Đất đai

Sơn La: Hoàn thành điều tra, đánh giá ô nhiễm đất

Nguyễn Nga 17/09/2024 - 18:45

(TN&MT) - Chiều ngày 17/9, Sở TN&MT Sơn La tổ chức Hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học thuộc các Sở, ngành, UBND cấp huyện vào kết quả nhiệm vụ Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu trên địa bàn tỉnh.

Dự án Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Đề cương, dự toán nhiệm vụ tại Quyết định 2560/QĐ-UBND ngày 20/10/2021.

z5840282915451_45523b24844d1c9ec0853b06c5b9dedb.jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Mục tiêu dự án nhằm xác định các khu vực, diện tích đất bị ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm; xác định nguyên nhân ô nhiễm và đề xuất hướng quản lý, sử dụng bền vững khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm; xác định sự phân bố khoanh đất nông nghiệp thành các hạng đất phù hợp với từng mục đích sử dụng cụ thể.

Từ đó, xây dựng bản đồ ô nhiễm đất, phân hạng đất; cung cấp dữ liệu phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

Dự án được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, đối tượng điều tra, đánh giá ô nhiễm đất là: Khu, cụm công nghiệp; Khu tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; khu khai thác, chế biến khoáng sản; bãi chứa chất thải, rác thải; khu canh tác sử dụng nhiều phân vô cơ và thuốc BVTV; kho chứa thuốc BVTV…

Đối tượng điều tra, phân hạng đất nông nghiệp là trên 1 triệu ha đất nông nghiệp trừ đất nông nghiệp khác.

Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã báo cáo kết quả Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo đó, Dự án đã xác định được các khu vực, diện tích đất bị ô nhiễm là khoảng 677ha; cận ô nhiễm là hơn 118ha.

Tổng hợp, xác định các nguồn gây ô nhiễm có thể bắt nguồn từ tự nhiên (quá trình phong hóa đá khoáng vật, quá trình gley hóa, sự lan truyền ô nhiễm, mỏ khoáng sản kim loại) hoặc nhân tạo (chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, chất thải sinh hoạt). Tác nhân gây ô nhiễm có thể do chất thải kim loại, chất thải sinh hoạt, dầu, chất tẩy rửa, hóa chất, các loại thuốc bảo vệ thực vật…

a2(2).jpg
Lãnh đạo huyện Mai Sơn tham gia ý kiến vào kết quả Dự án.

Về kết quả điều tra phân hạng đất nông nghiệp lần đầu, đã phân hạng đất nông nghiệp theo 4 mức. Trong đó, diện tích hạng đất nông nghiệp ở mức rất thích hợp là trên 98.600 ha, chủ yếu ở các mục đích sử dụng đất trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng…

Ở mức thích hợp là hơn 888.000ha, chủ yếu trên các loại đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… Ít thích hợp là trên 68.000 ha, chủ yếu trên các loại đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm.. Không thích hợp là 883ha, chủ yếu trên các loại đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác…

Đồng thời, đã xây dựng bản đồ ô nhiễm đất, phân hạng đất nông nghiệp lần đầu trên địa bàn 12 huyện, thành phố.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, cải tạo đất, nhóm nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp bảo vệ, cải tạo đất cụ thể đến từng khu vực; giải pháp về vốn và các vấn đề ưu tiên trong bảo vệ môi trường đất; giải pháp cụ thể về kỹ thuật: Canh tác, ứng dụng công nghệ cao, về phân bón... Đề xuất định hướng quản lý, sử dụng đất với khu vực khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp; khu khai thác, chế biến khoáng sản; các khu vực chôn lấp, xử lý rác thải…

Tiếp đó, đại diện các sở, ngành, các huyện thành phố đã tập trung thảo luận, làm rõ thêm về kết quả rà soát, xác định các khu vực, diện tích đất bị ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm; nguyên nhân ô nhiễm; đề xuất hướng quản lý, sử dụng bền vững khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm; kết quả phân hạng đất theo từng địa bàn các huyện; mức độ phù hợp của phân hạng đất với hiện trạng sử dụng đất...

22.jpg
Một số khu vực đất thuộc diện điều tra, đánh giá.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Giám đốc Sở TN&MT Phùng Kim Sơn nhấn mạnh: Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất, phân hạng đất nông nghiệp là rất cần thiết, để đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác, khoa học thực trạng ô nhiễm đất cũng như phân hạng đúng nguồn tài nguyên đất nông nghiệp của tỉnh.

Kết quả dự án là cơ sở để đề xuất chính sách tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, biện pháp cải tạo đất và bảo vệ đất, khai thác sử dụng đất có hiệu quả cả về số lượng, chất lượng đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Qua báo cáo kết quả Nhiệm vụ, nhìn chung, công tác điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu trên địa bàn tỉnh đã sát với hiện trạng đất đai của tỉnh. Quá trình triển khai dự án đã được Sở TN&MT giám sát, kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ.

Đồng chí Giám đốc Sở TN&MT đề nghị đơn vị tư vấn chủ trì, tiếp tục phối hợp với Sở TN&MT tiếp thu các ý kiến tham gia của các đại biểu dự hội thảo, hoàn chỉnh Dự thảo báo cáo để trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Nguyễn Nga