Môi trường

Australia – Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng

Minh Hạnh 18/09/2024 - 15:42

Ngày 18/9, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Hiện trạng chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VSET). VSET là hoạt động tổng kết giai đoạn 2 của Sáng kiến Tương lai Ngành điện Việt Nam (FE-V), được triển khai từ năm 2023.

Mục tiêu của VSET là trình bày các kết quả nghiên cứu của FE-V và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác bền vững giữa các bên liên quan trong khu vực công và khu vực tư nhân thông qua các phiên làm việc hợp tác và tương tác đồng cấp. VSET đồng thời hướng tới đặt nền móng cho các hoạt động tiềm năng trong tương lai của FE-V, chẳng hạn như phát triển báo cáo thường niên về tiến trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam, cho biết: Australia và Việt Nam đã cùng nhau nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Trong đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác ở cấp độ này với 6 nước và Australia cũng đã thiết lập quan hệ này với 5 nước khác. Tuy nhiên, với cả Australia và Việt Nam, cả hai quốc gia chúng ta đều coi biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng là các trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác này. Đây cũng là điểm đặc biệt nhất trong mối quan hệ giữa hai bên.

img_7914.jpg
Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam, phát biểu khai mạc hội nghị.

Đại sứ Australia đánh giá, cả Việt Nam và Australia có nhiều điểm tương đồng, như cùng cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và sở hữu tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lớn. Theo đó, Australia mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch này.

“Đây cũng là lý do chúng tôi tổ chức Hội nghị ngày hôm nay, sự hỗ trợ không chỉ về mặt tài chính mà chúng tôi muốn ghi nhận những ý kiến, sáng kiến của các chuyên gia để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam được triển khai một cách hiệu quả nhất”, ông Andrew Goledzinowski nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã có bài trình bày về thực trạng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Long đã nêu 5 vấn đề Việt Nam cần giải quyết trong quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm: nguồn vốn, công nghệ hiện đại, lực lượng lao động tay nghề cao, năng lực quản trị và học hỏi kinh nghiệm để xây dựng khuôn khổ, chính sách và khung pháp lý phù hợp hỗ trợ việc chuyển dịch.

img_7928.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương, có bài trình bày về thực trạng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Công thương lưu ý, Việt Nam đang trên hành trình đang trên hành trình phát triển điện gió. Sắp tới, sẽ có nhiều dự án thí điểm được triển khai và Việt Nam sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đảm bảo một nền tảng chính xác, minh bạch và một thị trường công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư tư nhân Viêt Nam tham gia trong lĩnh vực điện gió.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ rà soát Quy hoạch điện VII và chủ động phối hợp với các đối tác quốc tế, bao gồm Australia hoàn thiện Quy hoạch trong thời gian tới.

Tiếp lời ông Nguyễn Hoàng Long, bà Audrey Zibelman, Nguyên Tổng giám đốc điều hành của Cơ quan điều hành Thị trường Năng lượng Australia (AEMO), đã chia sẻ về một số kinh nghiệm từ Australia trong quá trình chuyển dịch năng lượng.

Bà cho biết để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng, cần phải triển khai đồng thời nhiều hoạt động. Theo đó, trong các khuôn khổ chính sách được đưa ra cần xác định hướng đi rõ ràng và chắc chắn cho quá trình này.

hoi-nghi-nang-luong-1.jpg
Bà Audrey Zibelman, Nguyên Tổng giám đốc điều hành của Cơ quan điều hành Thị trường Năng lượng Australia, trình bày trực tuyến tại hội nghị.

Trong bài trình bày của mình, bà Audrey Zibelman cũng đề cập với một vài thách thức mà Australia đã ghi nhận trong quá trình chuyển đổi bao gồm vấn đề về nguồn nhân lực, chuỗi cũng ứng và huy động tài chính. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi quốc gia phải xây dựng các chính sách cụ thể, rõ ràng và toàn diện, có sự liên kết các khái niệm như

Đặc biệt, trong quá trình chuyển dịch năng lượng, phía Australia đã rút ra một bài học quan trọng, đó là các giải pháp đổi mới không chỉ liên quan đến kỹ thuật mà còn liên quan tới các khía cạnh khác. Trong đó, nỗ lực đổi mới này cần phản ánh được nội hàm của sự thay đổi dưới tác động của thị trường, chính sách và kỹ thuật.

Quá trình chuyển dịch năng lượng không chỉ là sự thay đổi từ nguồn năng lượng này sang nguồn năng lượng khác mà là sự thay đổi trong cả hệ thống, từ khâu sản xuất tới tiêu dùng. Ví dụ, quá trình chuyển đổi sang xe điện sẽ cần điện khí hoá cả hệ thống giao thông vận tải. Do đó, để triển khai nỗ lực này một cách hệ thống và hiệu quả, quốc gia cần có cái nhìn toàn diện và hướng đi cụ thể.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tham gia 3 phiên thảo luận về vấn đề: Chia sẻ kinh nghiệm và đánh giá quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam; Thảo luận về chuyển dịch năng lượng 8 và Mở khóa Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam 8.

hoi-nghi-nang-luong.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tương lai Ngành điện Việt Nam (FE-V) là một chương trình chính sách khoa học nhằm tận dụng kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng của Australia để hỗ trợ Việt Nam khám phá các can thiệp thiết thực, khả thi trong ngành điện nhằm đảm bảo hệ thống điện trung hòa các-bon, đáng tin cậy và giá cả phải chăng. Kể từ năm 2022, FE-V đã tập hợp các cơ quan liên quan từ Australia và Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, phân định phạm vi các thách thức chung của ngành điện và cùng nhau khám phá các giải pháp tiềm năng cho ngành điện Việt Nam. FE-V dựa trên các nghiên cứu kỹ thuật định hướng chính sách về ngành điện của Australia, và phân tích kinh nghiệm của Australia có thể là các tài liệu tham khảo hữu ích cho quá trình Chuyển dịch Năng lượng ở Việt Nam.

Các nghiên cứu kỹ thuật này được đóng góp từ cơ chế thảo luận bao gồm các cuộc họp nhóm công tác kỹ thuật, đối thoại chính sách và tham quan học tập trình bày các phát hiện để các đối tác chính của Việt Nam bàn luận và tương tác. Để đạt được điều này, FE-V xem xét ngành điện Việt Nam theo bảy khía cạnh chính: nguồn điện, nhiên liệu, tiêu thụ, lưới điện, thị trường, quy hoạch và khả năng phục hồi; cũng như đề xuất khám phá từng khía cạnh dựa trên chuyên môn của các đối tác G2G và các tổ chức nghiên cứu của Australia.

Trong đó, việc triển khai FE-V được chia thành nhiều giai đoạn, được thiết kế nhằm hướng đến đối thoại và sự tham gia từ các bên liên quan tổ chức cụ thể của hệ thống điện Việt Nam.

Cụ thể, FE-V Giai đoạn 1 (2022 – 2023) nhằm cung cấp các thông tin tham khảo và hỗ trợ xem xét định hướng phát triển năng lượng quốc gia theo hướng trung hòa các-bon, đáng tin cậy, giá cả phải chăng (sửa đổi Nghị quyết 55).

Ở giai đoạn 2 (2023 – 2024), chương trình hướng tới thiết lập quan hệ hợp tác kỹ thuật ngang hàng giữa các cơ quan chính phủ chủ chốt theo các khía cạnh chuyên đề để giúp vạch ra lộ trình chuyển dịch năng lượng rõ ràng, thiết thực; và tận dụng kinh nghiệm của Australia để đưa ra các lựa chọn giải quyết các thách thức liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của Quy hoạch điện VIII.

Minh Hạnh