Xã hội

Huyện An Lão: Phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ trong giảm nghèo bền vững

Thanh Tùng 18/09/2024 - 17:53

Trong những năm qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác, nhiều người dân ở huyện An Lão (tỉnh Bình Định) đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình.

Nỗ lực thoát nghèo

Gia đình anh Đinh Văn Khuya (SN 1995, dân tộc H’re), ở thôn 4, xã An Dũng có 4 nhân khẩu, có 2 con nhỏ thì một cháu bị khiếm thính bẩm sinh. Những năm trước đây, cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn, có rừng nhưng lại thiếu vốn để sản xuất. Năm 2018, anh Khuya mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăm sóc và mở rộng 4 ha rẫy keo.

Sau 5 năm, gia đình anh thu hoạch keo một lần. Có vốn để quay vòng, anh tiếp tục đầu tư mua 1 chiếc máy cày để sạ, cày thuê cho người dân; mở tiệm tạp hóa nhỏ để buôn bán hằng ngày. Nhờ biết cách làm ăn, mỗi năm, gia đình anh thu nhập gần 80 triệu đồng, trả hết nợ ngân hàng, mua sắm thêm nhiều vật dụng, phương tiện phục vụ cuộc sống. Anh Khuya là một trong những hộ đầu tiên ở xã An Dũng tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo vào cuối năm 2023.

dam.jpg
Gia đình anh Đinh Văn Dâm được các cấp chính quyền huyện An Lão đánh giá là hộ tiêu biểu trong việc chuyển đổi nghề thành công

Ở thôn Tmanggheng, xã An Trung, gia đình anh Đinh Văn Dâm có 4 nhân khẩu. Là đảng viên, bản thân anh nhận thức rất rõ phải cố gắng vươn lên thoát nghèo bằng sự nỗ lực của mình. Từ suy nghĩ đó, năm 2020, anh mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi, đào ao nuôi cá, cho thuê mặt bằng bán vật liệu xây dựng và trực tiếp đi giao vật liệu xây dựng cho bà con. Nhờ cần cù, chịu khó và nỗ lực vươn lên, gia đình anh từng bước có thu nhập ổn định. Năm 2023, anh đã xây dựng được căn nhà ở khang trang. Gia đình anh Đinh Văn Dâm được các cấp chính quyền huyện An Lão đánh giá là hộ tiêu biểu trong việc chuyển đổi nghề thành công; nhờ chịu khó nỗ lực mà vươn lên thoát nghèo bền vững.

Giống như anh Đinh Văn Khuya và Đinh Văn Dâm, gia đình anh Đinh Văn Cho (SN 1990) dân tộc Hre, ở thôn 2, xã An Quang vốn là hộ nghèo của xã. Anh có mẹ già yếu, 2 con còn nhỏ, vợ không có việc làm. Năm 2021, được vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, được hỗ trợ 3 con heo đen. Có vốn, có heo giống, lại được học nghề chăn nuôi heo, anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, phát triển đàn heo đen, kết hợp với việc nấu rượu lấy hèm nuôi heo và buôn bán nhỏ lẻ. Nhờ đó, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá hơn. Tiếp đó, anh mở 2 bàn bida, buôn bán thêm một số mặt hàng thiết yếu phục vụ cho bà con trong làng và đầu tư trồng 5 ha cây keo trên đất rẫy. Nhờ chịu khó, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, kinh tế của gia đình anh ngày càng phát triển, bình quân hàng năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Năm 2021, gia đình anh Cho đã thoát nghèo.

Anh Khuya, Anh Dâm và anh Cho chỉ là 3 trong số nhiều tấm gương nỗ lực trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo ở huyện An Lão - một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Bình Định. Là huyện khó, trong những năm qua, An Lão nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Số liệu từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện An Lão cho thấy, tính đến thời điểm 30/7/2024, tổng dư nợ vốn vay trên địa bàn huyện đạt 451,55 tỷ đồng, với 5.414 khách hàng và triển khai đồng loạt các chương trình cho vay như: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay học sinh sinh viên; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường… và các chương trình cho vay khác. Nguồn tín dụng ưu đãi đã giúp nhiều đối tượng chính sách trên địa bàn huyện dễ dàng tiếp cận, đầu tư cho sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

2(3).jpg
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Lão đẩy mạnh giải ngân tín dụng đến các đối tượng chính sách

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2024, huyện An Lão được Trung ương, tỉnh phân bổ gần 200 tỷ đồng từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Từ nguồn vốn này, huyện đã đầu tư các công trình để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối liên xã, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, hạ tầng nông thôn của huyện ngày càng được hoàn thiện, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, khang trang. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tăng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Từ năm 2021-2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện giảm bình quân hàng năm là 10,58% với 2.722 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Đến năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 13,72% so với năm 2022, còn 29,75%; phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn dưới 6%.

Xóa bỏ tư tưởng ở lại hộ nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ

Dù công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong những năm qua, tuy nhiên, nhìn chung, đời sống của bà con huyện An Lão còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Giai đoạn 2021-2025, An Lão là huyện nghèo duy nhất của tỉnh được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, huyện cũng được hưởng chính sách hỗ trợ cho huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 (Quyết định số 880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Theo Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện An Lão giai đoạn 2024-2025, huyện đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn dưới 6%, huyện An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo và có 5 xã thoát khỏi đặc biệt khó khăn. Cụ thể, huyện phấn đấu tỷ lệ nghèo đa chiều cuối năm 2024 còn 17,23% giảm 12,52% so với năm 2023; đến cuối năm 2025 còn 9,68%, giảm 7,55% so với năm 2024, với 725 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

3.png
Thị trấn An Lão nhìn từ trên cao

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, huyện An Lão xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo; huy động nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực của xã hội, bố trí ngân sách cho công tác giảm nghèo; thực hiện có hiệu quả các chương trình đảm bảo an sinh xã hội, các chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo; xây dựng các tin, bài, phóng sự biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, vượt khó vươn lên thoát nghèo. Kịp thời giới thiệu cách làm sáng tạo, mô hình hay, dự án thành công trên các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng tuyên truyền cho mọi người dân về mục tiêu giảm nghèo. Động viên, khích lệ người dân xóa bỏ tư tưởng muốn ở lại hộ nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước; khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo của mỗi địa phương, hộ gia đình.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Lão cho biết, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì và triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động của các Điểm giao dịch xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại cho người dân. Chủ động lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn của khách hàng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm… nhằm giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả công tác An sinh - xã hội trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, xác định một số nguyên nhân nghèo là không có đất sản xuất, không có vốn sản xuất, kinh doanh hoặc không có lao động, trong giai đoạn 2024-2025, huyện An Lão xác định bố trí đất sản xuất cho 379 hộ nghèo, cận nghèo (xã An Vinh 374 hộ và An Toàn 5 hộ) trên tổng số 402 hộ thiếu đất, còn lại 23 hộ ở các xã sẽ hỗ trợ chuyển đổi nghề và thực hiện hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất. Tổ chức giới thiệu việc làm qua các phiên tư vấn việc làm lưu động cho 586 lao động với một số ngành nghề chủ yếu như may mặc, lái xe, nghề điện, phục vụ nhà hàng, sửa chữa xe máy...

Huyện An Lão có tổng diện tích đất tự nhiên 69 ngàn ha, cách trung tâm tỉnh 120 km. Phía Bắc giáp huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi); phía Nam giáp huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh; phía Đông giáp huyện Hoài Nhơn; phía Tây giáp huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) và huyện Kờ Bang (tỉnh Gia Lai). An Lão có 9 xã, 1 thị trấn, trong đó có 8/10 xã đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 9.500 hộ, hơn 33 ngàn nhân khẩu, 3 dân tộc chính: Kinh, Hre và Bana, người dân tộc thiểu số chiếm gần 40%.

Thanh Tùng