Ngành TN&MT

30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal: Nhiều dấu ấn đậm nét

Khánh Ly 16/09/2024 14:37

(TN&MT) - Ngày 16/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì Hội thảo “Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2024 - 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal”.

z5835410873953_415140bca2eadf8d74180eefa40f79f7.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc hội thảo

Sự kiện nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2024 và chia sẻ nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác, cùng hành động để giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu, chung tay phục hồi tầng ô-dôn, bảo vệ Trái đất.

Tham dự có ông Pipat Poopeerasupong, Điều phối viên ô-dôn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP); ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT); đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TN&MT cùng đại diện các Bộ, ngành; đại diện UBND, Sở TN&MT 15 tỉnh/thành phố phía Bắc; đại diện các tổ chức quốc tế, các Viện nghiên cứu, Trường đại học, các cơ sở đào tạo và nhiều doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Năm 2024 đánh dấu mốc 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Ngay sau khi tham gia Công ước và Nghị định thư năm 1994, Việt Nam đã ban hành Chương trình quốc gia loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ô-dôn năm 1995 và thành lập Văn phòng Chương trình quốc gia để điều phối, triển khai các hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal từ năm 1996.

img_0041.jpg
Bà Megumi Seki, Thư ký điều hành, Ban Thư ký ô-dôn quốc tế phát biểu chúc mừng Việt Nam đã thực hiện thành công Nghị định thư Montreal trong suốt 30 năm qua

Trong thập niên đầu tiên tham gia Công ước và Nghị định thư (1994 - 2004) Việt Nam đã bắt đầu xây dựng và ban hành các quy định quản lý, kiểm soát sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

Trong giai đoạn 2004 - 2014, Việt Nam đẩy mạnh công tác bảo vệ tầng ô-dôn, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định quản lý, văn bản chỉ đạo điều hành để quản lý hoạt động xuất nhập khẩu các chất; kiểm soát thiết bị làm lạnh sử dụng môi chất lạnh CFC; hạn chế thành lập mới hoặc mở rộng sản xuất đối với doanh nghiệp sử dụng chất HCFC. Cùng với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 1/1/2010, ngưng ở mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC từ ngày 1/1/2013 và nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ.

img_0044.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, đến nay hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn, quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và chất gây hiệu ứng nhà kính cơ bản được hoàn thiện. Doanh nghiệp sản xuất xốp, điều hòa không khí, thiết bị lạnh không còn sử dụng chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong hoạt động sản xuất; việc nhập khẩu, tiêu thụ các chất được kiểm soát theo lộ trình; chất Methyl Bromide chỉ được sử dụng cho mục đích kiểm dịch và khử trùng trong nông nghiệp.

Chính phủ cũng đã đã phê chuẩn tham gia Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal từ năm 2019, nhằm tăng cường công tác quản lý các chất gây hiệu ứng nhà kính (HFC) được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn đang dần bị loại bỏ. Nội dung bảo vệ tầng ô-dôn đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; các thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được ban hành phục vụ công tác quản lý.

img_0050.jpg
Đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức quốc tế tham dự hội thảo

Sau 30 năm tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã được quốc tế đánh giá là thành viên tích cực và có trách nhiệm cao; nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính và đạt được nhiều kết quả quan trọng. “Theo thống kê, đánh giá của Ban Thư ký Ô-dôn quốc tế công bố tại kỳ họp tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn CO2 tương đương từ khi tham gia đến nay” - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh. Những kết quả có đóng góp quan trọng của các Bộ, các ngành như: Công Thương, Hải quan, Giáo dục nghề nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự tham gia tích cực của các cơ sở đào tạo, hiệp hội, hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp trên cả nước; và sự đồng hành, hợp tác của các đối tác quốc tế.

Để triển khai đồng bộ các giải pháp từ nay đến năm 2045, ngày 11/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát tại Quyết định số 496/QĐ-TTg. Nếu thực hiện theo lộ trình, đến năm 2045 Việt Nam sẽ giảm phát thải hơn 11 triệu tấn CO2 tương đương từ việc loại trừ các chất được kiểm soát, chưa kể đến lượng giảm phát thải đạt được thông qua những nỗ lực chuyển đổi công nghệ theo hướng thân thiện với khí hậu và các hoạt động tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

img_0100.jpg
Ông Rusmir Music, chuyên gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) trình bày tại Hội thảo

Phát biểu chào mừng từ trụ sở của UNEP, bà Megumi Seki, Thư ký điều hành, Ban Thư ký ô-dôn quốc tế chúc mừng Việt Nam đã thực hiện thành công Nghị định thư Montreal trong suốt 30 năm qua.

Trọng tâm của Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2024 là đóng góp vào giảm nhẹ biến đổi khí hậu, thể hiện qua thông điệp “Nghị định thư Montreal: Thúc đẩy hành động vì khí hậu”. Nghị định thư Montreal được quốc tế đánh giá là một trong những thỏa thuận đa phương về môi trường thành công nhất trong lịch sử và đây là thắng lợi chung của sự hợp tác toàn cầu. Cho đến nay, việc loại trừ 99% các chất gây suy giảm tầng ô dôn tương đương giảm phát thải khoảng 366 tỷ tấn CO2 trên khắp thế giới, góp phần làm chậm đáng kể quá trình nóng lên toàn cầu.

Bà Megumi Seki bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục quyết tâm triển khai thực hiện Nghị định thư Montreal hiệu quả, chung tay cùng nỗ lực gấp đôi để phát huy hết tiềm năng của Bản sửa đổi, bổ sung Kigali, và tham gia các hành động quốc tế về tăng cường quản lý vòng đời các môi chất lạnh trong thời gian tới, hiện thực hóa các mục tiêu giảm phát thải.

Tại hội thảo, đại diện các tổ chức quốc tế và chuyên gia trong nước đã có các bài tham luận chuyên sâu về nội dung quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát và triển khai hoạt động làm mát bền vững tại Việt Nam; thực tiễn chuyển đổi công nghệ và hoạt động thu gom, tái chế và xử lý các chất được kiểm soát tại Việt Nam.

Theo ông Viraj Vithoontien, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), việc thực hiện quản lý theo vòng đời môi chất lạnh là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất hóa chất, nhà sản xuất thiết bị, nhà hoạch định chính sách, các tập đoàn lớn và các chuyên gia dịch vụ cùng hợp tác để ngăn chặn phát thải vào khí quyển.

z5835982263604_325a1bd0e64f10ec2a78b1f60d642f5c.jpg
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo

Một số kinh nghiệm quốc tế có thể kể đến, như áp dụng chế độ đặt cọc/hoàn tiền đối với doanh số bán lẻ môi chất lạnh số lượng lớn của các nhà phân phối và bán buôn. Số tiền đặt cọc chưa được hoàn lại sẽ được dành để thanh toán các chi phí liên quan đến việc thu gom, vận chuyển, thu hồi và tiêu hủy các chất này. Cơ quan quản lý, thị trường cần tăng thêm yêu cầu sử dụng môi chất lạnh tái chế trong sản xuất thiết bị mới. Người mua, người vận hành tòa nhà và phương tiện giao thông nên áp dụng các tiêu chuẩn mua sắm môi chất lạnh và các tiêu chuẩn hiệu suất thiết bị hiện có để nâng cao quản lý vòng đời...

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, làm rõ hơn về cơ hội, thách thức, nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp để có thể triển khai đồng bộ, hiệu quả theo lộ trình Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát của Việt Nam.

z5835476285858_52318e4ccb681d3a31a896d08baa274b.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tiếp thu các ý kiến, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, đây là những gợi ý để Việt Nam tiếp tục hành trình bảo vệ tầng ô-dôn, đặc biệt trong việc thiết kế các quy định quản lý, triển khai trong thực tiễn và tăng cường phối hợp liên ngành.

Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ô dôn 2024 đánh dấu một hướng đi toàn diện hơn của cả thế giới, vừa nỗ lực thực hiện tốt Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal, vừa đảm bảo thực thi Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu. Là một thành viên tích cực, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn, làm mát bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu. Để đạt được các mục tiêu không thể thiếu sự đồng hành của các đối tác quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công thương, hải quan, thủy sản... Các viện , trường, cơ sở đào tạo nghề, hội nghề nghiệp nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho việc thực hiện các chương trình, kế hoạch đề ra.

Khánh Ly