Xã hội

Nam Giang (Quảng Nam): Giảm nghèo bền vững trên vùng đất khó

Lan Anh 18/09/2024 17:53

Tại huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) ngày càng có nhiều bà con đi đầu trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên chính quê hương của mình. Họ đã biến những vùng đất hoang sơ, cây dại um tùm thành những vườn cây trái trĩu quả, những trang trại chăn nuôi trù phú... mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Tận dụng lợi thế đất đai

Là huyện có diện tích đất nông - lâm nghiệp lớn, trong thời gian qua, huyện Nam Giang tận dụng lợi thế của đất đai, hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số từng bước xóa bỏ tư duy canh tác lạc hậu, tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... đã giúp nhiều hộ dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Trước đây, vợ chồng anh Cơ Sĩ Dia ở xã Cà Dy, huyện miền núi Nam Giang thuộc diện hộ nghèo. Theo nếp cũ, 2 vợ chồng tối mặt với các loại cây truyền thống như sắn chuối, hiệu quả kinh tế thấp, cuộc sống lúc nào cũng túng thiếu. Quyết tâm vượt khó, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương vợ chồng Cơ Sĩ Dia tìm tòi học hỏi từ mô hình sản xuất giỏi ở các địa phương.

h1.jpg
Nhờ thay đổi tư duy sản xuất người dân Nam Giang đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế

Năm 2018, vợ chồng ông vay gần 100 triệu đồng của ngân hàng chính sách xã hội, vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án lồng ghép của huyện để đầu tư trang trại nuôi bò và heo cỏ. Ngoài bìa trang trại, anh Dia còn trồng thêm cây gỗ lớn. Nhờ cần cù công chăm sóc cùng với môi trường thuận lợi, đến nay, trang trại của anh Cơ Sĩ Dia đã có gần 100 con heo nái, heo thịt các loại.

“Trong mấy năm qua, UBND xã Cà Dy tuyên truyền bà con tập trung phát triển kinh tế, sản xuất chăn nuôi, tự thoát nghèo bằng sinh kế tại chỗ, vươn lên làm giàu. Các chương trình đầu tư của nhà nước được xã triển khai đến người dân về con bò, cây keo, cây ăn quả. Huyện đã giải quyết cho nhân dân vay vốn, hỗ trợ của nhà nước đầu tư chăn nuôi, trồng cây gỗ lớn. Chính vì vậy, gia đình tôi đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.” - anh Cơ Sĩ Dia chia sẻ.

Cũng nhờ thay đổi tư duy sản xuất, đến nay ông Zơ Râm Năng ở xã Tà Bhing, huyện miền núi Nam Giang gầy dựng được trang trại chăn nuôi bò và heo cỏ, hiện mỗi năm, ông Năng xuất bán từ 30 đến 60 con heo. Cùng với đó, ông trồng thêm 400 cây bưởi da xanh, mít thái... cho thu nhập khá. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Năng còn hướng dẫn bà con trong thôn, bản học tập và làm theo mô hình kinh tế trang trại, bớt phụ thuộc vào rừng, góp phần giảm nghèo bền vững.

h2.jpg
Mô hình nuôi heo bản địa của anh Cơ Sĩ Dia mang lại nguồn thu nhập cao.

“Gia đình đã cải tạo đất để nuôi bò, trồng bưởi da xanh… phát triển kinh tế với thu nhập ổn định. Đặc biệt, tôi mới trồng thử nghiệm mít Thái Lan. Đến nay, cây sinh trưởng tốt, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của xã Tà Bhing, hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập tốt”- ông Zơ Râm Năng chia sẻ.

Phát triển bền vững

Theo ông Châu Văn Ngọ- Phó Chủ tịch huyện Nam Giang, là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam, Nam Giang hiện có khoảng 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được các cấp chính quyền huyện Nam Giang chú trọng thực hiện theo hướng bền vững, nhất là về thu nhập và chất lượng sống.

Địa phương đã nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình hoạt động sản xuất cụ thể phù hợp với tình hình thực tế địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập. Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, trong năm 2023, huyện đã hỗ trợ cho hàng trăm hộ dân với kinh phí hơn 30 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Trong đó, huyện tập trung vào các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đồng thời hỗ trợ người dân chăn nuôi heo, bò theo chuỗi để đảm bảo đầu ra ổn định.

Bằng sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, cộng với nỗ lực của chính người dân địa phương, giúp quá trình triển khai các mô hình sinh kế đem lại hiệu quả thiết thực. Nhờ vậy, đã cải tạo, chuyển đổi nhiều diện tích đất sản xuất thiếu hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trồng rừng và hình thành các mô hình trang trại hiệu quả.

h4.jpg
Người dân Nam Giang được hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống

Công tác giảm nghèo của địa phương đã có chuyển biến mạnh và hiệu quả, bền vững qua từng năm. Cụ thể: Năm 2021, số hộ nghèo của huyện là 3.644 hộ, chiếm tỷ lệ 50,4%; số hộ cận nghèo là 87 hộ, tỷ lệ 1,2%. Bước sang năm 2022, số hộ nghèo toàn huyện là 3.207 hộ, chiếm tỷ lệ 43,54%, giảm 6,86 so với năm 2021; số hộ cận nghèo là 387 hộ, tỷ lệ hộ 5,25%. Với kết quả này, so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao, hộ nghèo giảm vượt chỉ tiêu 121,28% (473 hộ/390 hộ).

Đến năm 2023, số hộ nghèo của huyện còn 2.654 hộ, tỷ lệ 35,58%, giảm 7,96% so với năm 2022; số hộ cận nghèo còn 603 hộ, tỷ lệ 8,08%. So với chỉ tiêu UBND tỉnh giao, hộ nghèo giảm vượt chỉ tiêu 141,79% (553 hộ/390 hộ).

Như vậy, tính bình quân chung trong 3 năm (2021-2023), tỷ lệ giảm nghèo của huyện Nam Giang giảm 6,49%/năm; đạt mục tiêu Chương trình 24-CTr/HU mà Huyện uỷ Nam Giang đề ra. Đồng thời, kết quả này cũng là bước đà để dự kiến đến năm 2025, toàn huyện sẽ giảm số hộ nghèo còn 1.963 hộ nghèo (giảm 690 hộ), đạt tỷ lệ 25%.

“Nhờ triển khai, phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là các mô hình kinh tế, sản xuất có hiệu quả, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Giang đã có sự chuyển biến rõ nét, nhiều hộ thoát khỏi cảnh đói nghèo vươn lên ổn định cuộc sống”- ông Châu Văn Ngọ cho biết.

Lan Anh