Biến đổi khí hậu

Sơn La: Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại 5 xã thuộc 2 huyện

Nguyễn Nga 19/09/2024 - 18:04

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 1938/QĐ-UBND, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó mưa lớn, sạt lở đất trên địa bàn các xã Mường Bú, Ngọc Chiến, Pi Toong, Tạ Bú, huyện Mường La và bản Ngậm xã Song Pe, huyện Bắc Yên.

Xuất hiện nhiều cung sạt trượt đặc biệt nguy hiểm

Theo thông tin từ UBND huyện Mường La, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ đêm 6/9 đến ngày 11/9, huyện Mường La có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 80 - 335mm, có nơi rất cao như: Pú Dảnh 630,4mm, Ngọc Chiến: 503,8 mm.

459880588_122131870016347240_3287478430550035549_n.jpg
Lực lượng chức năng huyện Mường La hỗ trợ xây dựng các lán trại để di chuyển nhân dân đến nơi an toàn.

Mưa lớn gây lũ ống, lũ quét tàn phá trên diện rộng làm 1 người mất tích, 90 nhà bị thiệt hại, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nghiệm trọng. Ước thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng.

Trong đó, bản Nà Trà, xã Pi Toong hiện có 48 hộ dân, 251 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông nằm xen kẽ ở khu vực núi đồi, độ dốc ngang lớn, địa hình hiểm trở. Hiện phía trên bản có 1 tảng đá to nằm trên đỉnh dốc đang có nguy cơ sạt lở lăn xuống khu vực dân cư, gây mất an toàn cho người dân.

Từ đầu tháng 7/2024 đến ngày 11/9/2024, trên địa bàn bản Nà Trà có mưa to đến rất to làm sạt lở, gây nứt nền nhà của 14 hộ dân, 1 nhà văn hoá, 2 nhà lớp học mầm non - tiểu học trong bản. Hiện tại, UBND huyện đã khẩn trương chỉ đạo cho xây dựng 11 lán trại, 1 lớp học mầm non, 1 lớp học tiểu học; dựng 2 bếp cộng đồng; lắp điện phục vụ thắp sáng cho các lán; tổ chức phun tẩy, khử trùng toàn bộ khu vực di chuyển dân đến; xây dựng 3 nhà vệ sinh tạm; lắp các téc nước, kéo dây dẫn để đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân.

459489078_122131869632347240_2413082531414182110_n.jpg
Hỗ trợ người dân di dời tài sản.

Hiện nay, đã di chuyển lên lán tạm 23 hộ, 62 nhân khẩu, 1 hộ có 5 nhân khẩu đang ở ghép với hộ khác. Huyện Mường La đang tiếp tục tuyên truyền các hộ có nguy cơ cao và triển khai công tác di chuyển nhân dân đến nơi an toàn.

Còn tại bản Ngậm, xã Song Pe huyện Bắc Yên, từ năm 2018, tại khu vực đất đồi phía trên khu dân cư bản Ngậm đã xuất hiện các vết nứt gây nguy cơ trượt lở, ảnh hưởng trực tiếp tới 88 hộ dân. UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì khảo sát, đánh giá cung trượt tại bản Ngậm.

Theo kết quả đánh giá hiện trạng, nguyên nhân gây trượt, sạt lở khu vực bản Ngậm tại Công văn số 5404/BTNMT-KHCN ngày 21/10/2019 của Bộ TN&MT (do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thực hiện), nguyên nhân trượt lở tại bản Ngậm hình thành từ sự tổng hợp các yếu tố tự nhiên, trong đó, mưa lớn kéo dài nhiều ngày năm 2018 là chủ đạo.

ban-ngam-xuat-hien-nhieu-vet-nut-va-cay-bi-do-bsl-(1).jpg
Bản Ngậm, xã Song Pe xuất hiện nhiều vết nứt lớn (Ảnh: Trung tâm TTVH huyện Bắc Yên)

Ngoài ra, tại khu vực bản Ngậm, Công ty CP khoáng sản Tây Bắc có thực hiện khai thác mỏ đồng cũng tác động một phần, làm tốc độ sạt lở tăng nhanh hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của các hộ dân. Nếu tiếp tục ở tại nơi hiện tại, việc xảy ra sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của 88 hộ dân trên là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng nguy cơ gây trượt, sạt lở đất đá tại bản Ngậm, xã Song Pe đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 121/NQ-HĐND ngày 31/8/2021, với mục tiêu bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai, nâng cao đời sống người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai đối với 91 hộ.

Tuy nhiên, qua 4 lần tham vấn cộng đồng về báo cáo đánh giá tác động môi trường, đa số nhân dân bản Ngậm cho rằng do ảnh hưởng của khai thác mỏ dẫn đến nguy cơ sạt lở, nên phải hỗ trợ đền bù. Nếu chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng tại nơi ở mới và không có chính sách đền bù thoả đáng (400-500 triệu/hộ) thì người dân không nhất trí di chuyển. Dẫn đến, dự án chưa hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa thẩm định, chưa phê duyệt, nên dù đã lập xong dự án đầu tư nhưng chưa đủ điều kiện trình thẩm định, phê duyệt.

Đến tháng 9/2024, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 gây mưa lớn kéo dài, vết nứt đã và đang phát triển với tốc độ nhanh, nhiều vị trí xuất hiện nước trên mặt lún hở, phạm vi ảnh hưởng đến nhiều hộ hơn, với 108 hộ/524 nhân khẩu, mức độ nguy hiểm ngày càng cao.

Huyện Bắc Yên đã huy động các lực lượng thực hiện cảnh giới, cảnh báo nguy hiểm, hỗ trợ người dân di chuyển đến bản Tăng xã Chiềng Sại, đảm bảo về mặt bằng, điện, nước, giao thông cho người dân.

Thành lập tổ tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước để di chuyển đến nơi ở mới. Giao các lực lượng tăng cường tuần tra, không để người dân sinh hoạt ngủ nghỉ tại nơi nguy cơ xảy ra sạt lở, nguy hiểm.

Tiếp tục triển khai khẩn các nhóm giải pháp

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, ông Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại các địa phương trên.

ban-ngam-xuat-hien-nhieu-vet-nut-va-cay-bi-do-bsl-2-cac-luc-luong-ho-tro-nguoi-dan-di-chuyen-tai-san-4.jpg
Lực lượng chức năng huyện Bắc Yên hỗ trợ người dân bản Ngậm di dời nhà cửa, tài sản đến nơi an toàn (Ảnh: Trung tâm TTVH huyện Bắc Yên).

Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện Mường La, Bắc Yên theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, thời tiết để có các biện pháp ứng phó phù hợp, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Phân công lãnh đạo địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực theo dõi 24/24 trong những ngày mưa, lũ cao điểm.

Chủ động triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó, tiếp tục huy động các lực lượng tìm kiếm người mất tích (huyện Mường La). Bố trí tạm thời nơi ở an toàn cho nhân dân phải di dời, đảm bảo hậu cần cho nhân dân tại nơi sơ tán, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho nhân dân vùng thiên tai.

Rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.

Phân công các lực lượng cảnh giới, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm sạt lở, tuyệt đối không cho người dân quay lại nơi nguy hiểm. Chủ động huy động phương tiện, lực lượng, ngân sách và các nguồn lực của địa phương để triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai.

Xác định hạng mục, công trình đầu tư khẩn cấp để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bố trí kinh phí trong khả năng cân đối các nguồn vốn để triển khai thực hiện, trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của địa phương cần kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để được hỗ trợ theo đúng quy định.

Nguyễn Nga