Tiếng dân

Hậu quả vụ bùn thải tràn xuống suối: "Vỡ Bắc Kạn, họa Tuyên Quang"

Đức Hải 19/09/2024 17:50

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh: Việc bùn thải từ hồ chứa của Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn đã khiến dòng suối chảy từ Ban Thi về huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân xã Bình Phú (Chiêm Hóa) bị thiệt hại khoảng 24.000 kg cá các loại, hơn 20 ha đồng ruộng bị nhiễm độc. Nhiều hộ gia đình đã trắng tay. Ai phải chịu trách nhiệm trước thiệt hại này?.

6(2).jpg
Cá lồng của người dân bị sặc bùn thải độc, chết hết.

“Quýt làm, cam chịu”

Trao đổi với phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường, chị Trần Thị Anh, trú tại Bản Khản, xã Bình Phú bức xúc cho biết: Gia đình chị có 4 lồng cá nuôi trên Hồ thủy lợi Bản Khản, đón dòng suối chảy từ các cánh rừng bên Chợ Đồn chảy về. Lúc trước, thấy dòng nước suối trong, mát nên mấy năm qua, người dân xã Bình Phú tiến hành chăn nuôi các loại cá lồng trên hồ, có giá trị kinh tế cao để phát triển kinh tế gia đình và ổn định cuộc sống từ năm 2019 đến nay.

Nước bẩn ồ ạt tràn về.

Đến tầm khoảng 9 giờ sáng ngày 9/9, chị cũng như người dân địa phương thấy dòng nước đen kịt ồ ạt chảy xuống khiến cá trong lồng phút chốc sặc và chết nổi lềnh bềnh. Thấy vậy, nhiều người đã lội xuống hồ cứu cá, nhưng đã quá muộn bởi bùn đen kịt đã trôi xuống hồ thủy lợi Bản Khản.

Nước bẩn xâm nhập vào các lồng cá trên hồ thủy lợi Bản Khản.

Chưa dừng lại, dòng nước đen tiếp tục xâm lấn vào ruộng đồng, ao, suối… và dần trôi về Yên Lập chảy ra Sông Gâm.

Ông Nông Văn Suất, 55 tuổi, trú ở thôn Bản Khản cho biết: Gia đình ông bị thiệt hại khoảng 2,4 tấn cá lăng; 3 bể cá tầm (1500 con, mỗi con khoảng 0,5 kg); 1 lồng cá trắm đen, trôi đang nuôi giống…

Ông Suất xót xa cho biết: Lúc đầu, tôi thấy nước nhờ nhờ, ngoảnh đi, nhìn lại đã thấy dòng suối đen kịt. Tôi vội vàng gọi anh em, họ hàng đến cứu nhưng đã muộn bởi cá nhiễm độc hết rồi. Phút chốc gia đình tôi trở nên trắng tay.

13.jpg
Cá chết hết cả.

Cũng theo ông Suất, tiếc rẻ cá, gia đình ông lấy cá về nấu ăn thử, nhưng đun lên, nồi riêu cá đen ngòm, mùi thum thủm nên vội vã đổ ngay đi.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: Hầu hết các chủ lồng cá đang nuôi trên hồ thủy lợi Bản Khản đều phải thế chấp nhà cửa để vay tiền ngân hàng làm vốn mua lồng, mua cá giống. Giờ thiệt hại như vậy, gánh nặng về tiền bạc lại tiếp tục “oằn” lên vai người nông dân.

4(1).jpg
Hiện trường bùn thải

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết hồ chứa bùn thải quặng này đã tích tụ một lượng lớn chất thải độc hại từ rất lâu. Kể từ lúc bắt đầu làm mỏ, quá trình khai thác sản xuất quặng kẽm, chì của doanh nghiệp đều đổ thải cả vào đây. Phụ trách là Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn, trực thuộc Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên – VIMICO, có địa chỉ tại Tổ 3, P.Phú Xá, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Sự cố sạt lở và vỡ đập xảy ra vào khoảng hơn 7 giờ sáng ngày 9/9/2024 đã khiến hàng nghìn tấn bùn thải chứa kim loại nặng đã tràn ra khu vực xung quanh, ảnh hưởng đến đồng ruộng, suối nước… gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại nhiều về tài sản ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

8.jpg
Cá vớt lên bờ.

Tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo làm rõ

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Quan Thị Chiêu - Chủ tịch UBND xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) cho biết: Xã Bình Phú đã có báo cáo số 173/BC-UBND ngày 13/9 lên UBND huyện Chiêm Hóa.

Cụ thể, tại thời điểm phát hiện là vào khoảng 13 giờ 00 ngày 9/9/2024, sau khi nhận được tin báo của nhân dân phản ánh hiện trạng nguồn nước suối từ tỉnh Bắc Kạn chảy qua địa bàn xã Bình Phú, có mùi lạ bất thường và có màu nâu.

UBND xã đã cử Tổ công tác kiểm tra xác minh: Qua kiểm tra xác minh tin báo của nhân dân phát hiện nguồn nước có màu, có mùi không bình thường. Đến thời điểm báo cáo nguồn nước vẫn tiếp tục chảy với màu xám và mùi khác thường.

Người dân quay lại các bằng chứng.

Theo thống kê sơ bộ ban đầu, đến nay, về nông nghiệp bị thiệt hại 20 ha lúa, ngô bį vùi lấp có nguồn nước tràn qua. Về thủy sản: Thiệt hại 2 bể cá tầm, 12 lồng cá lăng thit, 1 lồng cá lăng giống, 3 lồng cá rô phi, 1 lồng cá trắm, với tổng giá trị khoảng hơn 3,4 tỷ đồng. Trong số đó khoảng 480 kg cá tầm chết, khoảng 20.635 kg cá lăng chết và nhiều loại cá có giá trị khác.

Khoảng 20 ha đất sản xuất nông nghiệp gồm đất ruộng trồng lúa, bãi trồng màu của nhân dân 3 thôn Bản Man, Bản Khản, Phú Linh bị ảnh hưởng do nguồn nước chảy qua. Diện tích đất nông nghiệp sử dụng nguồn nước tưới tiêu từ dòng suối bį ô nhiễm là 11,206 ha đất lúa.

Về nguồn nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi: Tổng số hộ dân sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi nguy cơ bị nhiễm là 288 hộ/1.174 khẩu và trụ sở làm việc xã, 2 trường học, Trạm Y tế xã, Công an xã.

UBND xã đã khuyến cáo đến bà con nhân dân không sử dụng nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm từ dòng suối dùng để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi.

1.jpeg
Các lực lượng chức năng vào cuộc.

Báo cáo cũng cho biết: Từ khi nguồn nước chảy qua rất nhiều người dân trên địa bàn xã đã nhiều lần kiến với cấp ủy, chính quyền bày tỏ sự lo lắng, bức xúc và yêu cầu chính quyền các cấp xác định nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

UBND xã cũng đề nghị các cấp có giải pháp xử lý khẩn cấp đảm bảo về môi trường, nguồn nước sinh hoạt, chăn nuôi cho bà con nhân dân, cấp kinh phí hỗ trợ các hộ bị thiệt hại để ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.

12.jpg
Cứu cá, nhưng quá muộn.

Ngày 15/9, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương lấy mẫu nước để xác minh nguyên nhân cá chết hàng loạt trên địa bàn các xã Bình Phú, Phú Bình và Yên Lập (huyện Chiêm Hóa) làm rõ các vấn đề trên để có căn cứ xử lý các sai phạm.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Đức Hải