Ninh Thuận ban hành Chương trình thích ứng với BĐKH
(TN&MT) - UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành “Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”.
Trước bối cảnh, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Đối với Ninh Thuận, do đặc thù về vị trí địa lý và địa hình, Ninh Thuận là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của BĐKH; từ số liệu quan trắc thực tế cho thấy, xu thế BĐKH tại Ninh Thuận trong 30 năm qua diễn biến nhanh chóng, đòi hỏi cần có hành động gấp rút để kịp thời ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại, tăng cường quản lý nhà nước về BĐKH.
UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành “Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”.
Với quan điểm, thích ứng với BĐKH, phòng, chống thiên tai có vị trí quan trọng trong các quyết định phát triển; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Các hoạt động thích ứng với BĐKH phải được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm.
Thích ứng với BĐKH phải gắn với phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên-xã hội và tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại; đầu tư cho thích ứng với BĐKH phải có hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường, phù hợp với yêu cầu trước mắt và những tác động tiềm ẩn lâu dài.
Nội dung thích ứng với BĐKH phải được lồng ghép trong các chính sách, hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có liên quan của tỉnh. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với BĐKH, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Sống chung với hạn hán, nâng cao năng lực thích ứng, giảm thiểu tối đa rủi ro mưa lũ và ứng phó có hiệu quả với tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn.
Chương trình thích ứng với BĐKH có mục tiêu chung là, nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động tiêu cực của BĐKH thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do BĐKH và tận dụng cơ hội do BĐKH mang lại để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng an toàn, thông minh với BĐKH.
Trong đó, chương trình xác định một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, nâng cao nhận thức về BĐKH, phòng tránh thiên tai: 100% cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân hiểu biết cơ bản về BĐKH, phòng tránh thiên tai; 100% các trường học, cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh được phổ biến kiến thức về BĐKH, phòng tránh thiên tai.
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách: Ban hành đầy đủ các văn bản về cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, khuyến khích, thu hút sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế cho các hoạt động thích ứng với BĐKH phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.
Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học: Hoàn thành công tác khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; 100% các hồ chứa và công trình khai thác, xả nước thải vào nguồn nước được cấp phép phải có hệ thống quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến.
Phát triển hệ thống quan trắc, giám sát khí tượng thuỷ văn: Từng bước hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát khí tượng thuỷ văn, đảm bảo 100% mạng lưới quan trắc khí tượng thuỷ văn chuyên dùng do tỉnh đầu tư được lắp đặt thiết bị cảnh báo, quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến.
Giảm phát thải khí nhà kính: Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính; 100% cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) phải xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm theo quy định.
Nâng cao hiệu quả công trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với BĐKH: Phấn đấu thực hiện đạt 100% các nhiệm vụ, dự án ưu tiên theo kế hoạch; có ít nhất 01 trường/xã, phường được đánh giá là trường học an toàn.
Bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới: xây dựng ít nhất 01 mô hình sinh kế bền vững thích ứng BĐKH dựa vào tự nhiên, vào hệ sinh thái, vào cộng đồng/địa bàn huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ: Hàng năm, triển khai thực hiện ít nhất từ 1 đến 2 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ về thích ứng với BĐKH, phòng tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Đưa chỉ tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và chỉ tiêu giảm nhẹ phát thải và hấp thu khí nhà kính vào nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.
Chương trình đề xuất 103 nhiệm vụ, dự án thuộc 9 nhóm lĩnh vực, ngành để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030 với nguồn kinh phí dự kiến huy động trên 29.555 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 trên 12.469 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 trên 17.085 tỷ đồng.