Biển đảo

Bài dự thi "Cùng giữ màu xanh của biển" lần 2:Tuổi trẻ Lệ Thủy chung tay giữ màu xanh của biển

Ngô Thị Hoa - Trường THCS An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình 17/09/2024 - 14:22

(TN&MT) - Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, biển, đảo có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

cac-co-quan-doan-the-cung-phoi-hop-trong-cong-tac-bao-ve-moi-truong-bien.-nguon.-tuoi-tre-le-thuy.png
Các cơ quan, đoàn thể cùng phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường biển. Nguồn. Tuổi trẻ Lệ Thủy

Khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thôi thúc cả dân tộc quyết tâm đánh bại đế quốc và tay sai, giải phóng dân tộc, mà còn đặt trách nhiệm cho các thế hệ người Việt Nam phải biết chăm lo phát huy lợi thế và bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Biển, đảo của nước ta không những là khu vực phát triển kinh tế đầy tiềm năng, là nơi án ngữ các trục giao thông huyết mạch trên biển, cùng với nguồn lợi về tài nguyên, kinh tế biển, mà còn là môi trường tác chiến quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Thế nhưng, theo số liệu thống kê, hiện nay, Việt Nam đang là một trong các quốc gia trên thế giới có mức độ ô nhiễm môi trường biển cao. Chất thải, rác thải nhựa đổ ra biển ngày một nhiều hơn khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa.

nhung-chiec-thuyen-cua-ngu-dan-tren-bo-cat-trang.png
Những chiếc thuyền của ngư dân trên bờ cát trắng

Tại Việt Nam có đến hàng trăm con sông lớn nhỏ trải dài khắp đất nước và các con sông này đều đổ ra biển. Tình trạng ô nhiễm sông kéo theo những chất thải, rác thải đổ ra biển. Hiện tượng suy thoái môi trường biển đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn. Vấn đề ô nhiễm này tác động nặng nề đến môi trường sinh thái, đời sống sinh hoạt của mọi người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân cũng như gia tăng những áp lực lên môi trường nặng nề hơn, cản trở sự phát triển của nền kinh tế và cả xã hội.
Ô nhiễm môi trường biển gây nên những tác động trực tiếp đến hệ sinh thái. Hệ sinh thái biển vô cùng đa dạng với nhiều loài sinh vật. Tuy nhiên khi nguồn nước biển bị ô nhiễm sẽ không đảm bảo môi trường sống tự nhiên của các sinh vật. Nhiều loài sinh vật biển đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do ô nhiễm biển, gây suy giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng lớn đến môi trường thiên nhiên.

Ngoài ra, ô nhiễm môi trường biển còn tác động nặng nề cho nền kinh tế quốc gia. Những hoạt động khai thác biển không còn thực hiện được. Các nguồn lợi kinh tế từ môi trường biển suy giảm. Khi môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, các hoạt động du lịch cũng sẽ suy giảm theo.

hoang-hon-ngu-thuy-le-thuy.png
Hoàng hôn Ngư Thủy Lệ Thủy

Điều này ảnh hưởng đến ngành du lịch và sự phát triển của đất nước. Các nguồn khai thác du lịch dần biến mất và không mang lại nguồn lợi cho kinh tế. Không những thế, những tác động nặng nề từ môi trường biển bị ô nhiễm gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người. Những sinh vật sống dưới biển khi tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm chất hóa học, chất phóng xạ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người khi con người sử dụng nguồn thực phẩm này. Ngoài ra, những ngư dân đánh bắt thủy hải sản cũng sẽ bị tác động lớn khi nguồn nước biển bị ô nhiễm khiến lượng thủy hải sản suy giảm, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân, mất đi công việc của hàng triệu người.

Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, có tính cấp bách đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, để bảo vệ môi trường sống và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cần có sự đóng góp công sức của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò xung kích, tình nguyện của lực lượng đoàn viên, thanh niên.

le-phat-dong-chien-dich-thanh-nien-tinh-nguyen-he-va-huong-ung-ngay-moi-truong-the-gioi.-nguon-tuoi-tre-le-thuy.png
Lễ phát động Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè và hưởng ứng ngày Môi trường thế giới. Nguồn Tuổi trẻ Lệ Thủy

Huyện Lệ Thủy (thuộc tỉnh Quảng Bình) có đường bờ biển với chiều dài 30km. Ý thức được vai trò quan trọng của biển đối với địa phương, đặc biệt trước thực trạng của môi trường biển, tuổi trẻ Lệ Thủy luôn nêu cao trách nhiệm của mình trong việc đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như trong việc bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.

ra-quan-huong-ung-ngay-chu-nhat-xanh.-nguon-tuoi-tre-le-thuy.png
Ra quân hưởng ứng Ngày chủ nhật xanh. Nguồn Tuổi trẻ Lệ Thủy

Đoàn thanh niên các cấp đã phát động nhiều phong trào có ý nghĩa và thu hút được sự tham gia đông đảo của lực lượng đoàn viên, thanh niên như: “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày Môi trường thế giới”, “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam”, “Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè”... với các hoạt động cụ thể như: thu gom rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ngoài ra, tổ chức Đoàn thanh niên còn phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tuyên truyền, trang bị những kiến thức bổ ích về chủ quyền biển đảo, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo như Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, biển đảo” giai đoạn 2023 - 2028...

bai-bien-ngu-thuy-bac-dep-hoang-so.png
Bãi biển Ngư Thủy Bắc đẹp hoang sơ

Có thể thấy, các hoạt động của tuổi trẻ Lệ Thủy đã, đang và sẽ góp phần vào việc bảo vệ môi trường biển, lan tỏa những việc làm tốt, những hành động ý nghĩa để cùng chung tay giữ màu xanh của biển.

Ngô Thị Hoa - Trường THCS An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình