Biến đổi khí hậu

Cần thực hiện các giải pháp bảo vệ tầng Ozon

Hoài Thu 16/09/2024 - 20:31

(TN&MT) - Chiều 16/9, tại Hà Nội, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội đã phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo “Giao lưu với giảng viên, sinh viên về việc thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ TN&MT cho biết, lớp ozon ở tầng bình lưu được coi là tấm lá chắn để che chở cho trái đất khỏi hầu hết các bức xạ cực tím có hại do tác động của mặt trời. Tuy nhiên, hiện nay, tầng ozon đã bị thủng và suy giảm nghiêm trọng, gây gia tăng tỷ lệ ung thư da, đục thuỷ tinh thể và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, làm hỏng cây trồng, hoa màu...

anh-chup-man-hinh-2024-09-16-luc-18.56.03.png
Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ TN&MT phát biểu khai mạc

Từ cuối những năm 1970, các nhà khoa học đã quan sát thấy lỗ thủng tầng ozon, một trong những nguyên nhân chính gây ra việc suy giảm này là do các hóa chất được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp và kiểm định trong nông nghiệp,…

Cho đến nay, Hội đồng đánh giá khoa học về Nghị định thư Montreal đã xác nhận rằng, tầng ozon đang được khôi phục theo lộ trình và theo dự kiến vào năm 2045 ở Bắc Cực và 2066 ở Nam Cực sẽ trở lại nguyên trạng như năm 1980 trước khi xuất hiện lỗ thủng tầng ozon.

Bên cạnh những thành quả trong việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng đã phải đối mặt với các thách thức mới, gắn với xu hướng gia tăng sử dụng các chất thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon. Đó là các chất gây nên hiệu ứng nhà kính, nóng lên toàn cầu cao.

Việt Nam đã tham gia Nghị định Montreal từ năm 1994, và năm nay đánh dấu chặng đường 30 năm Việt Nam tham gia và nỗ lực thực hiện. Việt Nam cũng đã được quốc tế đánh giá là thành viên tích cực và có trách nhiệm cao, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong thời gian qua, Cục Biến đổi khí hậu đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, sự tham gia tích cực của các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước; cùng sự đồng hành, hợp tác của các tổ chức quốc tế để thực hiện tốt việc quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính mà Việt Nam đã cam kết.

anh-chup-man-hinh-2024-09-16-luc-18.54.36.png
PGS.TS Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu

PGS.TS Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các chất làm suy giảm tầng ozon được sử dụng rất nhiều, dùng trong công nghệ làm mát, ví dụ như các chất CFC, HCFC. Chính vì vậy, trong khuôn khổ thực hiện Nghị định Montreal, Việt Nam đã luôn tích cực, chủ động trong các hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, loại trừ các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát với mục tiêu giảm dần đến 2040, Việt Nam loại trừ các chất gây phá huỷ tầng ozon và 80% các chất gây hiệu ứng nhà kính.

Hiện nay, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá ngày càng phát triển, đòi hỏi lớn về việc làm mát, tuy nhiên, thực tế cho thấy các công nghệ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Do đó, nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế về bảo vệ tầng ozon 2024 với chủ đề “Nghị định thư Montreal - Thúc đẩy hành động vì khí hậu” và kỷ niệm Việt Nam 30 năm là công ước viên tham gia Nghị định thư Montreal, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Trường Cơ khí - Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo lần này, mong muốn có thể nhận được các trao đổi, chia sẻ từ các diễn giả có kinh nghiệm và là dịp để các bạn sinh viên có được nhiều thông tin hữu ích, hiểu được việc bảo vệ tầng ozon, cam kết của Việt Nam với quốc tế, trách nhiệm của mỗi cá nhân và đóng góp vào mục tiêu bảo vệ sự sống, cùng môi trường sống an toàn, lành mạnh.

anh-chup-man-hinh-2024-09-16-luc-18.54.11.png
TS. Trịnh Quốc Dũng - Khoa Năng lượng Nhiệt, Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày tham luận

Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, TS. Trịnh Quốc Dũng - Khoa Năng lượng Nhiệt, Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã đề cập đến chính sách về quản lý và loại trừ môi chất lạnh, như: Kiểm soát lượng sử dụng môi chất lạnh; đo đạc, báo cáo thẩm định (MRV) phát thải khí nhà kính (KNK) của môi chất lạnh; Kiểm soát rò rỉ môi chất lạnh (thu hồi, tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy); Sử dụng các giải pháp làm mát thụ động và dựa vào tự nhiên; Chuyển đổi các môi chất lạnh thân thiện với khí hậu và nâng cao nhận thức, đào tạo sinh viên, kỹ thuật viên trong quản lý môi chất lạnh.

Qua đó, ông cũng chỉ ra lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí tiêu thụ năng lượng lớn (20% điện năng) và ảnh hưởng đáng kể tới môi trường (tầng ozon và nóng lên toàn cầu), vì vậy, giải pháp cho vấn đề này cần đi kèm với những cam kết mạnh mẽ về môi trường; kết hợp những giải pháp tích hợp trong làm mát, đảm bảo sử dụng chất được kiểm soát và đáp ứng nhu cầu làm mát cho con người.

Đồng thời, cần tạo cơ hội và thực hiện chuyển đổi xanh đối với nền kinh tế và cộng đồng xã hội; nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về tác động của chất được kiểm soát với môi trường.

anh-chup-man-hinh-2024-09-16-luc-18.53.38.png
PGS.TS. KTS Phạm Thị Hải Hà - Trưởng Bộ môn Kiến trúc môi trường - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trình bày tham luận

PGS.TS. KTS Phạm Thị Hải Hà - Trưởng Bộ môn Kiến trúc môi trường - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trình bày về các công trình xanh và ứng dụng giải pháp làm mát dựa vào tự nhiên, trong đó, các công trình xanh có thể tạo ra các tác động tích cực đến khí hậu và môi trường tự nhiên, giúp cải thiện sức khỏe người sử dụng công trình, sử dụng năng lượng tái tạo, thúc đẩy nền kinh tế, đóng góp cơ sở hạ tầng.

Theo đó, bà khuyến khích các công trình xanh cần được xây dựng theo cách làm mát dựa vào tự nhiên (làm mát thụ động) - Thiết Kế thụ động tự thân đạt hiệu quả dựa vào các yếu tố tự nhiên và khí hậu, bằng việc sử dụng các đặc tính vật lý tự nhiên hoặc vốn có như: Đối lưu; cách nhiệt; che nắng, chống bức xạ; khối nhiệt… để thoát khí nóng hay giảm truyền nhiệt nóng từ ngoài và trong nhà.

anh-chup-man-hinh-2024-09-16-luc-18.52.42.png
Chương trình hỏi đáp và giao lưu trao đổi với các diễn giả

Trong Hội thảo đã diễn ra Chương trình hỏi đáp và giao lưu trao đổi với các diễn giả với Chủ đề: Chung tay bảo vệ tầng ozon - Vì một tương lai xanh cho Việt Nam, có sự tham gia của đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội; Công ty Cổ phần Daikin Air Conditioning VietNam và Công ty Cổ phần Quốc tế ARS. Các đại biểu đã trao đổi về tầm quan trọng và những lựa chọn công nghệ thay thế, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao, qua đó ghi nhận những thành tựu đã đạt được và hướng tới tương lai để có những hành động mạnh mẽ hơn về bảo vệ tầng ozon, bảo vệ sự sống và khí hậu trên trái đất.

Hoài Thu