Xã hội

Tình người - điểm tựa vững chắc nơi bão lũ đi qua

Thái Hà 17/09/2024 14:17

(TN&MT) - Hàng ngàn năm qua, truyền thống chia sẻ “lá lành đùm lá rách” đã luôn được đồng bào ta thực hiện để cùng chung tay vượt qua hậu quả của thiên tai, bão lũ hay dịch hoạ. Truyền thống đó như minh chứng cho sự đoàn kết, tình người sẽ luôn là điểm tựa vững chắc nhất, không chỉ góp phần sẻ chia mà còn tiếp thêm động lực, sức mạnh để cùng nhau vượt qua khó khăn, bão lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

1. Ngày 3/9, cơn bão số 3 (bão Yagi), đi vào Biển Đông, nhưng chỉ trong 48 giờ sau đó, bão tăng từ cấp 8 lên cấp 16 - cấp siêu bão. Khi đi vào vịnh Bắc bộ, bão giảm xuống cấp 14, giật cấp 17. Theo trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão Yagi có 4 đặc điểm bất thường: là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên khu vực Biển Đông; cường độ tăng rất nhanh; duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài; mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường; thời gian hoạt động trên đất liền kéo dài (12 giờ).

Những đặc điểm bất thường của bão Yagi đã dẫn tới sự bất thường của cơn mưa lớn diện rộng do hoàn lưu bão, gây ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra tại nhiều địa phương, như Lào Cai, Yên Bái, Thái nguyên, Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh… gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.

chien-si-giup-dan.jpg
Những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra không gì bù đắp nổi

Trong đó, Lào Cai xảy ra lũ quét, mảng sạt lở quy mô lớn, Yên Bái có quy mô mảng sạt lở nhỏ hơn nhưng xảy ra ở nhiều nơi (riêng tại TP.Yên Bái đã thống kê được trên 1.000 điểm sạt lở đất). Đặc biệt là vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, H.Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT tại phiên họp của Chính phủ chiều 15/9, ngoài thiệt hại về người, bão Yagi đã gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng tài sản của người dân và Nhà nước.

Khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại tập trung tại Quảng Ninh, Hải Phòng (nơi bão quét qua) và Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Tuyên Quang...; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn.

Tính tới sáng 16/9, có 348 người chết, mất tích (281 người chết, 67 người mất tích); 1.921 người bị thương.

2. Sau cơn thịnh nộ của thiên nhiên, chúng ta đã mất mát quá nhiều, từ cơ sở vật chất đến con người. Có những gia đình đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm thấy người thân, nỗi đau đấy không gì bù đắp nổi, nước mắt chắc cũng đã cạn khô.

Nhưng còn người thì vẫn phải đứng lên mà sống. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ, "trong những lúc khó khăn, những lúc gian nan, những lúc thử thách thì ai cũng cần một điểm tựa". Và đồng bào vùng bị thiên tai, bão lũ, sạt lở, ngập lụt luôn có những điểm tựa cả về tinh thần lẫn vật chất.

Trong những ngày qua, trong mưa bão, hình ảnh cộng đồng chia sẻ cho nhau từ bữa ăn chống đói, cái áo ấm thân những ngày trước mắt; cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, công an, lực lượng dân quân, tự vệ đội mưa, đội gió giúp dân chằng chống nhà cửa, đê điều...; dầm mình trong lũ khẩn trương sơ tán nhân dân đến nơi an toàn; hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kịp thời về thăm hỏi, động viên bà con vùng tâm bão; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương dốc sức giúp dân khắc phục hậu quả... đã giúp đồng bào vùng bão, lũ vững tin vượt qua cơn hoạn nạn.

Với tinh thần “tương thân tương ái”, tất cả đồng bào đều hướng về miền Bắc bằng những hành động ý nghĩa, thiết thực nhất. Từ hình các cháu học sinh đến những cán bộ lão hưu đã dốc hết số tiền của mình đến từng đồng lẻ để ủng hộ đồng bào… Trên các cung đường, hàng chục chuyến xe chở nhu yếu phẩm đang từ miền Nam, miền Trung, Tây nguyên tiến ra Bắc, những chuyến xe ắp đầy tình người trên khắp đất nước Việt Nam.

Trong hai ngày cuối tuần, tham gia trong các đoàn chở nhu yếu phẩm lên hỗ trợ đồng bào ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ông Nguyễn Thế Mậu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần môi trường Công nghệ cao Hoà Bình xúc động chia sẻ: Giữa mùa bão, lũ, tôi vô cùng đau xót trước những mất mát của bà con nơi đây. Tôi rất cảm kích và trân trọng những chiến sĩ không quản nguy khó, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để cứu giúp người dân. Chúng tôi không có thể trở thành các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang giúp người dân an toàn, bảo vệ nhà cửa, đê điều… thì chúng tôi, với hỗ trợ, đóng góp vô cùng nhỏ bé của mình nguyện làm hậu phương bền vững để đồng bào ta vượt qua sự khó khăn, mất mát này.

small_20240914_cty-cnc-hoa-binh-di-ho-tro-ba-con-vung-lut_17.jpg
Ông Nguyễn Thế Mậu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần môi trường Công nghệ cao Hoà Bình (ảnh trái)

3. Dư âm của cơn bão Yagi mới được tạm thời lắng xuống song vẫn để lại nhiều mất mát đau thương cho nhiều người dân, tàn phá nhiều công trình giao thông, trường học, trạm xá, nhà cửa…, nhưng trong đó xuất hiện hơi ấm giá trị tinh thần tương thân tương ái của mọi người dân trên mảnh đất hình chữ S. Tình cảm ấy đã làm ấm lòng bà con vùng bão lũ, để rồi phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt Nam ta - tinh thần tương thân tương ái trong lúc khó khăn, hoạn nạn, tiếp tục lan tỏa mãi mãi trường tồn theo thời gian.

Hàng ngàn năm qua, truyền thống chia sẻ “lá lành đùm lá rách”, những nghĩa tình “nhiễu điều phủ lấy giá gương/người trong một nước phải thương nhau cùng” đã luôn được đồng bào ta thực hiện để cùng chung tay vượt qua hậu quả của thiên tai, bão lũ hay dịch hoạ. Rất nhiều các hành động mang đầy tình cảm, ý nghĩa nhân văn sâu sắc từ người già cho tới trẻ, từ người chiến sĩ đến những người lao động, kiều bào nước ngoài đến các cá nhân, tổ chức, tập thể, doanh nghiệp cùng rất nhiều tấm lòng nhân ái đã và đang trở thành làn sóng lan truyền rộng khắp cả nước.

anh-b-5139.jpg
Tình người luôn là điểm tựa vững chắc nhất, không chỉ góp phần sẻ chia mà còn tiếp thêm động lực, sức mạnh để cùng nhau vượt qua khó khăn, bão lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Truyền thống đó như minh chứng cho sự đoàn kết, tình người sẽ luôn là điểm tựa vững chắc nhất, không chỉ góp phần sẻ chia mà còn tiếp thêm động lực, sức mạnh để cùng nhau vượt qua khó khăn, bão lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Thái Hà