Đất đai

Tây Ninh: Đổi đời từ cây mãng cầu

Thục Vy 18/09/2024 - 17:56

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã khuyến khích trồng cây mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện liên kết sản xuất. Nhờ đó, trái mãng cầu Bà Đen ngày càng nâng cao chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng.

img_5655.jpeg
Mãng cầu Bà Đen Tây Ninh được người tiêu dùng yêu thích

Những tỷ phú mãng cầu
Vùng đất màu mỡ quanh chân núi Bà Đen (TP Tây Ninh) được xem là vùng trọng điểm của cây mãng cầu Tây Ninh với tổng diện tích gieo trồng hiện nay lên đến hơn 2.000ha, hơn 40% tổng diện tích cây mãng cầu trên địa bàn toàn tỉnh Tây Ninh. Những năm gần đây, diện tích trồng mãng cầu ở địa phương này ngày càng được mở rộng. Do hiệu quả kinh tế từ cây mãng cầu đem lại, nhiều người còn thuê thêm đất để trồng với mong muốn làm giàu.

Đến các xã Thạnh Tân, Tân Bình, phường Ninh Sơn (TP Tây Ninh) hỏi về các ông “vua mãng cầu” như chú Ba Đi, anh Tư Xương, anh Bảy Cao, ông Mãng… ai ai cũng biết và kể vanh vách về hành trình đổi đời của họ. Đối với những “tỷ phú mãng cầu” này hay với nhiều người trồng mãng cầu ở Tây Ninh, mỗi vụ thu hoạch lợi nhuận thu vài trăm triệu đồng trở thành chuyện bình thuờng.

Nằm dưới chân núi Bà Đen, vườn mãng cầu của ông Hà Chí Mãng, xã Thạnh Tân, cùng những thành viên khác của HTX mãng cầu Thạnh Tân được thừa hưởng lượng phù sa cổ hiếm có, cộng với khí hậu ôn hòa nên sản lượng cũng như độ ngon của trái mảng cầu nơi đây khó nơi nào cạnh tranh được.

Ông Mảng cho biết, trước khi trở thành một người nông dân chính hiệu, ông từng làm cán bộ công chức của tỉnh. Sau này, nhận thấy giá trị của cây mãng cầu, nên đến năm 2005, ông quyết định chuyển đổi một phần diện tích đất cao su của gia đình sang trồng cây mãng cầu. Do điều kiện khí hậu ở khu vực núi Bà Đen thuận lợi nên vườn mãng cầu phát triển rất tốt.

Thấy việc trồng mãng cầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Mãng quyết định chuyển hẳn sang làm nghể nông. Năm 2005, ôngthôi công việc nhà nước để tập trung phát triển HTX mãng cầu. Ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên, diện tích chừng 4 ha. Đến nay, HTX mãng cầu Thạnh Tân đã phát triển được 32 thành viên, tổng diện tích gần 30 ha, trong đó có 25ha đạt chứng nhận VietGAP. Nhờ cách làm mãng cầu sạch, sản phẩm của HTX được người dân ưa chuộng và được đưa vào hệ thống siêu thị và các cửa hàng với giá bán từ 40.000-55.000 đồng/kg đối với hàng loại 1.

Cũng như ông Mãng, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Thạnh Tân được xem là một trong những người tiên phong trồng mãng cầu theo hướng VietGAP ở xứ này. Với gần 4 ha mãng cầu, ông Nam đầu tư quy mô bài bản từ hệ thống tưới tự động phủ khắp, đến quy trình chăm bón đúng chuẩn. Nếu như trước đây, cây mãng cầu chỉ ra quả được một vụ, thì từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm bón, bà con đã làm cho cây ra quả quanh năm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đặc biệt, mãng cầu còn thu hoạch rộ vào dịp Tết Nguyên đán, từ đó đem lại lợi nhuận rất cao cho nhà vườn. Ngày thường, mãng cầu chỉ có giá tầm 20.000 đến 25.000 đồng/kg, thế nhưng từ 15 tháng chạp kéo dài đến 15 tháng giêng, mãng cầu có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, có khi lên đến 60.000/kg.

Cách nhà ông Nam không xa là vườn mãng cầu của gia đình bà Nguyễn Thị Lan. Mặc dù chỉ sở hữu hơn 1ha nhưng mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình bà Lan không dưới 300 triệu đồng. Không chỉ cung ứng cho bà con quanh vùng, mãng cầu còn được vận chuyển lên các chợ đầu mối tại TP.HCM để phân phối đi khắp mọi miền đất nước. Nhờ cây mãng cầu, cuộc sống của gia đình ông Nam, bà Lan và nhiều hộ dân khác đã cải thiện rõ rệt.

img_5654.jpeg
Cây mãng cầu đem lại thu nhập cao cho người nông dân Tây Ninh

Phát triển bền vững
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, năm 2023, diện tích trồng mãng cầu Bà Đen của tỉnh Tây Ninh đạt trên 5.600 ha, chiếm 14% tổng diện tích trồng mãng cầu của cả nước.

Trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng 5.100ha, sản lượng cung cấp ra thị trường ước gần 75.000 tấn/năm, năng suất bình quân 145 tấn/ha. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 8 xã có chỉ dẫn địa lý Mãng cầu Bà Đen, sản xuất tập trung: xã Suối Đá, xã Phan, xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu); xã Tân Hưng (huyện Tân Châu); xã Thạnh Tân, xã Tân Bình, phường Ninh Thạnh, phường Ninh Sơn (TP Tây Ninh).

Kể từ khi trái mãng cầu Bà Đen được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào tháng 8/2011, tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và mở rộng xuất khẩu. Tỉnh đã tích cực hỗ trợ nông dân trồng mãng cầu theo hướng VietGAP, khuyến khích nông dân thực hiện liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và mở rộng xuất khẩu.

Theo các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, mãng cầu là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây khác, nếu được đầu tư, canh tác bài bản, 1ha mãng cầu có thể mang lại cho người nông dân lợi nhuận khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm. Thu nhập từ trồng mãng cầu của người dân Tây Ninh tăng lên đã góp phần ổn định kinh tế cho nhiều hộ gia đình, tạo điều kiện để đầu tư thêm vào sản xuất và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trong thời gian tới, định hướng phát triển trái mãng cầu Bà Đen của tỉnh Tây Ninh là sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và áp dụng các biện pháp canh tác bền vững. Tỉnh Tây Ninh đang đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác, bao gồm việc chọn giống, cải tiến phương pháp trồng trọt và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả hơn. Đặc biệt, là hướng đến việc đạt các chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn và chất lượng, từ đó nâng cao giá trị của trái mãng cầu trên thị trường.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục mở rộng và củng cố thị trường tiêu thụ nội địa, đặc biệt là trong các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và các nước ASEAN. Hướng đến việc xây dựng thương hiệu trái mãng cầu Bà Đen như một sản phẩm đặc sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đồng thời, tỉnh cũng hướng đến phát triển bền vững trái mãng cầu thông qua việc khuyến khích nông dân áp dụng mô hình canh tác hữu cơ, giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như tưới nước tiết kiệm và quản lý sâu bệnh theo hướng sinh học, để tăng cường hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường…

Với những định hướng này, tỉnh Tây Ninh không chỉ duy trì và phát triển sản lượng mãng cầu Bà Đen, mà còn mong muốn đưa sản phẩm này trở thành một trong những mặt hàng nông sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Thục Vy