Khoáng sản

Nghệ An triển khai Nghị định 23/2020/NĐ-CP: Hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH:Mạnh tay xử lý khai thác cát trái phép

Phạm Tuân 17/09/2024 14:59

(TN&MT) - Khai thác cát trái phép tại các sông, suối từ lâu đã trở thành “vấn nạn” làm đau đầu các cơ quan quản lý nhà nước. Trước thực tế trên, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, Nghị định 23/2020/NĐ-CP ra đời và có hiệu lực giúp công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, liên tục đã đưa hoạt động khai thác cát, sỏi dần đi vào ổn định, nền nếp.

Nhiều trường hợp khai thác trái phép bị xử lý

Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép hoặc khai thác quá mức đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai; tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đê kè, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản, tính mạng và cuộc sống sinh hoạt của người dân. Đó là một trong những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, nhất là những hộ dân sống ven sông trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Không những thế, thực trạng khai thác cát, sỏi “lậu” trên địa bàn còn làm thất thoát tài nguyên, thất thu thuế của Nhà nước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép có nhiều lý do được đưa ra. Trong đó, có thể kể đến như nguồn cung về cát xây dựng không đáp ứng nhu cầu thực tế dẫn đến tình trạng khan hiếm cát, đẩy giá cát lên cao. Việc quản lý các phương tiện (tàu, thuyền) trên sông còn hạn chế, nhiều phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, nhiều trường hợp người dân vạn chài sử dụng thuyền là phương tiện sinh sống nhưng đã lắp đặt thêm máy hút kết hợp việc khai thác, vận chuyển cát. Cùng với đó, một số đơn vị khai thác đã lợi dụng việc phao (mốc giới mỏ) bị dịch chuyển do ảnh hưởng của mưa, bão, dòng chảy để khai thác vượt ranh giới mỏ,…

Trước thực trạng trên, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Sở TN&MT, Công an tỉnh, các đơn vị, Phòng nghiệp vụ… tăng cường phòng, chống các loại tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn.

Cụ thể, ngày 17/4/2024, qua công tác tuần tra kiểm soát trên tuyến sông Lam, tại khu vực thuộc khối Hùng Sơn, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tổ công tác thuộc Đội CSGT đường thủy đã phát hiện 2 thuyền vỏ kim loại đang có hành vi khai thác khoáng sản (cát) dưới lòng sông. Qua kiểm tra, các chủ thuyền không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến phương tiện, cấp phép khai thác khoáng sản của cơ quan có thẩm quyền. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ tang vật gồm: 2 thuyền vỏ sắt, máy móc khai thác cát và hơn 16m3 cát khai thác trái phép chứa trên các phương tiện vi phạm và bàn giao vụ việc cho Công an huyện Nam Đàn tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

anh-4.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra tàu khai thác cát trên sông Lam.

Trước đó, ngày 16/4, tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Nghệ An đã đồng loạt tiến hành kiểm tra, phát hiện 5 thuyền vỏ sắt đang khai thác cát, sỏi trái phép tại tại khu vực sông Lam, thuộc địa phận xã Long Sơn, huyện Anh Sơn.

Tất cả các thuyền đều không được đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Tiếp tục tiến hành kiểm tra tại bến thủy nội địa của Công ty TNHH Lộc Khang Sông Lam tại thôn 10, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, tổ công tác phát hiện thêm 4 thuyền vỏ sắt dạng tự chế đang neo đậu.

Qua kiểm tra, lực lượng công an xác định tổng khối lượng cát, sỏi trên 9 chiếc thuyền là khoảng 120m3; khối lượng cát, sỏi trên bến thủy nội địa của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lộc Khang Sông Lam là 704m3. Các thuyền này đều không có số hiệu, không có đăng ký, đăng kiểm.

Tất cả những người điều khiển thuyền, trực tiếp khai thác cát sỏi trên không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tổ công tác đã tạm giữ 824m3 cát, sỏi và 9 thuyền vỏ sắt dạng tự chế đề điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Hay mới đây nhất, ngày 16/6/2024, cơ quan chức năng phát hiện 3 thuyền máy có gắn động cơ hút đang hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Lam đoạn qua xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương. Cụ thể, khi bắt giữ, thuyền của bà Nguyễn Thị Dần điều khiển trên thuyền có 7,5m3 cát; thuyền của ông Nguyễn Văn Đức trên thuyền có 8m3 cát; thuyền của ông Ngũ Văn Sáu trên thuyền có 6m3 cát.

Tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra

Thực hiện quản lý, bảo vệ khoáng sản cát sỏi theo Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND, ngày 1/6/2017 Ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm người đứng đầu của chính quyền cơ sở trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật khoáng sản đối với các tổ chức, doanh nghiệp; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý theo quy định; tiếp tục đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản lắp trạm cân, camera giám sát, chấp hành đầy đủ các quy định theo giấy phép đã được cấp có thẩm quyền cấp và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.

Với sự vào cuộc quyết liệt từ ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, tình trạng khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An từng bước được kiềm chế. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các lực lượng tại địa phương cấp huyện, cấp xã về phương tiện, trang thiết bị và kinh phí để duy trì các tổ tuần tra kiểm soát và xử lý kịp thời các hoạt động khai thác cát trái phép trên sông, lập lại trật tự trong quản lý khai thác, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phạm Tuân