Sức khỏe

Hà Nội: Phòng dịch bệnh đảm bảo môi trường an toàn trong mưa lũ

Ngọc Trâm 17/09/2024 - 19:36

(TN&MT) - Hậu quả của bão số 3 và mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn Hà Nội không chỉ gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và tài sản mà còn để lại những mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe người dân. Thành phố đã và đang triển khai hàng loạt biện pháp khắc phục, tập trung vào xử lý vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh nhằm ổn định đời sống người dân.

Nguy cơ dịch bệnh từ nước lũ và ô nhiễm môi trường

Sau bão lũ, nguy cơ ô nhiễm từ nguồn nước, thực phẩm do các mầm bệnh, chất thải sinh hoạt và động vật bị cuốn theo dòng lũ trở nên đáng lo ngại. Mưa lũ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus và các trung gian truyền bệnh phát triển dẫn đến sự gia tăng của các bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, bệnh ngoài da, bệnh về mắt và đặc biệt là sốt xuất huyết.

338188cfeb9c4dc2148d.jpg
Mưa lớn, ngập lụt đã cuốn trôi nhiều vật dụng, thiết bị trở thành rác thải, tạo nên cảnh tượng ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Đức Tâm

Sở Y tế Hà Nội cho biết, nhiều khu vực tại Hà Nội bị ngập úng kéo dài khiến nguồn nước và thực phẩm dễ bị ô nhiễm. Các bệnh về tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, và nhiễm khuẩn tiêu chảy đã gia tăng đáng kể. Tiêu chảy thường lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải hoặc nguồn nước bẩn.

Đặc biệt, điều kiện vệ sinh kém và độ ẩm cao trong mùa mưa lũ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh ngoài da. Nấm, ghẻ, nước ăn chân, mẩn ngứa và chốc lở là những bệnh ngoài da phổ biến, gây khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày của người dân. Ngoài ra, các bệnh về mắt như đau mắt đỏ, viêm kết mạc cũng gia tăng do vi khuẩn, virus sinh sôi trong môi trường ẩm thấp và nguồn nước bẩn.

5d950f3daaa90df754b8.jpg
Điều kiện vệ sinh kém và độ ẩm cao trong mùa mưa lũ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh ngoài da. Ảnh: Đức Tâm

Sốt xuất huyết - một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, cũng có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ sau bão lũ khi muỗi vằn phát triển nhanh chóng trong các vùng nước đọng và môi trường ngập lụt, tăng nguy cơ mắc bệnh cho cộng đồng.

Theo báo cáo từ các đơn vị y tế, sau bão lũ đã ghi nhận 508 ca bệnh về da, 42 ca bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt và 1 ca mắc sốt xuất huyết tại các khu vực ngập lụt.

Nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó

Với phương châm “nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó”, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị y tế tập trung mọi nguồn lực cho công tác vệ sinh môi trường. Đồng thời, tiến hành cấp phát hàng nghìn kg hóa chất khử trùng như Cloramin B, vôi bột và phèn chua để xử lý nguồn nước, đảm bảo vệ sinh môi trường cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Các trung tâm y tế đã triển khai các biện pháp khử trùng tại những điểm ngập úng nghiêm trọng, đặc biệt là tại 52 điểm chân rác bị ngập. Đến thời điểm hiện tại, đã xử lý được 36 điểm, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nguồn rác thải bị ô nhiễm.

42554a51d8397e672728.jpg
Cán bộ Trạm y tế xã Hoà Lâm (TTYT huyện Ứng Hoà) và Trạm y tế xã Hồng Thái (TTYT huyện Phú Xuyên) hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường tại hộ gia đình.

Đối với các cơ sở y tế bị ngập, Sở Y tế đã chủ động di dời 5 Trạm Y tế tại các địa phương bị ảnh hưởng như Chương Mỹ, Sơn Tây và Ứng Hòa đến các địa điểm an toàn hơn, đảm bảo duy trì hoạt động khám chữa bệnh. Các trạm y tế tạm thời này không chỉ đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và trang thiết bị, mà còn tiếp tục phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương.

Theo báo cáo từ các đơn vị y tế, sau bão lũ, đã ghi nhận 508 ca bệnh về da, 42 ca bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt và 1 ca mắc sốt xuất huyết tại các khu vực ngập lụt. Các bệnh viện và trung tâm y tế đã chủ động cấp phát thuốc phòng bệnh, bao gồm kháng sinh, thuốc bôi ngoài da, men tiêu hóa và thuốc nhỏ mắt cho người dân tại những khu vực bị ảnh hưởng. Một số địa phương như Quốc Oai, Sóc Sơn, Chương Mỹ đã phát hàng chục loại thuốc thiết yếu giúp ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.

Để phòng chống dịch bệnh bùng phát sau lũ, các biện pháp vệ sinh môi trường đang được đẩy mạnh. Các đội ngũ y tế tiếp tục phun hóa chất diệt côn trùng tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời triển khai thu gom và xử lý xác động vật, rác thải sinh hoạt… những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm.

7cc13ec86da1cbff92b0.jpg
Lãnh đạo trung tâm y tế Thanh Oai , HN kiểm tra máy phun hóa chất phòng chống dịch

Trước đó, chung tay hỗ trợ người dân vùng lũ huyện Chương Mỹ vượt qua khó khăn, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do TS. Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở dẫn đầu đã đến thăm và trao tặng 100 kiện nước muối sinh lý, 55 kiện thuốc điều trị các bệnh về mắt, da liễu và tiêu hóa để giúp người dân phòng ngừa và điều trị các bệnh thường xuất hiện trong điều kiện ngập lụt. Những hỗ trợ kịp thời này hỗ trợ người dân địa phương phòng ngừa và điều trị các bệnh thường xuất hiện trong điều kiện ngập lụt, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố và các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng tham gia cứu trợ, hỗ trợ khi cần thiết. Các đội ngũ y tế cũng sẽ tiếp tục triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt khuẩn và côn trùng, ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

Một trong những nhiệm vụ trọng yếu là nâng cao nhận thức cộng đồng về việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sau bão lũ. Sở Y tế Hà Nội đã triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm hướng dẫn người dân sử dụng nguồn nước sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ bản thân khỏi các bệnh truyền nhiễm. Các hình thức tuyên truyền đa dạng từ phát thanh, tờ rơi đến các buổi truyền thông trực tiếp tại các hộ gia đình bị ngập, giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc phòng chống dịch bệnh sau lũ.

Không sử dụng gia súc chết do mưa lũ làm thực phẩm

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng gia súc và gia cầm chết do mưa lũ làm thực phẩm hoặc chế biến món ăn. Trong các khu vực bị ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng, người dân nên ưu tiên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn như lương khô, mì gói và nước uống đóng chai.

Nếu nguồn cấp nước, chẳng hạn như giếng khoan hoặc giếng khơi bị ngập lụt, cần lọc và khử trùng nước trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, việc kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Các tổ chức và cá nhân hỗ trợ thực phẩm cho người dân vùng lũ cần đảm bảo lương thực, thực phẩm và nước uống không bị hỏng, mốc, giập vỡ hoặc hết hạn sử dụng trước khi phân phát đến tay người dân.

Ngọc Trâm