Thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong quản lý tài nguyên khoáng sản
(TN&MT) - Thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã giao Sở TN&MT Nghệ An cùng các cấp, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn. Nhờ đó, hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi cơ bản đã đi vào nền nếp.
Trên cơ sở các quy hoạch khoáng sản được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 51/2015/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 về việc ban hành Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Quyết định số 3089/QĐ-UBND, ngày 27/9/2023 phê duyệt chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; UBND tỉnh Nghệ An đã tích hợp các quy hoạch trên vào Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023. Theo đó, tổng số mỏ cát, sỏi và khu vực nạo vét sông, cửa biển được quy hoạch là 200 khu vực điểm mỏ thuộc 21 huyện, thị xã, thành phố với tổng tài nguyên dự báo khoảng hơn 67 triệu m3.
Việc cấp phép cho đơn vị khai thác chủ yếu thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, nâng cao giá trị tài nguyên, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương, góp phần ngăn chặn đáng kể tình trạng khai thác cát trái phép.
UBND tỉnh Nghệ An đã đề ra nhiều giải pháp tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông như ban hành các Văn bản chỉ đạo, điều hành về việc triển khai thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Quy định thời gian khai thác trong năm đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh; Phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước trong công tác quản lý cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở TN&MT cùng các cấp, ngành, đơn vị có liên quan đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn. Nhờ đó, hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát cơ bản đã đi vào nền nếp. Trên cơ sở báo cáo của Sở TN&MT, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại trong hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi lòng sông. Đồng thời, giao Sở TN&MT thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh đối với hàng chục mỏ cát.
Hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh, đáp ứng kịp thời phục vụ thi công các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò; Đại lộ Vinh - Cửa Lò…
Ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho hay: Trên quan điểm quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu của chính quyền cơ sở trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật khoáng sản đối với các tổ chức, doanh nghiệp và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý theo quy định; tiếp tục đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản lắp trạm cân, camera giám sát, chấp hành đầy đủ các quy định theo giấy phép đã được cấp có thẩm quyền cấp và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan. Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cát nhân tạo để thay thế dần cho cát tự nhiên”.
Hiện, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp hơn 60 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông còn hiệu lực, với tổng trữ lượng đã cấp phép là khoảng trên 20 triệu m3, công suất khai thác hơn 3 triệu m3/năm. Các giấy phép được cấp chủ yếu tập trung tại các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn.
Nghệ An là một trong những tinh thực hiện tốt Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Đặc biệt, tinh đã khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, góp phần đưa công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông đi vào nền nếp, khắc phục tình trạng khai thác, tập kết cát sỏi trái phép, hạn chế tối đa việc sạt lở,bảo vệ bờ, bãi sông, hệ thống đê điều...
Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong:
Cần tạo cơ chế đặc thù về cấp phép khai thác cát, sỏi ở miền núi
Do đặc thù là huyện miền núi, cấu trúc địa chất nhiều nhánh sông, suối nhỏ, độ dốc lớn… nên dòng chảy đa số theo các sườn núi, đồi dốc, ít có vùng trũng, bãi bồi. Do vậy, nguồn cát, sỏi trên địa bàn huyện thường manh mún, không tập trung thành từng vùng lớn đủ trữ lượng để khai thác mỏ tập trung dài hạn, nếu được cấp phép từng điểm chỉ đủ khai thác theo mùa vụ. Bên cạnh đó, quy định của Luật Khoáng sản chưa có quy định riêng cấp phép hoạt động khoáng sản cát, sỏi theo mùa vụ tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo hướng đơn giản để giảm suất đầu tư xây dựng công trình; tránh thất thoát nguồn tài nguyên.
Ngoài ra, Quế Phong là một trong những huyện nghèo của cả nước nên trên địa bàn huyện không có các công trình dự ánlớn. Trữ lượng cát, sỏi không nhiều, manh mún nên chưa thu hút được các doanh nghiệp tới đầu tư để khai thác mỏ cát khiến giá cát sỏi vận chuyển trên địa bàn huyện tương đối cao (giá mua tại mỏ cát tại xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu chở về đến thị trấn Kim Sơn và các xã lân cận thị trấn dao động khoảng từ 220 - 250 nghìn đồng/m3), đối với các xã xa trung tâm thị trấn, giá thành lại càng cao hơn vì phải tính thêm cước vận chuyển.
Do vậy, chính quyền và nhân dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cát, sỏi, đặc biệt là khi xây dựng các công trình do nhân dân đóng góp hay các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Giá cát xây dựng hiện đang ở mức quá cao, trong khi nếu có mỏ khai thác cát trên địa bàn thì chi phí sẽ giảm đáng kể so với giá mua tại khu vực mỏ ở Châu Thắng, huyện Quỳ Châu chở về huyện, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Trước tình hình này, huyện Quế Phong kính đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan cấp trên xem xét chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư và cấp giấy phép khai thác cát, sỏi trên địa bàn huyện. Đồng thời đề xuất cho phép Doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi nhiều vị trí điểm mỏ trong cùng một Giấy phép ở trên địa bàn huyện để đủ trữ lượng cát, sỏi khai thác, hoặc có chính sách ưu đãi về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất…
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương:
Siết chặt quản lý công suất khai thác cát sỏi lòng sông
Trên địa bàn huyện Thanh Chương hiện đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép một số mỏ cát với 5 giấy phép khai thác và 8 điểm mỏ. Nhờ vậy đã tạo điều kiện cho các cơ quan đơn vị, tổ chức trong việc quan lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn được hiệu quả, chống thất thu thuế trong hoạt động khoáng sản, mặt khác giúp cho cá nhân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số công ty khai thác trong thời gian qua vẫn để xảy ra tình trạng khai thác vượt ngoài công suất, khối lượng cho phép bị các cơ quan kiểm tra phát hiện xử lý.
Cụ thể, vào cuối năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt hành chính 900 triệu đồng đối với Công ty CP Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương (địa chỉ ở khối 1, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương), đơn vị này được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương.
Kết quả kiểm tra cho thấy, công ty này đã khai thác cát, sỏi lòng sông vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản từ 100% trở lên. Cụ thể, năm 2020 vượt 211,2%; năm 2021 vượt 208,6% công suất được phép khai thác hàng năm. Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh cũng đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng đối với Công ty cổ phần Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương.
Hay trước đó, vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Hoàng Nguyên vì những vi phạm tương tự. Theo đó, công ty này bị UBND tỉnh xử phạt 300 triệu đồng vì hành vi khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản. Cụ thể, công suất được phép khai thác cát hàng năm của công ty này là 23.920m3. Tuy nhiên, qua kiểm tra, trong năm 2021, công ty này đã khai thác 30.751,5m3, vượt 28,5% công suất, với khối lượng vượt là 6.831m3.
Trước thực trạng trên, để quản lý tốt hơn, thời gian tới, trên cơ sở các quy định, định mức UBND huyện Thanh Chương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, khi phát hiện các trường hợp sai phạm, tiến hành xử lý theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, kiến nghị xử lý theo quy định.