp Việt Nam tăng thêm lòng tin về chuyển đổi năng lượng và hiện thực hóa quá trình này.

Bà Thouraya Triki tiếp tục khẳng định cam kết của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu trong việc tham gia thực hiện JETP tại Việt Nam. Nguồn tài chính đã sẵn sàng, có thể ký ngay thỏa thuận khi có danh mục dự án đầu tư có nhu cầu. Bên cạnh các dự án đã sẵn sàng, Ngân hàng vẫn tìm tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các lĩnh vực khác trong JETP như điện gió ngoài khơi. Bà Thouraya Triki mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kết nối các Bộ, ngành khác để thúc đẩy triển khai thực hiện JETP tại Việt Nam.

Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP) đã được Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế IPG (Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Canada, Vương quốc Đan Mạch, và Vương quốc Na Uy) thông qua và công bố trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brúc-xen, Vương quốc Bỉ.

Việt Nam là nước thứ ba, sau Nam Phi và Indonesia thông qua Tuyên bố JETP với IPG. Thực hiện Tuyên bố JETP. Các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, củng cố hạ tầng lưới điện, giáo dục và đào tạo nghề, huy động tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, lưu trữ, cất trữ và sử dụng các-bon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi…

Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (QĐ 1009/QĐ-TTg ngày 31/8/2023) với 10 nhóm nhiệm vụ chính. Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) được công bố ngày 1/12/2023 tại COP28. Kế hoạch huy động nguồn lực là bước đầu triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, đồng thời là bước rất quan trọng để bảo đảm việc chuyển đổi thành công, sẽ tiếp tục được rà soát điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

Ngày 14/7/2023 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 845/QĐ-TTg thành lập Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Các Nhóm công tác hỗ trợ triển khai thực hiện JETP: Nhóm Tổng hợp; Nhóm Thể chế; Chính sách và Đầu tư; Nhóm Công nghệ và Năng lượng; Nhóm Tài chính cũng được thành lập trong năm 2023.

Ngày 25/10/2023 trong khuôn khổ Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu do Liên minh châu Âu (EU), Bộ Tài chính và Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã ký biên bản ghi nhớ về các hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu EU nhằm đóng góp cho các mục tiêu thực hiện JETP. Đây là cơ sở và điều kiện thuận lợi để hai bên đẩy mạnh hợp tác cùng ứng phó hiệu quả với các vấn đề toàn cầu.

Chu Thanh Hương