Doanh nghiệp - doanh nhân

Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài

Ngọc Trâm 18/09/2024 - 11:39

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, giữ đà tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách, Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững

Dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết, GDP thực tế của Việt Nam đã tăng 6,93% so với cùng kỳ trong quý II/2024. Kết quả này không chỉ tiếp nối đà tăng từ mức 5,87% trong quý I/2024, mà còn vượt qua mức tăng 6,72% của quý IV/2023 và 4,05% trong cùng kỳ năm 2023.

Tổng cộng, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024, vượt xa mức 3,84% của nửa đầu năm 2023.

1(1).jpg
Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài

Sự tăng trưởng này được củng cố nhờ vào sự phát triển đồng đều của cả 2 lĩnh vực chính là sản xuất và dịch vụ.

Trong quý II/2024, lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 10,0% so với cùng kỳ, trong khi lĩnh vực dịch vụ cũng ghi nhận sự tăng trưởng 7,1%. Đây là quý thứ 11 liên tiếp lĩnh vực dịch vụ có kết quả tích cực kể từ khi phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Hoạt động ngoại thương của Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng trong quý II/2024, bất chấp những thách thức từ xung đột từ Nga - Ukraine và tình trạng gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ.

Xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức tăng 10,5% so với cùng kỳ trong tháng 6, trong khi nhập khẩu tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thặng dư thương mại đạt 11,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, gần bằng mức thặng dư 12,1 tỷ USD của cả năm 2022.

Cơ hội rộng mở cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Tại Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN” vừa được tổ chức mới đây, phân tích về các lợi thế của Việt Nam, dưới góc độ nhà đầu tư, ông Wee Ee Cheong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Singapore cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á với tiềm năng đầy hứa hẹn. Việt Nam có các yếu tố vĩ mô thuận lợi như dân số trẻ, lao động lành nghề và tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Ngoài ra, Việt Nam được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh, đạt mức kỷ lục trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thị trường sản xuất thiết bị điện tử quan trọng của thế giới.

2(1).jpg
Hoạt động ngoại thương của Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng trong quý II/2024

Sau căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và đại dịch Covid-19 đã có sự thay đổi đáng kể hướng tới khả năng phục hồi, đa dạng hóa và an ninh của chuỗi cung ứng. Đã có sự dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia gần, thách thức vị thế nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới của Trung Quốc. Việt Nam là quốc gia tại ASEAN được hưởng lợi ít nhiều từ việc sắp xếp lại các thị trường xuất khẩu toàn cầu.

Theo ông Wee Ee Cheong, Việt Nam đang thu hút các khoản đầu tư lớn trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó, ngành chế biến và sản xuất vẫn là ngành chủ đạo thu hút vốn FDI của Việt Nam, thu hút hơn 72% tổng vốn đầu tư vào năm 2023. Điều này phù hợp với xu hướng lâu nay Việt Nam là điểm đến quan trọng cho sản xuất do chi phí lao động cạnh tranh, cơ sở hạ tầng phát triển và chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và làn sóng “Trung Quốc +1”.

3.jpg
Việt Nam là thị trường sản xuất thiết bị điện tử quan trọng của thế giới

Thảo luận về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Victor Ngo - Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam cho hay, trong khu vực ASEAN, Việt Nam nổi bật với vị thế như một cửa ngõ vào khu vực. Vị trí chiến lược, dân số đông và trẻ, cùng các chính sách thân thiện làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng của ASEAN.

Các chuyên gia quốc tế đều cho rằng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Môi trường thuận lợi mở ra thêm nhiều cơ hội cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó việc đa dạng hóa các quan hệ đối tác thương mại giữa các khu vực với việc tăng cường các FTA sẽ thúc đẩy nhu cầu thương mại và cung cấp khả năng phục hồi trước các yếu tố kinh tế bên ngoài.

Hiện các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quy mô lớn của Việt Nam đang tìm cách gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của mình, đa dạng hóa và ưu tiên nguồn cung ứng tại chỗ; nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng ngày càng thiếu ổn định và chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do tình hình và xu hướng sản xuất công nghiệp toàn cầu thường xuyên biến động.

Từ đó, cơ hội ngày càng rộng mở đối với các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Tuy nhiên, để có thể gia nhập được vào chuỗi cung ứng của tập đoàn sản xuất quốc tế, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe của các đối tác nên thời gian tới cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm cải thiện năng lực sản xuất, cung ứng.

Ngọc Trâm